Tài chính

Tin chứng khoán 13/11: Con trai ông Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ mua 21% vốn Vinaconex

(VNF) - Công ty của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô, muốn chi hơn 2.000 tỷ đồng để sở hữu 21,28% vốn Vinaconex từ tay Viettel.

Tin chứng khoán 13/11: Con trai ông Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ mua 21% vốn Vinaconex

Con trai doanh nhân Trịnh Văn Bô dự chi hơn 2.000 tỷ mua 21% vốn Vinaconex

Tin chứng khoán: Con trai nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô muốn mua 21,28% vốn Vinaconex từ tay Viettel

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa công bố kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex. Đây là bước quan trọng bậc nhất trong tiến trình bán đấu giá trọn lô 94 triệu cổ phần Vinaconex do Viettel sở hữu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 21,28%.

Theo kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định, có 2 nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex là Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ. Để sở hữu trọn lô cổ phần từ Viettel, nhà đầu tư sẽ phải bỏ ra ít nhất 2.002 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú - Phường Văn Quán - Quận Hà Đông - Hà Nội. Người đại diện pháp luật là ông Trịnh Cần Chính, có địa chỉ tại số 34 đường Hoàng Diệu - Quận Ba Đình - Hà Nội.

Được biết, ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tộc Trịnh Văn Bô - người từng hiến 5.000 lượng vàng cho cách mạng vào năm 1945. Số 34 Hoàng Diệu là biệt thư nơi gia đình ông Trịnh Văn Bô sinh sống. Cái tên Trịnh Cần Chính được Bác Hồ đặt tên theo khẩu hiệu "cần, kiệm, liêm, chính" sau khi biết tin bà Hoàng Thị Minh Hồ (vợ ông Trịnh Văn Bô) vừa sinh con trai ngày 5/5/1949 tại Việt Bắc.

Ông Trịnh Cần Chính có một thời gian ngắn làm việc tại Bộ Tư pháp. Năm 1986, ông về trường Đại học Luật làm công tác thông tin thư viện đến tận năm 2009. Theo ông, công việc này khá nhàn tản.

Về hưu, ông không nghỉ ngơi mà bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Đến năm 2014, ông trở thành Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn phát triển nhà và đô thị Thăng Long Việt Nam.

Khoảng hơn hai năm trước, công ty của ông Trịnh Cần Chính đã mua lại dự án Hesco Văn Quán (Hà Đông) và dự án Vĩnh Hưng Dominium 409 Lĩnh Nam từ tay Công ty Cổ phần Tập đoàn Vina Megastar. Tổng vốn đầu tư cho 2 dự án trên, theo ông Trịnh Cần Chính, là khoảng trên 3.000 tỷ đồng.

Trở lại với các nhà đầu tư muốn mua cổ phần Vinaconex từ Viettel, Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ khá kín tiếng. Công ty này có trụ sở tại 64 Đường 85, Khu phố 1 - Phường Tân Quy - Quận 7 - TP. HCM, do ông Vũ Xuân Cường làm người đại diện theo pháp luật.

VN-Index có tiếp đà phục hồi ngắn hạn trong phiên 13/11?

Phiên 12/11, TTCK đảo chiều tăng điểm nhờ sự hỗ trợ về mặt tâm lý khi Quốc hội chính thức phê chuẩn CPTPP. VN-Index kết phiên tăng 0,42% lên ngưỡng 918,12 điểm, trong khi VN30 tăng 0,29% lên mức 888,2 điểm.

SAB là tâm điểm thị trường khi tăng mạnh 3,1%, đóng góp 1,42 điểm tăng cho VN-Index nhờ 2 thông tin tích cực. Thứ nhất, Sabeco chuẩn bị trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20%. HĐQT Sabeco vừa ban hành nghị quyết số 11A thông qua việc không hạn chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp này.

GAS cùng nhiều cổ phiếu dầu khí tăng điểm khi giá dầu thô hồi phục trong phiên đầu tuần sau chuỗi ngày giảm mạnh. Cụ thể, GAS tăng 1,7% trong khi PVD, PVS tăng lần lượt 3,8% và 6,2%. MWG (+3,8%), HCM (+4,6%), ACV (+3,4%), TNG (+4%) cũng thu hút dòng tiền trong phiên.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhận định, VN-Index đã có phiên giao dịch tăng điểm với cây nến ngày là nến tăng, có bóng nến dưới dài cho thấy tín hiệu hồi phục sau hai phiên giảm trước đó. Tuy nhiên thanh khoản giảm so với phiên liền trước và giảm thấp so với nền khối lượng giao dịch tuần, cho thấy sức cầu còn yếu.

"Do đó, chúng tôi cho rằng VN-Index khó có thể vượt được ngưỡng cản 920-925 trong phiên giao dịch tiếp theo và khả năng chỉ số sẽ tiếp tục xu hướng giảm sau khi tăng lên chạm ngưỡng này", SSI đánh giá.

Còn theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số VN-Index sẽ cần phải vượt qua ngưỡng cản do đường SMA20 tạo ra để tiếp tục duy trì đà phục hồi ngắn hạn. Trong kịch bản tiêu cực, nếu vùng hỗ trợ quanh 905 điểm bị xuyên thủng, thị trường rất có thể sẽ chuyển biến theo chiều hướng tiêu cực và quay lại kiểm tra vùng đáy cũ quanh 885 điểm.

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Tin mới lên