Tài chính

Tin chứng khoán 20/11: Tiền cọc về tài khoản, Vinaconex đón chờ chủ mới

(VNF) - Theo lộ trình, hôm qua (19/11) là ngày cuối cùng mà 2 nhà đầu tư đăng ký mua 21,28% vốn Vinaconex do Viettel sở hữu, phải hoàn tất nộp tiền đặt cọc. Trong khi đó, ngày mai (21/11) là hạn chót nộp tiền cọc của 4 nhà đầu tư đăng ký mua 57,71% vốn Vinaconex do SCIC sở hữu. Ngày 22/11, chủ nhân mới của Vinaconex sẽ chính thức lộ diện.

Tin chứng khoán 20/11: Tiền cọc về tài khoản, Vinaconex đón chờ chủ mới

Vinaconex sắp về tay tư nhân

Tin chứng khoán: Tiền cọc về tài khoản, Vinaconex đón chờ chủ mới

Theo lộ trình, hôm qua (19/11) là ngày cuối cùng mà 2 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô 94 triệu cổ phần Vinaconex do Viettel sở hữu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,28%, phải hoàn tất nộp tiền đặt cọc.

Theo quy chế đấu giá, tiền cọc sẽ bằng 10% giá trị cổ phần cả lô tính theo giá khởi điểm đấu giá. Như vậy, 2 nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ phải chuyển cho Viettel tổng cộng trên 400 tỷ đồng tiền cọc.

Đối với lô 254 triệu cổ phần Vinaconex do SCIC sở hữu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 57,71%, hạn cuối nộp đặt cọc là vào ngày mai (21/11). Với 4 nhà đầu tư đăng ký mua trọn lô gồm ông Nguyễn Văn Đông, Công ty An Quý Hưng, Công ty Thăng Long JTC và Công ty Star Invest, tổng số tiền đặt cọc cho SCIC là trên 2.170 tỷ đồng.

Ngày 22/11, 2 phiên đấu giá cổ phần Vinaconex do Viettel và SCIC sở hữu sẽ đồng loạt diễn ra. Lô cổ phần do SCIC sở hữu sẽ đấu giá trước, vào lúc 14h40; trong khi lô cổ phần do Viettel sở hữu sẽ đấu giá vào lúc 15h30.

Cả 2 phiên đấu giá trên đều hứa hẹn sẽ thành công khi có khá nhiều nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh những tên tuổi ít người biết tới, những tên tuổi lạ lẫm được đồn đoán là "bình phong" của tổ chức, cá nhân "sừng sỏ" khác thì cũng có cái tên nổi đình nổi đám, tạo ra sự chú ý lớn.

Ấn tượng nhất là trường hợp của Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam. Công ty này có người đứng đầu là ông Trịnh Cần Chính - con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, người từng hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng.

Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ mặc dù khá lạ lẫm nhưng được cho là có liên quan mật thiết đến một doanh nghiệp bất động sản lớn đang hợp tác đầu tư với Vinaconex.

Trường hợp nhà đầu tư Nguyễn Văn Đông cũng rất đáng chú ý bởi việc một cá nhân dự tính bỏ ra tới trên 5.400 tỷ đồng thâu tóm một doanh nghiệp nhà nước là rất hãn hữu. Nhiều thông tin tham khảo cho thấy rằng, nhà đầu tư này có liên quan nhất định tới một công ty năng lượng của Thái Lan và một doanh nhân người Việt thành danh tại Lào, đang hợp tác làm ăn ở cả Việt Nam, Lào và Thái Lan.

VN-Index đối mặt nguy cơ rung lắc sau phiên tăng mạnh

Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/11, chỉ số VN-Index tăng 17,87 điểm tương đương với 1,99%, đóng cửa ở mức 916,06.

Các mã đóng góp tích cực nhất cho mức tăng của VN-Index là VIC, CTG, VHM và TCB với mức đóng góp lần lượt là 4,3, 0,92, 0,73 va 0,62 điểm. Ở chiều ngược lại, các mã gây ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VnIndex là NVL, TLG, VHC và PHR với mức ảnh hưởng tuần tự là -0,06, -0,03, -0.03 và -0,01 điểm.

Đáng chú ý, phần lớn thời gian giao dịch ngày 19/11, thanh khoản đều ở mức thấp hơn phiên giao dịch vào thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên, từ sau 2h chiều, thanh khoản trên sàn HoSE tăng đột biến.

Kết thúc phiên, thanh khoản trên sàn HoSE đạt 3.610 tỷ đồng, cao hơn mức 3.440 tỷ đồng của phiên giao dịch trước.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số có khả năng sẽ tiếp tục tăng điểm trong các phiên sắp tới. Mặc dù vậy, theo BVSC, thị trường có khả năng chịu áp lực rung lắc sau phiên tăng điểm mạnh ngày hôm nay. Vùng kháng cự và hỗ trợ của chỉ số nằm ở vùng 927 – 934 và 880 - 885.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

 

Tin mới lên