Tài chính quốc tế

Toàn cảnh bê bối tham nhũng của đảng cầm quyền Nhật Bản

(VNF) - Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền Nhật Bản đang đối mặt với một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi hàng loạt thành viên nội các bị cáo buộc đã nhận những khoản tiền lại quả lên đến hàng chục Yên thông qua quá trình gây quỹ cho LDP.

Toàn cảnh bê bối tham nhũng của đảng cầm quyền Nhật Bản

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno (giữa) đến Văn phòng Thủ tướng nước này ở Tokyo vào ngày 14/12.

Theo cuộc điều tra đang được các công tố viên Nhật Bản tiến hành, một số chính trị gia thuộc đảng cầm quyền - Đảng Dân chủ Tự do (LDP), đã che giấu và tham ô khoảng 500 triệu yên (3,4 triệu USD) tiền gây quỹ tài trợ chính trị trong khoảng thời gian 5 năm.

Vụ việc bị phanh phui khiến nội các Nhật Bản hứng chịu sự chỉ trích nặng nề, trong khi mức độ tín nhiệm của Thủ tướng Kishida giảm xuống mức thấp kỷ lục và khiến ông phải thực hiện "cải tổ" nội các. Tính tới thời điểm hiện tải, khoảng 14 chính trị gia đã bị loại khỏi các vị trí lãnh đạo đảng và chính phủ. 

Chuyện gì đã xảy ra?

Cuộc điều tra xoay quanh phe Seiwa-kai lớn nhất và quyền lực nhất của LDP.

Đạo luật kiểm soát quỹ chính trị hiện hành của Nhật Bản cấm các công ty quyên góp cho cá nhân các nhà lập pháp. Nhưng có một lỗ hổng, đó là việc một thực thể chính trị gây quỹ thông qua việc bán vé cho các sự kiện gây quỹ và phân phối lại cho các nhà lập pháp thành viên là hợp pháp, miễn là họ nộp báo cáo tài trợ chính trị.

Điều này nghĩa là, việc thu tiền gây quỹ, sau đó trả tiền quả lại cho các chính trị gia là hợp pháp, nhưng phải được báo cáo cụ thể.

Theo các phương tiện truyền thông và các công tố viên, lợi dụng việc bán vé gây quỹ hợp pháp cho đảng thông qua các buổi gặp mặt, một số nghị sĩ đã bán vé vượt quá số lượng cho phép, sau đó bỏ túi số tiền chênh lệch mà không báo cáo tài trợ chính trị. 

Trong khoảng 5 năm qua, số tiền khoảng 500 triệu yên (3,52 triệu USD) đã được chia nhỏ và chuyển cho hàng chục nhà lập pháp thành viên, bao gồm cả các quan chức cấp cao thuộc LDP. Tờ báo Asahi Shimbun đưa tin nhóm này bị nghi ngờ không khai báo hơn 20 triệu yên trong 3 năm tính đến năm 2020.

Về thời hạn 5 năm được đưa ra, do Đạo luật kiểm soát quỹ chính trị của Nhật Bản, các công tố viên không thể buộc tội bất kỳ khoản tài trợ nào không được báo cáo xảy ra trước năm 2018, vì vậy, số tiền tham ô chỉ được tổng hợp trong 5 năm gần nhất.

Những cáo buộc này lần đầu tiên được đưa tin cách đây hơn 1 năm bởi một tờ báo do Đảng Cộng sản Nhật Bản đối lập điều hành. Dựa trên báo cáo đó, một học giả đã nộp nhiều đơn khiếu nại hình sự lên Văn phòng Công tố Quận Tokyo. Truyền thông địa phương bắt đầu đưa tin vào đầu tháng 11 rằng các công tố viên đã bắt đầu xem xét các cáo buộc.

Hơn 50 công tố viên đã được phân công phụ trách vụ án và đã thẩm vấn các nhà lập pháp, nhân viên kế toán và thư ký của các chính trị gia.

Truyền thông đưa tin Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Bộ trưởng Thương mại Yasutoshi Nishimura và người đứng đầu hội đồng chính sách của LDP Koichi Hagiuda mỗi người bị cáo buộc đã nhận số tiền thu được từ 1-10 triệu yên. Cả 3 người này đều đã từ chức nhưng chưa bình luận về những cáo buộc cụ thể.

Đây là vụ bê bối chính trị liên quan tới tài chính lớn nhất trong hàng chục năm gần đây tại Nhật Bản.

Hàng loạt Bộ trưởng bị thay thế

Ngày 14/12, 4 Bộ trưởng thuộc nội các Nhật Bản đã từ chức và được Thủ tướng Kishida chấp thuận ngay lập tức. 

Theo đó, ông Kishida thay thế bốn bộ trưởng gồm: Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno; Bộ trưởng Kinh tế và Công nghiệp Yasutoshi Nishimura; Bộ trưởng Nông nghiệp Ichiro Miyashita; và Bộ trưởng Nội vụ Junji Suzuki.

Ngoài ra, 7 thứ trưởng và các trợ lý khác cũng đệ đơn từ chức, trong khi 3 nhà lập pháp từ bỏ các chức vụ hàng đầu tại LDP. Thủ tướng Kishida được cho là đang quyết định thay thế những chính trị gia này trong vài ngày tới thay vì loại bỏ tất cả cùng một lúc để giảm bớt tác động lên nội các.

Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio trong cuộc họp báo tại Tokyo.

Ông Kishida cho biết ông đã lên kế hoạch giải quyết “trực tiếp” các cáo buộc: “Tôi sẽ nỗ lực như một 'quả cầu lửa' và lãnh đạo LDP khôi phục niềm tin của công chúng”.

Thủ tướng Kishida bị ảnh hưởng ra sao?

Các cáo buộc xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất đối với ông Kishida, người tuần trước đã từ chức người đứng đầu phe LDP và tỏ ra trung lập khi vụ bê bối tài chính ngày càng "phình" lớn.

Xếp hạng tín nhiệm của ông đang ở mức thấp nhất – 23% – kể từ khi ông nhậm chức vào cuối năm 2021, trong bối cảnh cử tri tức giận về cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng sâu sắc và kế hoạch tăng thuế để tài trợ cho chi tiêu quốc phòng kỷ lục.

Một cuộc khảo sát của NHK trong tuần này cho thấy sự ủng hộ dành cho LDP đã giảm xuống dưới 30% lần đầu tiên kể từ năm 2012.

Thủ tướng Kishida cho biết trong tuần này rằng ông dự định thực hiện “các biện pháp thích hợp” để xây dựng lại lòng tin của công chúng đối với chính phủ của mình, nhưng một số nhà phân tích không tin rằng việc giải tán nội các sẽ chấm dứt vụ bê bối.

Xem thêm >> Nhật Bản đối mặt với 'cơn ác mộng' khi Nga - Trung tham vọng xây dựng thế giới mới

Tin mới lên