Thị trường

Tính toán vốn đầu tư cho mùa kinh doanh cuối năm

(VNF) - Sau những vất vả gồng mình chịu đựng tình trạng kinh doanh sụt giảm trong 8 tháng qua, các tiểu thương, hộ kinh doanh tại TP. HCM đang tính toán những kịch bản khác nhau cho mùa kinh doanh cuối năm đón lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…

Tính toán vốn đầu tư cho mùa kinh doanh cuối năm

Vay vốn “chợ” ngày càng khó

Ở các năm trước, vào mùa kinh doanh hàng cuối năm, hầu hết tiểu thương đều không quá lo lắng về vốn mua hàng bởi lẽ các đầu mối tín dụng cho vay ở các chợ, khu phố buôn bán đều sẵn sàng cho vay ngay khi cần với lãi suất theo ngày, theo tuần, theo tháng hoặc theo đợt (10 ngày). Lãi suất vay “chợ” tuy tăng - giảm có chịu ảnh hưởng từ lãi suất ngân hàng, nhưng việc vay dễ dàng, nhanh chóng, lại chỉ cần tín chấp bằng chính uy tín của chủ sạp, chủ cửa hàng.

Thế nhưng từ giữa năm 20223 đến nay, việc tín dụng đen bị siết chặt, thêm nhiều trường hợp chủ cửa hàng kinh doanh thua lỗ trả nợ trễ hạn hoặc xù nợ đã khiến việc vay vốn nhanh trên kênh “chợ” ngày càng khó khăn. Hiện lãi suất vay nhanh đang ở mức 5%/tháng hoặc 2%/đợt (10 ngày). So với mua bán những lô hàng có thể kiếm lãi 10% - 20% thì hầu hết các chủ kinh doanh thiếu vốn đều chấp nhận mức lãi này để khi vay nhận tiền ngay trong ngày. Nhưng hiện nay nhiều chủ cho vay đã siết chặt cho vay tín chấp, chuyển sang hình thức thế chấp. Người vay tiền phải dùng giấy tờ nhà (sổ đỏ, sổ hồng), hoặc giấy tờ xe, tài sản có giá trị (trang sức, kim cương) để thế chấp tương ứng với số vốn vay.

Bà Hoài Trân, một chủ doanh nghiệp tư nhân có cửa hàng và sạp bán buôn cho các tỉnh miền Tây, trụ sở ở quận Tân Bình, nhìn nhận: “Lãi vay ở chợ cao hơn ngân hàng, nhưng vay nhanh và dễ dàng. So với ra ngân hàng, cũng thế chấp bằng sổ hồng, nhưng phải làm các thủ tục, phải chứng minh nguồn thu có thể đủ trả nợ, vay 1 tuần thì cũng phải chịu lãi 1 tháng…”. Theo bà Trân, người buôn bán gần như không thể tránh thoát cảnh vay nóng, bởi có lúc cần gấp vài chục, đến vài trăm triệu đồng, trong vòng 48 - 72 giờ là có tiền hàng trả ngay, những lúc như vậy, chỉ có vốn vay “chợ” là xử lý nhanh chóng.

Trong khi đó, nhìn từ góc của người chuyên kinh doanh tiền, bà Nguyễn (một chủ cho vay ở khu chợ vải Bảy Hiền) chia sẻ: “Lãi suất ngân hàng hiện nay đã giảm, nhưng cầm cục tiền lớn đẩy vào ngân hàng, hưởng lãi suất sẽ an nhàn hơn cho vay. Vì người đi vay hiện nay không còn giữ chữ tín, không còn tôn trọng thỏa thuận như lúc trước”.

Cụ thể, theo câu chuyện bà Nguyễn kể, thế hệ các chủ kinh doanh trước đây khi cần vốn nhập hàng mới đi vay, xoay vòng xong là ưu tiên trả nợ vay ngay. Nếu bị chậm dòng tiền, họ cũng sẽ cố gắng trả một phần, rồi tìm mọi cách trong 5 - 10 ngày để trả nốt. Còn hiện nay, nhiều chủ kinh doanh mới trẻ hơn, kinh doanh theo kiểu hiện đại muốn đẩy doanh thu lên cao, hàng nhập về chưa bán ra hết, tiền nợ vay chưa trả xong lại đi nhập tiếp dòng mới. Khi đó chỉ cần bán buôn chậm nhịp, thì hàng tồn chồng chất hàng tồn, nợ chồng nợ, lãi chồng lãi.

Ở góc khác, theo bà Nguyễn, lãi vay “chợ” là lãi thỏa thuận từ bấy lâu nay. Vốn này cung cấp nhanh, vốn nóng, nên lãi suất có tính đến cả rủi ro. Nhiều trường hợp người vay đồng ý mức 5%/tháng, khi không có tiền trả thì quay ngược đòi tố cáo “cho vay nặng lãi cao hơn lãi suất ngân hàng…”. Vậy nên theo bà Nguyễn: “Vốn cho vay ‘chợ’ này sẽ dần dà bị thu hẹp, lúc đó người kinh doanh cần nhập hàng buôn bán theo mùa, theo vụ sẽ khó tìm vốn nhanh, cấp tốc như trước nữa”.

Đau đầu tính toán sức mua

Tháng 9 là thời hạn then chốt để lên kế hoạch cho việc đặt hàng, thu xếp dòng tiền, để kịp cho tháng 10 - 11 các mặt hàng nhập khẩu hoặc sản xuất kịp về đến kho, sau đó làm các thủ tục, dán tem nhãn phụ, hoặc chỉn chu bao bì, phân phối ra quầy kệ đón đầu mùa bán hàng cuối năm. Nhưng hiện nay nhiều công ty vẫn chưa mạnh dạn đặt hàng vì e ngại sức mua. Thực tế đang cho thấy, tại nhiều công ty kinh doanh hàng thực phẩm, mỹ phẩm, quần áo, lượng hàng tồn cho mùa hè vừa qua còn khá cao.

Nhìn lại doanh thu từng tháng trong gần 3 quý qua, bà Ngọc Thủy, chủ doanh nghiệp chuyên nhập mỹ phẩm Hàn, Nhật về phân phối trên các chợ mạng và cửa hàng trên toàn quốc, cho hay: “3 tháng đầu năm, doanh số chỉ giảm nhẹ 12% - 20%, nhưng từ quý II/2023 bắt đầu giảm mạnh 30% - 50% tùy dòng sản phẩm. Đến tháng 8 vừa qua có những nhóm hàng mức bán ra giảm đến 60%. Công ty đã đẩy hàng siêu khuyến mãi, siêu sale, crazy sale trên các kênh online, offline mà tốc độ tiêu thụ cũng không tăng như kỳ vọng.” Vậy nên hiện đơn vị này cũng chưa tính được số lượng hàng dự kiến bán mùa cuối năm.

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh hàng thời trang có hệ thống hàng chục cửa hàng tại TP. HCM cho biết công ty liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi giảm giá đến 70%, mua 3 tặng 1, tặng thêm 10% cho khách VIP, hóa đơn giá trị cao được giảm thêm… nhưng doanh số bán ra hầu như không tăng so với trước. “Người dân ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu như ăn uống, đi lại, thuốc men, nên chi dùng cho thời trang, làm đẹp sẽ bị ảnh hưởng mạnh”, vị này nói.

Ghi nhận số liệu tại một công ty sản xuất giày dép hàng đầu Việt Nam, lượng hàng bán ra giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Ngay cả khi công ty áp dụng khuyến mãi lớn đến 40% thì sự quan tâm của người tiêu dùng cũng không tăng nhiều. Bộ phận marketing của công ty báo cáo: “Do thu nhập giảm nên các gia đình cũng bớt hẳn chi tiêu mua sắm, chỉ ưu tiên cho hàng thiết yếu như thực phẩm. Lúc này, giá bán phải ở mức thấp để phù hợp với thu nhập của nhiều người thì họ mới quan tâm”.

Hệ thống siêu thị thuộc tốp đầu Việt Nam, sau khi liên tục đưa ra các chương trình giảm giá, tặng quà, khuyến mãi… doanh số cũng chỉ tăng khoảng 2%. Đơn vị này cũng nhìn nhận, nếu không có khuyến mại thì có thể doanh số sẽ giảm xuống.

Theo khảo sát của McKinsey, do thu nhập và tiết kiệm bị hụt, cũng như nỗi lo về chi phí gia tăng và bất ổn việc làm, người tiêu dùng Việt Nam sẽ phải chi tiêu “sáng suốt” hơn. Cũng theo đơn vị này, người tiêu dùng quan tâm chi tiêu nhiều hơn cho một số ngành hàng, trong khi giảm ở một số mặt hàng khác, như tăng chi tiêu những mặt hàng thiết yếu hoặc tiêu dùng thường xuyên (hàng tạp hóa, xăng dầu, vitamin, thuốc không kê đơn và đồ dùng chăm sóc cá nhân). Những hoạt động như tiêu dùng/ăn uống bên ngoài bị cắt giảm. Đáng chú ý, người tiêu dùng mua hàng có chủ đích và tăng dần chi tiêu cho những sản phẩm lành mạnh, bền vững, có nguồn gốc địa phương liên quan đến sức khỏe.

Như vậy có thể thấy, sức mua giảm các tháng qua, được kỳ vọng có khả năng tăng sau khi gạo, nông sản Việt Nam bán ra được giá, xuất khẩu gia tăng, công nhân có việc làm trở lại… Nhưng đứng trước thực tế nếu muốn nhập hàng vẫn phải vay ngân hàng hoặc vay lãi “chợ” với lãi suất không thấp, vậy thì sức mua có thật sự tăng trở lại, và tăng đến đâu, đang là bài toán đau đầu các chủ doanh nghiệp.

Tin mới lên