Tin chứng khoán 5/10: Tìm câu trả lời cho sự chững lại của Vicostone

Thanh Long - 05/10/2018 07:09 (GMT+7)

(VNF) - Có thể kể đến 7 lý do chính khiến Vicostone chững lại: doanh thu tập trung tại một số thị trường lớn; áp lực cạnh tranh quốc tế; cạnh tranh từ đối thủ sản xuất đá nhân tạo; cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế; áp lực cạnh tranh trong nước; xu hướng tiêu dùng các sản phẩm độc đáo; cuối cùng là rủi ro về nguồn nguyên vật liệu.

VNF
Điều gì đã khiến Vicostone chững lại?

Tin chứng khoán: 7 lý do khiến Vicostone chững lại

Công ty Cổ phần Vicostone (HNX: VCS) vừa công bố ước tính kết quả kinh doanh. Theo đó, Vicostone dự kiến doanh thu thuần quý III/2018 đạt 1.056 tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 3,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 314,8 tỷ đồng, tăng 5,5%; lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 267,5 tỷ đồng, tương đương quý III/2017.

Kết quả này khiến không ít nhà đầu tư thất vọng.

Thất vọng là bởi nhiều năm trở lại đây, Vicostone luôn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao. Thống kê cho thấy, giai đoạn 2013 - 2017, doanh thu thuần của Vicostone đã tăng bình quân 36%/năm. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế tăng bình quân tới 91%/năm.

Thất vọng cũng bởi nhiều nhà đầu tư đã tin rằng kết quả kinh doanh chững lại trong 6 tháng đầu năm 2018 chỉ là tạm thời (doanh thu thuần 6 tháng đầu năm của Vicostone giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm 9,9%), tình hình sẽ tốt đẹp trở lại trong quý III/2018.

Tâm lý này phản ánh ngay vào diễn biến giá của cổ phiếu VCS. Sau khi báo cáo tài chính quý I/2018 được công bố, cổ phiếu VCS đã nhanh chóng rớt từ mức đỉnh 140.000 đồng/cổ phiếu xuống quãng giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Và khi báo cáo tài chính quý II/2018 được công bố, VCS tiếp tục giảm xuống quãng giá 80.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, kỳ vọng của nhà đầu tư sau đó đã kéo giá cổ phiếu VCS lên quãng giá 100.000 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên giao dịch ngày 4/10 (ngày Vicostone công bố ước tính kết quả kinh doanh quý III/2018), cổ phiếu VCS giảm 5,9% xuống 93.000 đồng/cổ phiếu.

Câu hỏi đặt ra là: Điều gì đã khiến Vicostone chững lại?

Trong một báo cáo công bố đầu tháng 4/2018, phía Vicostone đã đề cập đến nhiều khó khăn mà công ty này đang gặp phải, phần nào giúp trả lời cho câu hỏi trên.

"Mặc dù doanh thu và sản lượng xuất khẩu của Vicostone sang những thị trường này đều tăng trưởng mạnh (đặc biệt là trong giai đoạn 2015-2017), nhưng cũng không có gì đảm bảo Vicostone vẫn chắc chắn giữ được đà phát triển này trong dài hạn, đặc biệt là đối với tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động từng ngày như hiện nay. Khi đó, Công ty sẽ phải đối mặt với khả năng suy giảm doanh thu, mất tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế; cũng như ảnh hưởng nặng nề đến giá trị và niềm tin của cổ đông", phía Vicostone tự đánh giá trong báo cáo.

Đi vào chi tiết, có thể kể đến các khó khăn chính sau:

Doanh thu chủ yếu tập trung tại một số thị trường lớn

Hiện tại, sản phẩm của Vicostone đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, gần 99% doanh thu lại tập trung chủ yếu ở các thị trường trọng điểm như Bắc Mỹ, Úc và Canada.

Đây là những thị trường có sức mua lớn, nhưng cũng rất khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm; đồng thời tại đây cũng có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với kinh nghiệm và quy mô tương đương Vicostone.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế

Đá thạch anh nhân tạo là một sản phẩm được chế tác dựa trên cảm hứng từ các loại đá tự nhiên, nhằm mục đích tạo ra một sản phẩm thay thế với chất lượng, mẫu mã tốt hơn các loại đá tự nhiên phổ biến.

Tuy nhiên, Vicostone không phải là nhà sản xuất đá nhân tạo duy nhất trên thế giới, đồng thời, đá nhân tạo gốc thạch anh cũng không phải là sản phẩm thay thế duy nhất cho đá tự nhiên.

Do đó, Vicostone luôn phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ các công ty sản xuất đá nhân tạo; từ các sản phẩm thay thế cho đá tự nhiên khác; thậm chí là cạnh tranh từ bản thân thị trường đá tự nhiên toàn cầu.

Cạnh tranh từ đối thủ sản xuất đá nhân tạo

Đối thủ chính trong thị trường đá nhân tạo của Vicostone là các tập đoàn lớn, các công ty gia đình có truyền thống sản xuất đá nhân tạo lâu đời như Cambria, Ceasarstone, SileStone và LG Stone.

Cùng với đó là các công ty mới tại Trung Quốc và Ấn độ với bề dày kinh nghiệm về sản xuất và sự quen thuộc với tâm lý và thị hiếu khách hàng, liên tục đưa ra những sản phẩm mới với mẫu mã nổi bật, tính chất cơ lý vượt trội, hoặc đi theo xu hướng “xanh” (tái chế, tái sử dụng, thân thiện với môi trường).

Hơn nữa, các đối thủ này, đặc biệt là các công ty từ Trung Quốc thường tiến hành sao chép các mẫu mã đẹp, độc đáo của nhau chỉ sau một thời gian ngắn khi sản phẩm được đưa ra thị trường, ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh dẫn đến các rủi ro về tranh chấp pháp lý.

Vicostone cho biết công ty này đã đưa ra các biện pháp hạn chế rủi ro này bằng việc liên tục đưa ra các sản phẩm không chỉ vượt trội về màu sắc, kiểu dáng mà còn đảm bảo tính chất cơ lý ưu việt. Đồng thời, Công ty cũng chú trọng việc đăng ký bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp của các sản phẩm đã, đang và sắp có tại các thị trường trọng điểm.

Tuy nhiên, các biện pháp bảo hộ này cũng chỉ mang tính chất cục bộ, do khó có thể đảm bảo được các mẫu mã được sao chép sẽ không xuất hiện ở các thị trường khác nằm ngoài tầm kiểm soát của Công ty.

Một nguy cơ tiềm ẩn nữa là việc hợp nhất kinh doanh trong ngành công nghiệp đá nhân tạo, khi các đối thủ hợp nhất thành công hoặc sáp nhập với các công ty nhỏ khác.

Thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập, các công ty lớn dễ dàng dành được lợi thế cạnh tranh với quy mô sản xuất và độ bao phủ thị trường rộng hơn. Quy mô sản xuất sau sáp nhập được mở rộng thông qua việc xây mới, chuyển đổi công nghệ trên các dây chuyên sản xuất. Độ bao phủ thị trường được mở rộng thông qua việc mở rộng thương hiệu, phát triển các kênh phân phối sản phẩm trực tiếp gần với khách hàng và người tiêu dùng cuối ở nhiều khu vực hơn.

Các yếu tố trên sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh đối với Vicostone, đặc biệt các đối thủ cạnh tranh với tiềm lực tài chính lớn hơn, khẩu vị rủi ro lớn hơn cũng có thể sẵn sàng đưa ra mức giá thấp hơn mức giá do Vicostone đưa ra đối với những sản phẩm cùng loại để chiếm lĩnh thị trường.

Cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế đá tự nhiên

Đá xẻ tự nhiên có ưu điểm là có kết cấu ổn định, giá trị thẩm mỹ cao nên là một vật liệu rất được ưa chuộng trong xây dựng. Tuy nhiên, do giá thành cao và nguồn cung hạn chế, cũng như với khả năng chống thấm thấp và độ giòn cao; nên trên thị trường cũng có rất nhiều sản phẩm khác nhau được sử dụng thay thế đá xẻ trong lĩnh vực vật liệu xây dựng như ceramic, laminates, thậm chí là bê tông, gỗ.

Do đó, Vicostone còn phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các sản phẩm tương đương từ các nhà cung cấp có tiếng trên thế giới như Inalco, antoniolupi (sản xuất ceramics) hay Pergo, Mohawk (sản xuất laminates).

Các sản phẩm thay thế này, mặc dù về tính chất cơ lý và mẫu mã có thể không bằng được với sản phẩm đá nhân tạo, tuy nhiên lại có nhiều ưu điểm hơn như số lượng mẫu mã đa dạng, giá thành phải chăng và có thể ứng dụng trong nhiều trường hợp đá nhân tạo không sử dụng được, nên có thể dễ dàng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng; trở thành một trở ngại lớn trong việc mở rộng thị phần đá của Công ty.

Áp lực cạnh tranh trên thị trường Việt Nam

Sản phẩm của Vicostone chủ yếu được bán ra thị trường quốc tế, tuy nhiên, thị trường nội địa cũng là một trong những mối quan tâm trọng điểm của công ty, đặc biệt trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, thứ nhất, người tiêu dùng trong nước chưa đặt nhiều quan tâm tới sản phẩm đá nhân tạo, mà thường ưa chuộng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên hơn.

Thứ hai, giá cả và sự sẵn có trên thị trường của các sản phẩm đá tự nhiên, đặc biệt là các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá rẻ hơn rất nhiều đá nhân tạo.

Thứ ba, hợp đồng độc quyền về công nghệ với hãng Breton của Vicostone sẽ kết thúc trong năm 2018. Khi đã mất ưu thế độc quyền công nghệ, nhiều đơn vị trong nước có thể sẽ đầu tư, xây dựng các dây chuyền sản xuất đá thạch anh nhân tạo với công nghệ này, làm “loãng” thị trường với các sản phẩm tương tự.

Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm độc đáo

Người tiêu dùng cuối càng ngày càng thông minh và khó tính hơn. Họ không chỉ nhìn vào yếu tố giá cả, mà còn quan tâm đến tính thẩm mỹ, độc đáo của sản phẩm. Trong những năm gần đây, một số sản phẩm độc đáo như Calacatta, Venatino hay Statuario… đã tạo nên tiếng vang của Vicostone trên thị trường quốc tế.

Theo đánh giá của Vicostone, xu hướng thay đổi mốt tiêu dùng của khách hàng sẽ càng ngày càng diễn ra nhanh hơn. Việc không nắm bắt kịp xu thế của khách hàng sẽ là rủi ro lớn của công ty này trong việc giữ vững thị trường.

Trên cơ sở đó, Vicostone xác định mục tiêu tập trung vào phát triển các dòng sản phẩm cao cấp, độc đáo, chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Để đạt được mục tiêu trên, các cải tiến về thiết bị, quy trình sản xuất dựa trên nền tảng dây chuyền có sẵn, kiểm soát chặt chẽ và sử dụng nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao là những yêu cầu bắt buộc.

Hệ quả của việc này là các chi phí sản xuất sẽ cao hơn bình thường, dẫn đến biên lợi nhuận của những sản phẩm này sẽ thấp hơn so với các dòng sản phẩm truyền thống. Ngoài ra, để đảm bảo tính cạnh tranh, phần chi phí tăng thêm lại không thể được chuyển hoàn toàn cho khách hàng, dẫn đến lợi nhuận của Vicostone có thể bị sụt giảm đáng kể khi không đảm bảo được khối lượng sản phẩm cao cấp bán ra đủ lớn để vượt qua phần suy giảm lợi nhuận do gia tăng giá thành.

Rủi ro về nguồn nguyên vật liệu

Hiện tại, Vicostone chưa tự chủ hoàn toàn trong việc xây dựng các cơ sở khai thác, sản xuất các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, mà vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng của mình.

Do đó, công ty này gặp rủi ro trong việc đảm bảo ổn định giá mua nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là các nguyên liệu chính như đá thạch anh, cristobalite và chất kết dính polyester resin.

VN-Index sẽ bứt khỏi ngưỡng cản ngắn hạn trong phiên 5/10?

Phiên 4/10, TTCK Việt Nam tiếp tục tăng với diễn biến giằng co mạnh ở vùng giá xanh. Mức thấp nhất VN-Index chạm đến trong phiên là tham chiếu 1.020,4 điểm, chỉ số đóng cửa ở 1.023,62 điểm tăng 3,22 điểm (+0,32%). VN30-Index có lúc xuống dưới tham chiếu tuy nhiên đóng cửa vẫn tăng 3,01 điểm (+0,3%) tại 993,61 điểm.

Nhóm VN30 có 19 mã tăng và hầu hết có giá trung bình cao hơn tham chiếu; trong đó nhiều mã ghi nhận mức tăng mạnh từ 1%-4% như VPB, GAS, PLX, REE, KDC, SSI, MBB, GMD.

Ở nhóm chứng khoán, SSI đóng cửa tăng 2,9%, bên cạnh VDS tăng 3,9% và VND tăng 2,4%. Nhóm ngân hàng duy trì vai trò hỗ trợ thị trường với MBB, TCB, VPB, CTG, ACB là các cổ phiếu tác động đáng kể lên các chỉ số theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, thị trường còn ghi nhận dòng tiền quay lại các nhóm Dầu khí, Dệt may, Khu công nghiệp, Cao su tự nhiên.

Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá, VN-Index đã có phiên giao dịch tăng điểm nhẹ với cây nến ngày là nến giảm có thân ngắn. Thanh khoản đã tăng so với phiên liền trước và tương đương so với nền khối lượng giao dịch tuần cho thấy tâm lý ổn định của nhà đầu tư.

"Sau nhiều phiên biến động trong biên độ hẹp, chỉ số có khả năng sẽ đẩy nhanh tốc độ giao dịch theo chiều hướng tích cực và thử thách ngưỡng cản ngắn hạn 1025-1030. Đây là ngưỡng cản quan trọng, khi VN-Index tiến gần ngưỡng này khả năng sẽ xảy ra tình trạng rung lắc và chỉ số sẽ tiếp tục có những phiên điều chỉnh tích lũy", SSI nhận định.

Còn theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), chỉ số VN-Index đang dao động quanh vùng 1024-1027 điểm. Trong các phiên tới, thị trường được kỳ vọng sẽ bứt phá khỏi ngưỡng cản này và hướng đến vùng kháng cự mạnh quanh 1050 điểm

>>> Xem thêm Series Tin chứng khoán

Cùng chuyên mục
Tin khác