Tiêu điểm

Tòa tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ đồng

(VNF) – Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án 18 năm tù đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐTV PVN) do phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng".

Tòa tuyên phạt ông Đinh La Thăng 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ đồng

Ông Đinh La Thăng bị tuyên án 18 năm tù và bồi thường 600 tỷ đồng

Sau hơn một tuần xét xử và nghị án, chiều nay (29/3), Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).

Theo đó, Tòa tuyên án ông Đinh La Thăng mức án 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gâu hậu quả nghiêm trọng" (theo điều 165 Bộ luật Hình sự 1999).

Toà án cho rằng ông Thăng phải nhận hình phạt cao hơn các bị cáo khác mới là phù hợp. Đồng thời, Tòa buộc ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Đối với bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyênKế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN), Tòa tuyên phạt 7 năm tù về tội "Cố ý làm trái...", 16 năm tù về tội "Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Tổng hợp hình phạt với bị cáo Quỳnh là 23 năm tù. Ngoài ra, Tòa cũng phạt ông Quỳnh phải bồi thường 100 tỷ đồng.

Đối với ông Vũ Khánh Trường (nguyênthành viên HĐTV PVN), Tòa tuyên phạt 5 năm tù và phải bồi thường 40 tỷ đồng. 

Các bị cáo còn lại, mức án cụ thể như sau: bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) 30 tháng tù; bị cáo Nguyễn Xuân Thắng (nguyên thành viên HĐTV PVN) 22 tháng tù; bị cáo Nguyễn Thanh Liêm (nguyên thành viên HĐTV PVN) 22 tháng cải tạo không giam giữ; bị cáo Phan Đình Đức (nguyên thành viên HĐTV PVN) 15 tháng cải tạo không giam giữ.

Đồng thời, mỗi bị cáo trên bị tuyên phạt phải bồi thường 15 tỷ đồng.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng bị cáo Đinh La Thăng biết rõ hiện trạng của OceanBank là yếu kém, biết rõ yêu cầu của Bộ Tài chính nhưng cố ý không thực hiện và vẫn quyết định góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank.

Theo đại diện Viện kiểm sát, từ chủ trương góp vốn của bị cáo Thăng, đến nay 800 tỷ đồng tiền vốn của PVN bị mất hoàn toàn. OceanBank bị âm vốn sở hữu, thua lỗ nghiêm trọng, Ngân hàng Nhà nước đã phải mua lại 0 đồng.

Việc làm của bị cáo Đinh La Thăng tạo điều kiện cho các bị cáo Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, Nguyễn Xuân Sơn, Ninh Văn Quỳnh, Phan Đình Đức tiếp tục thực hiện việc góp vốn trái pháp luật 100 tỷ đồng (đợt 3) vào OceanBank.

Như vậy, đủ cơ sở kết luận: bị cáo Thăng biết năng lực yếu kém của Oceanbank và biết rõ việc PVN muốn đầu tư vốn vào Oceanbank thì phải xin ý kiến và được sự đồng ý của Thủ tướng, nhưng bị cáo đã cố ý làm trái. Bị cáo còn có hành vi nhằm hợp thức hóa hành vi vi phạm.

Tự bào chữa, bị cáo Thăng trình bày: "Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm bị cáo và các bị cáo khác cố ý làm trái, bị cáo khẳng định, không ai biết làm trái mà vẫn cố ý cả.

Các bị cáo ở đây cả một quá trình phấn đấu mới được Đảng, Nhà nước cho giữ cương vị công tác, không ai cố tình làm trái để ‘tự lấy đá ghè chân mình’".

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng cho rằng mình đã trở thành người con bất hiếu, không có mặt khi bố mất, và không thể đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.

Cựu Chủ tịch PVN nói hi vọng trước khi sự thật khách quan được làm rõ, căn cứ vào nguyên tắc, chủ trương của Đảng, bản án phải xuất phát từ tranh luận phiên tòa, đề ra đường lối xử lý khoan hồng khi tuyên với bị cáo.

"Hãy đối xử với bị cáo như đối xử với một con người", ông Thăng nói tại tòa.

>>> Xem thêm: Ông Đinh La Thăng: 'Người ký văn bản ngừng thoái vốn phải chịu trách nhiệm việc mất 800 tỷ đồng'

Tin mới lên