Tài chính quốc tế

Điểm sáng 'dở khóc dở cười' của du lịch Nhật Bản

(VNF) - Việc đồng yên liên tục trượt giá trong năm nay xét trên góc độ kinh tế là một bài toán nan giải với chính phủ Nhật Bản. Nhưng nếu nhìn từ góc độ du lịch, việc đồng tiền nội địa rẻ hơn đã giúp thu hút một lượng lớn du khách nước ngoài đến với quốc gia này.

Điểm sáng 'dở khóc dở cười' của du lịch Nhật Bản

Du lịch Nhật Bản tăng trưởng mạnh trong thời kỳ đồng Yên mất giá.

Khách du lịch nước ngoài tăng vọt

Số liệu mới nhất của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản (JNTO) cho thấy số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản đã vượt quá 2,5 triệu người vào tháng 10 năm nay, đạt 2,5165 triệu lượt khách. Theo đó, số lượng khách du lịch nước ngoài trong một tháng đã vượt quá mức 2 triệu trong 5 tháng liên tiếp.

Điều đáng nói là số liệu này tăng 0,8% so với cùng kỳ tháng 10/2019 (2,4965 triệu) trước đại dịch Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ khi Nhật Bản nối lại hoạt động du lịch độc lập vào tháng 10 năm ngoái, lượng khách du lịch vượt mức trước dịch.

Trong tháng 10 vừa qua, lượng khách du lịch đến từ Hàn Quốc vẫn lớn nhất, đạt 631.100 lượt, tăng 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp theo là lượng khách du lịch từ Mỹ tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2019. Đứng thứ 3 là khách du lịch đến từ Canada với mức tăng khoảng 37,3%.

Xét theo khu vực, sự gia tăng lượng khách du lịch từ Đông Nam Á và Bắc Mỹ là nguyên nhân chính khiến lượng du khách đến Nhật Bản tăng đột biến. Trong số đó, khách du lịch đến từ Canada và Mexico cũng lập kỷ lục trong một tháng, và khách du lịch đến từ Mỹ, Singapore, Philippines cùng nhiều nơi khác cũng lập kỷ lục trong tháng 10.

Lượng khách du lịch Trung Quốc vốn lớn nhất trước đại dịch đã giảm 21% so với tháng 9 xuống còn khoảng 256.300 người. Con số này cũng giảm 2/3 so với tháng 10/2019.

Hơn hết, dữ liệu tích lũy từ JNTO cho thấy từ tháng 1 đến tháng 10 năm nay, lượng khách du lịch đến Nhật Bản đã vượt quá 19 triệu người. Trước đó, chính phủ Nhật Bản lên kế hoạch thu hút 25 triệu khách du lịch nước ngoài vào năm 2023.

Hiệp hội Công nghiệp Du lịch Nhật Bản dự đoán, với mùa du lịch mùa đông, cùng với các dịp nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, lượng khách du lịch đến Nhật Bản dự kiến ​​sẽ còn tăng cao hơn nữa trong thời gian tới, việc đạt được mục tiêu 25 triệu người “không phải là vấn đề”.

Ông Ong Hanjie, giám đốc quan hệ công chúng và truyền thông tại công ty du lịch Singapore EU Holidays, cho biết 95% các gói du lịch Nhật Bản trong hai tháng cuối năm 2023 đã được đặt trước từ tháng 9 đến tháng 10. Các câu hỏi và đặt chỗ cho các chuyến tham quan Nhật Bản mà công ty du lịch nhận được hiện nay đều dành cho các kỳ nghỉ lễ cho đến tận tháng 8/2024.

“Tôi khuyên những ai có ý định sang Nhật nên lên kế hoạch trước một chút. Nếu không, họ có thể phải chịu chi phí đi lại rất cao và có thể thất vọng. Tôi nhận thấy giá khách sạn ở Nhật Bản có thể tăng hàng ngày”, ông Ong cho hay.

Hokkaido dự kiến sẽ trở thành "điểm nóng" du lịch trong mùa tuyết rơi.

Thúc đẩy bởi đồng yên xuống giá

Một trong những nguyên nhân khiến lượng khách nước ngoài tới Nhật Bản tăng vọt là nhờ tác động của việc đồng yên xuống giá.

Theo đó, trong năm nay, đồng tiền của nước ngày nhiều lần vượt qua mức "then chốt" 150 Yên/USD, đạt mức thấp kỷ lục. Ngoài ra, đồng yên cũng đạt mức thấp kỷ lục 111,6 so với đồng đô Singapore (SGD) vào ngày 13/11 – mức thấp nhất kể từ năm 2010, theo công ty dữ liệu tài chính Market Watch.

Dữ liệu của Ngân hàng Nhật Bản cho thấy đồng yên đã mất giá khoảng 13% so với đồng USD từ đầu năm đến nay và khoảng 14% so với đồng EUR. Đồng yên cũng giảm giá so với đồng NDT của Trung Quốc và đồng won của Hàn Quốc.

Ông Jeremiah Wong, giám đốc truyền thông tiếp thị cấp cao của Chan Brothers Travel của Singapore, cho biết khi đồng yên chạm mức thấp kỷ lục, công ty của ông đã ghi nhận lượng yêu cầu đặt mua các gói tour đến Nhật Bản trong dịp Tết Nguyên đán và mùa xuân năm 2024 tăng 30%.

Ông Wong cho biết chỉ trong 2 tháng cuối năm 2023, lượng khách du lịch đến Nhật Bản đã tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. 

“Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đối với các quyết định du lịch là không thể phủ nhận, giúp du khách tăng sức mua đối với thực phẩm, mua sắm và các chi phí khác ở nước ngoài. Mặc dù sự gia tăng này không thể chỉ do đồng yên yếu hơn vì Nhật Bản từ lâu đã trở thành điểm đến mùa đông hàng đầu của người Singapore, nhưng đồng yên yếu hơn lại đóng vai trò như một động lực bổ sung”, ông Wong cho hay.

Thúc đẩy khách du lịch chi tiêu

So với thời điểm đồng yên giữ giá cao, việc du lịch Nhật Bản không thể coi là một chuyến du lịch "giá rẻ", do mức chi tiêu và mức sống tại đây tương đối cao. Do đó, tận dụng lúc đồng yên xuống giá, nhiều người đã lựa chọn Nhật Bản là điểm đến, đồng thời cũng không ngại chi tiền cho các dịch vụ trong chuyến đi.

Theo dữ liệu của JNTO, số tiền du khách nước ngoài chi tiêu tại Nhật Bản trong quý III năm nay đã vượt mức trước dịch bệnh và đạt mức cao kỷ lục.

Cô Jillian Chang, 24 tuổi, một du khách Nhật Bản đến từ Singapore, cho biết cô thường tránh mua quà lưu niệm ở công viên giải trí khi đi du lịch nước ngoài, nhưng cô đã quyết định vung tiền trong chuyến đi gần đây tới Nhật Bản cùng bạn trai.

Cô Chang chia sẻ bản thân đã không ngại ngần mua đủ loại hàng hóa hấp dẫn ở Tokyo, thậm chí "sẵn sàng chi tiêu cho những món đồ không thực sự cần thiết". Nữ du khách và bạn trai chi khoảng 200 USD cho 1 ngày vui chơi tại công viên Disney Sea tại Tokyo, thậm chí còn mua đồ giúp bạn bè ở nhà.

Sự phục hồi của ngành du lịch Nhật Bản cũng khiến lợi nhuận của các công ty dịch vụ bùng nổ. Chẳng hạn, báo cáo tài chính mới nhất của Tokyo Disneyland cho thấy lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 9 đạt 54,5 tỷ Yên (36 triệu USD), lập kỷ lục về lợi nhuận ròng cao nhất trong 40 năm kể từ khi công viên mở cửa. 

Đồng thời, lợi nhuận ròng của ba công ty đường sắt lớn gồm JR East và JR Tokai cũng tăng gấp 3 lần. Lợi nhuận ròng của hãng hàng không All Nippon Airways tăng 4,8 lần.

Điểm sáng kinh tế hiếm hoi

Ngành du lịch Nhật Bản đang dần hồi phục có thể là một trong số ít điểm sáng trong quá trình phục hồi kinh tế hiện nay của Nhật Bản. Về vấn đề này, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cho biết mục tiêu của chính phủ Nhật Bản là phát huy tối đa tác động tích cực của đồng yên yếu và giảm bớt tác động tiêu cực như lạm phát thông qua các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất.

So với hiệu suất phục hồi đáng kinh ngạc của ngành du lịch, dữ liệu kinh tế mới nhất của Nhật Bản không mấy lạc quan.

Số liệu sơ bộ mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) do chính phủ Nhật Bản công bố trong quý III năm nay cho thấy, loại trừ tác động của biến động giá cả, GDP thực tế trong quý III giảm 0,5% so với quý trước và 2,1% trên cơ sở hàng năm. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế Nhật Bản có quý tăng trưởng âm trong năm nay.

Dữ liệu cho thấy tiêu dùng cá nhân và đầu tư thiết bị của Nhật Bản còn yếu, tăng trưởng xuất khẩu cũng thiếu sức sống. Trong số đó, giá cả tiếp tục tăng và tiền lương thực tế giảm đã khiến tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm gần 60% GDP, tăng trưởng âm trong quý thứ 2 liên tiếp. Tiêu dùng giảm 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất trong 5 quý. 

Về xuất nhập khẩu, tổng giá trị xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 10 tăng 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức tăng 4,3% của tháng trước. Trong số đó, nổi bật là xuất khẩu ô tô, đặc biệt là xuất khẩu mạnh sang thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiếp tục sụt giảm ở mức hai con số đã hạn chế sự tăng trưởng của các lô hàng. Nhập khẩu giảm 12,5%, chủ yếu bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm trong hoạt động mua hàng liên quan đến năng lượng.

Trong 3 tháng cuối năm nay, liệu xuất khẩu của Nhật Bản có thể tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trước đó hay không được coi là một trong những yếu tố then chốt giúp Nhật Bản tránh được tăng trưởng kinh tế âm quý thứ 2 liên tiếp, hay còn gọi là suy thoái kỹ thuật. 

Xem thêm >> Vốn ngoại ồ ạt rút khỏi chứng khoán Trung Quốc, chuyển dòng tiền sang Nhật Bản

Tin mới lên