Tổng thống Putin nói 'không còn sợ hãi' lệnh trừng phạt, thực tế nước Nga thì sao?
Đăng Phạm -
11/11/2023 11:28 (GMT+7)
(VNF) - Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov hồi tuần trước cho hay nước này đã "thích nghi" với các lệnh cấm vận dầu khí và hạn chế tài chính của phương Tây và không còn "sợ hãi" trước các biện pháp tiếp theo. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu của nền kinh tế chứng minh cho điều ngược lại.
Không thể phủ nhận tuyên bố của ông Peskov khi nền kinh tế Nga cho thấy nhiều điểm sáng trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine đã kéo dài sang tháng thứ 21.
Vào tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết họ kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 2,2% trong năm nay, cao hơn so với mục tiêu 1,5% trước đó.
IMF cho rằng các gói “kích thích tài chính đáng kể” là một yếu tố giúp thúc đẩy tăng trưởng. Moscow đã cam kết chi 160 tỷ USD cho quân đội trong năm nay và hồi tháng 9 cho biết số tiền này sẽ tăng thêm 1/4 vào năm 2024.
Nga cũng ngày càng “giàu” hơn bất chấp cuộc chiến với Ukraine, theo Báo cáo tài sản toàn cầu của UBS. Ngân hàng Thụy Sĩ cho biết quốc gia này đã có thêm 600 tỷ USD tổng tài sản vào năm 2022, trong khi số lượng triệu phú tăng từ 56.000 lên 480.000 bất chấp một loạt lệnh trừng phạt nhắm vào các nhà tài phiệt của nước này.
Tuy nhiên, nền kinh tế Nga có những kết quả khả quan trên đây không có nghĩa là các biện pháp trừng phạt không có tác dụng.
Phương Tây đã nỗ lực tấn công nguồn thu từ dầu khí của Moscow nhằm giảm thiểu chi tiêu của Điện Kremlin cho chiến sự và điều đó được phản ánh trong tài khoản vãng lai của Nga, vốn đo lường dòng tiền cho thương mại và đầu tư.
Trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9, thặng dư tài khoản vãng lai của Nga đã giảm gần 80% so với một năm trước đó còn 41 tỷ USD. Doanh thu từ năng lượng, động lực kinh tế quan trọng của Nga, cũng đã giảm 41% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 25 tỷ USD trong 7 tháng tính đến tháng 7.
Trong khi đó, đồng ruble là một dấu hiệu khác cho thấy nền kinh tế yếu kém. Đồng nội tệ Nga đã giảm 10% so với đồng USD kể từ khi Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, dù Ngân hàng Trung ương Nga liên tục tăng lãi suất trong nỗ lực hỗ trợ đồng tiền này.
Điều đáng lo ngại hơn cả là Nga hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động kỷ lục vì ngày càng nhiều người đã được gọi đi chiến đấu hoặc chọn di cư ra nước ngoài.
Lạm phát leo thang
Theo dữ liệu chính thức mới nhất, Bộ tài chính Nga dự kiến chi tiêu của chính phủ sẽ đạt 32,5 nghìn tỷ ruble (352 tỷ USD) vào năm 2023, tăng gần 12% so với kế hoạch ban đầu là 29,06 nghìn tỷ ruble (315 tỷ USD).
Riêng trong tháng 10, chi tiêu ngân sách của Nga đã tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái, theo ước tính của ông Olga Belenkaya, người đứng đầu bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô tại công ty môi giới Finam có trụ sở tại Moscow.
Cũng theo ông Belenkaya, chi tiêu nhà nước Nga trong tháng 11 và tháng 12 có thể lên tới 7,3 nghìn tỷ ruble (79 tỷ USD) đến 8,2 nghìn tỷ ruble (88,9 tỷ USD) tương đương khoảng 23-25% chi phí hàng năm.
Nếu không có sự gia tăng đồng thời về nguồn thu, thâm hụt của Nga có thể sẽ tăng lên 3 nghìn tỷ ruble (32,5 tỷ USD), tương đương 1,8% tổng sản phẩm quốc nội.
Việc chi tiêu tăng mạnh đã khiến Nga phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu, thúc đẩy lạm phát và khiến đồng ruble suy yếu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho rằng chi tiêu ngân sách tăng trưởng liên tục là một trong những trở ngại chính trong việc chống lạm phát.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ lo ngại về tác động của đồng ruble yếu đến tỷ lệ lạm phát của nước này.
“Rõ ràng một trong những vấn đề chính hiện nay là lạm phát gia tăng. Tổng thống nhấn mạnh rằng CBR và chính phủ phải phối hợp nỗ lực để giảm lạm phát, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của các gia đình Nga”, ông Putin cho hay.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng vẫn chưa rõ Điện Kremlin có kế hoạch điều chỉnh ngân hàng trung ương và bộ tài chính như thế nào.
“Có sự thiếu phối hợp khủng khiếp. Tay phải đang kiềm chế lạm phát, trong khi tay trái không ngừng tăng chi tiêu và do đó thúc đẩy lạm phát”, bà Alexandra Prokopenko - học giả không thường trú tại Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga nhận định.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone