Tín dụng cho BOT giao thông: Ngân hàng phải tính toán và quyết tâm cao

Hương Dịu - 02/10/2019 00:09 (GMT+7)

Cao tốc Bắc – Nam đã quyết định hủy mời thầu quốc tế và chuyển sang mời thầu rộng rãi trong nước. Vấn đề này đặt ra câu hỏi cho ngành ngân hàng về khả năng cấp tín dụng.

VNF
Các dự án BOT giao thông cần nguồn vốn rất lớn, hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Internet

Thực tế cho thấy, việc cho vay đối với các dự án hạ tầng giao thông đều bị các ngân hàng thương mại siết chặt vì không ít những rủi ro đã xảy ra trong thời gian qua, khiến không ít dự án chậm thông xe hơn kế hoạch.

Tiêu biểu như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, dự án có tổng chiều dài hơn 100km, mới hoàn thành được hơn 60km. Số còn lại chưa thể triển khai vì ngân hàng chưa tài trợ cho phần vốn tín dụng hơn 3.400 tỷ đồng của dự án.

Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cũng nhìn nhận các dự án BOT trước đây chủ yếu chỉ dừng lại ở các khoản vay khoảng 1.000 - 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các dự án cao tốc Bắc - Nam thì dự án thông thường vốn vay tương đối lớn, từ 7.000-8000 tỷ đồng trở lên.

Trước thông tin trên, nhiều ý kiến lo ngại, liệu có nhà thầu hoặc ngân hàng nào đủ đáp ứng nhu cầu về vốn của dự án trên, nhất là trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước đang siết tăng trưởng tín dụng, một số “ông lớn” ngân hàng còn gặp khó khăn trong việc tăng vốn chủ sở hữu.

Trao đổi về việc khả năng cung ứng vốn của ngành ngân hàng đối với các dự án BOT của cao tốc Bắc - Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định không chỉ có dự án cao tốc Bắc – Nam cần nguồn vốn lớn, hàng loạt dự án BOT giao thông khác ở phía Bắc, cũng cần được giới ngân hàng quan tâm như đường từ Chi Lăng lên đến Hữu Nghị (Lạng Sơn) dự kiến cần khoảng 8.000 tỷ đồng, đường từ Đồng Đăng lên Trà Lĩnh (Cao Bằng) cũng được đề xuất 20.000 tỷ đồng, đường đi từ Hòa Bình lên Mộc Châu (Sơn La) cũng cần khoảng 22.000 tỷ đồng…

Theo ông Đào Minh Tú, riêng dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, Vietinbank đã cung ứng hơn 8.000 tỷ đồng vốn vay. Hay như dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, cần hơn 12.000 tỷ đồng vốn, với nguồn vốn quá lớn như vậy, phải huy động 4 ngân hàng cùng tham gia, trong đó Vietinbank là 3.400 tỷ đồng, Agribank là 1.000 tỷ đồng, BIDV là 1.500 tỷ đồng và VPBank là 1.280 tỷ đồng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay với những khoản vay lên tới hàng nghìn tỷ như thế, các ngân hàng phải tính toán, cân đối nguồn thanh khoản. Điều này cần tới nỗ lực và quyết tâm cao của các ngân hàng thương mại đối với các dự án trọng điểm quốc gia, cũng như giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp có dự án BOT.

Nói thêm về khó khăn của ngành ngân hàng đối với những khoản vay này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, theo quy định, các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, thời gian tới, tỷ lệ này sẽ tiếp tục giảm xuống còn 30%. Trong khi hầu hết các dự án BOT giao thông lại vay vốn dài hạn từ 10-15 năm; nên khi cho vay, các ngân hàng phải tính tới các vấn đề về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn, “trần” tín dụng, hệ số an toàn vốn (CAR)…

“Nếu các ngân hàng cho vay không kịp bổ sung vốn tự có thì khả năng cho các dự án BOT vay vốn là không cao, trong khi ngân hàng còn phải cung ứng tín dụng cho các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ cố gắng trong điều kiện, khả năng cân đối nguồn vốn để đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh doanh của các ngân hàng”, ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Nhưng bên cạnh quyết tâm của ngành ngân hàng thì lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải phải làm rõ chính sách liên quan đến BOT như giá cả, vị trí đặt trạm… để không gây rủi ro, ảnh hưởng đến các khoản vay.

Theo HQ Online
Cùng chuyên mục
Tin khác