Tài chính

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm ăn ra sao trong năm 2023?

(VNF) - Sau 3 năm liên tiếp kinh doanh thua lỗ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) bất ngờ báo lãi gần 100 tỷ đồng trong năm 2023.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm ăn ra sao trong năm 2023?

Đường sắt thoát lỗ sau 3 năm. (Ảnh minh hoạ)

Thoát lỗ sau 3 năm

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa công bố kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2023 với mức doanh thu hợp nhất 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 95 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ gần 112 tỷ đồng, vượt 15% so với kế hoạch). 

Riêng công ty mẹ - Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đạt doanh thu 6.247 tỷ đồng, bằng 113% cùng kỳ và đạt 96 % kế hoạch; lợi nhuận sau thuế đạt 4,5 tỷ đồng (trong khi năm 2022 lỗ 173 tỷ đồng).

Trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã trải qua 3 năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Trong đó, năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỷ đồng và 111 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong năm qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã vận chuyển hơn 6,1 triệu lượt khách (tăng 35%) và hơn 4,6 triệu tấn hàng hoá (giảm 19%). Doanh thu trực tiếp từ vận tải đường sắt đạt trên 3.973 tỷ đồng (tăng hơn 7% so với năm trước đó).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng, tổng tài sản trên 14.660 tỷ đồng; sử dụng hơn 22.000 lao động, với thu nhập bình quân 9,5 triệu đồng/người/tháng. Tổng công ty hiện có 25 công ty con, 17 công ty liên kết và được giao quản lý mạng đường sắt tổng chiều dài trên 3.143km, đi qua 34 tỉnh, thành phố.

Tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm ông Đặng Sỹ Mạnh, thành viên HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, giữ chức Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, vị trí Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã "bỏ trống" gần 2 năm sau khi ông Vũ Anh Minh hết nhiệm kỳ công tác từ năm cuối năm 2021.

Trước khi được bổ nhiệm, ông Đặng Sỹ Mạnh từng giữ các chức vụ như Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực 2, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam, Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tháng 1/2020, ông Đặng Sỹ Mạnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Đến tháng 10/2023, ông Hoàng Gia Khánh được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Trước đó, ông Khánh là Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành của VNR.

Ông Khánh sinh năm 1975 tại Thanh Hóa, là thạc sĩ tổ chức và quản lý vận tải. Trước khi được bổ nhiệm Tổng giám đốc VNR, ông Hoàng Gia Khánh đã có nhiều năm công tác tại Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, từng đảm nhiệm qua các chức vụ như giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa, phó tổng giám đốc VNR.

Dự kiến lãi 100 tỷ đồng mỗi năm

Mới đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng vừa phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR).

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có vốn điều lệ 3.250 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ)

Theo đó, giai đoạn này, chỉ tiêu đề ra là VNR phải đạt doanh thu 39.544 tỷ đồng, tổng lợi nhuận trước thuế âm 866,6 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2022 âm hơn 1.193,7 tỷ đồng; giai đoạn 2023 - 2025 sẽ thoát lỗ và lãi 322,8 tỷ đồng, trung bình lãi hơn 100 tỷ đồng/năm.

Về đầu tư, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho dự án nhóm A, B toàn tổng công ty khoảng 2.590 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu trên, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp giao VNR chủ động điều hành hoạt động chạy tàu phù hợp với nhu cầu thị trường, đảm bảo hiệu quả hoạt động kinh doanh; chủ trọng mở rộng thị trường tới các thị xã, thị trấn và các hình thức hợp tác để thu hút luồng khách người nước ngoài; điều hành giá cước linh hoạt, chuyển đổi số…

Đặc biệt, VNR được yêu cầu tăng sản lượng hàng hoá liên vận quốc tế đường sắt đến các địa phương của Trung Quốc và đi các nước thứ 3; duy trì và thúc đẩy lượng hàng xuất khẩu đường sắt sang Nga, châu Âu; Từng bước chuyển hướng tổ chức phân phối các nguồn hàng từ kho, ga đến các đại lý, siêu thị, cửa hàng tiện ích... nâng cao giá trị và hiệu quả trong chuỗi logistics.

Thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển, nghiên cứu ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến để chế tạo đầu máy, toa tàu, đoàn tàu (DMU, EMU) có tốc độ 120km/h và các sản phẩm cơ khí đường sắt.

Giai đoạn từ nay tới năm 2030, VNR được giao tập trung phát triển công nghiệp chế tạo, đóng mới toa xe cung cấp cho tiêu dùng trong nước, hướng tới xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Liên doanh với các đối tác nước ngoài thiết kế, chế tạo giá chuyển hướng toa xe hàng.

Nghiên cứu phát triển các loại toa tàu có kết cấu tiên tiến, hiện đại với mức tỷ lệ nội địa hóa lên đến 100% đối với toa xe hàng và trên 80% đối với toa xe khách. Nghiên cứu phát triển các loại hình toa tàu phục vụ đường sắt đô thị (EMU).

Ngoài ra, ngành cần nghiên cứu và áp dụng công nghệ điện khí hóa để xây dựng các tuyến đường sắt điện khí hóa; Nghiên cứu kỹ thuật phát triển hệ thống đường sắt tốc độ cao...

Trước đó, theo dự kiến của Chính phủ, trong tương lai, khi đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đầu tư đưa vào khai thác, VNR sẽ được giao quản lý, vận hành, khai thác.

Tin mới lên