Tony Triệu với sứ mệnh 'Chắp cánh hàng Việt trên Amazon'

Hoài Thương - 01/01/2022 16:35 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2015 là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của anh Đỗ Văn Triệu (Tony Triệu) khi anh bắt đầu biết tới Amazon và mày mò kinh doanh với lĩnh vực sách (Amazon Kindle). Với những thành công ban đầu ở thị trường sách, anh chuyển sang các sản phẩm khác và cùng các cộng sự thành lập Công ty Cổ phần Ecomstone Việt Nam, biến Amazon thành sân chơi cho cộng đồng kinh doanh online Việt Nam.

VNF
Doanh nhân Đỗ Văn Triệu

Tốt nghiệp chuyên ngành IT nhưng ngay khi ra trường, Tony Triệu đã rẽ hướng sang con đường kinh doanh vì muốn theo đuổi một công việc mang đến sự tự chủ, linh động về thời gian và nguồn thu nhập tốt. “Tôi máu lửa kinh doanh nhưng lại thuộc tuýp “người đàn ông của gia đình”. Tôi không muốn việc kinh doanh lấy hết thời gian dành cho gia đình, con cái. Do đó, tôi phải tìm cách “tự động hóa” doanh nghiệp của mình. Tôi cho sản phẩm “go global” ngay trên sàn thương mại điện tử chứ không đi theo con đường truyền thống. Cái tên đầu tiên tôi nghĩ đến là Amazon”, Tony Triệu chia sẻ.

Trước khi đến với Amazon FBA, anh Triệu đã trải qua nhiều hình thức kinh doanh khác nhau trên thị trường quốc tế như clickbank, affiliate, youtube adsense … sau đó là bán sách Kindle books trên Amazon. Cũng từ đó, anh biết ngoài sách, Amazon còn bán rất nhiều sản phẩm vật lý khác có doanh thu lợi nhuận cao hơn rất nhiều nên bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về hình thức FBA của Amazon.

Anh Triệu chia sẻ, thời gian đầu bán hàng trên Amazon (năm 2016), anh chủ yếu nhập hàng thủ công mỹ nghệ của các nhà sản xuất Trung Quốc để đưa sang Mỹ bán. Tuy nhiên, nhận thấy các sản phẩm của người Việt cũng tinh xảo và đa dạng không kém nên anh quyết định đưa các sản phẩm Made in Vietnam ra thị trường quốc tế.

Để đưa hàng Việt xuất ngoại theo cách truyền thống rất khó khăn và tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc. Vì vậy anh Triệu quyết định dựa vào gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon: “Amazon có hơn 300 triệu khách hàng tiềm năng mua hàng thường xuyên và có hơn 150 triệu khách hàng VIP trung thành, ngoài ra Amazon có mặt trên 19 quốc gia khác nhau và dịch vụ họ làm rất tốt. Do đó, nếu doanh nghiệp có sản phẩm trên hệ thống của Amazon sẽ tiếp cận được nhiều tệp khách hàng trên khắp thế giới. Tận dụng được lợi thế này sẽ giúp cho doanh nghiệp đi nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều”, Tony Triệu phân tích.

Lúc đó, việc bán hàng trên Amazon còn khá xa lạ với doanh nghiệp Việt, thông tin hay các chương trình hỗ trợ về việc xuất khẩu trên Amazon hầu như chưa có. Nhìn thấy cơ hội rất lớn từ việc bán hàng Việt ra thế giới qua đây, anh Triệu và cộng sự đã tạo ra cộng đồng FBA Freedom để chia sẻ và lan toả rộng rãi kiến thức tới những người bán hàng và các doanh nghiệp. Đến nay, FBA Freedom đã thu hút hơn 35.000 thành viên tham gia và vẫn đang không ngừng phát triển lớn mạnh.

Anh Triệu tự hào: “Chúng tôi đã cùng nhau xây dựng thành công gian hàng trên Amazon, đăng kí thương hiệu riêng tại Mỹ và đặt những viên gạch đầu tiên cho doanh nghiệp của riêng mình – Ecomstone Việt Nam với sứ mệnh “Chắp cánh hàng Việt trên Amazon”. Với những nỗ lực không ngừng trong việc hỗ trợ cộng đồng kinh doanh Amazon tại Việt Nam, Ecomstone Việt Nam đã được Amazon chính thức công nhận là nhà cung cấp giải pháp bán hàng Amazon FBA tại Việt Nam.”

Ecomstone Việt Nam có đội ngũ chuyên gia và kĩ thuật viên am hiểu mọi vấn đề liên quan tới bán hàng Amazon FBA, có thể tư vấn cho doanh nghiệp từ việc khởi tạo tài khoản, tìm kiếm và nghiên cứu thị trường, tối ưu sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, cách thức marketing bán hàng, xây dựng và quản lý gian hàng.

Hiện nay, Ecomstone đang kết hợp cùng với các đơn vị có uy tín về lĩnh vực thương mại điện tử và xuất nhập khẩu như Amazon Global Selling Vietnam, Cục xúc tiến thương mại – Bộ Công thương (Vietrade), Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) để triển khai những dự án quy mô lớn giúp chắp cánh hàng Việt ra toàn cầu, thông qua nền tảng Amazon và xa hơn nữa là các nền tảng thương mại điện tử trên toàn thế giới.

Nhìn lại chặng đường đã qua, điều khiến Tony Triệu tâm đắc nhất là anh vừa phát triển được công việc kinh doanh vừa dành được nhiều thời gian cho bản thân và gia đình vì mọi thứ gần như đã “giao phó” cho Amazon.

Ông chủ Ecomstone hào hứng chia sẻ một kỷ niệm vui: “Cách đây hai năm, đúng dịp Tết âm lịch ở Việt Nam còn ở Mỹ thì rơi vào lễ hội mua sắm valentines. Hàng hóa bán ra liên tục, doanh thu tăng đột biến trong khi anh em trong công ty vẫn an tâm nghỉ Tết, hầu như không phải làm gì vì Amazon đã lo hết từ phần đóng gói, giao hàng, chăm sóc khách hàng và nhận tiền giúp rồi”.

Thương mại điện tử xuyên biên giới đang trên đà phát triển trong những năm qua tại Việt Nam. Giãn cách xã hội và hạn chế đi lại do Covid-19 kéo dài đã thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế số, góp phần vào sự phát triển của thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.

“Việt Nam có rất nhiều lợi thế từ các nguồn nguyên liệu cho đến nguồn nhân lực trẻ và khát khao cống hiến. Mỗi doanh nghiệp cần ý thức được việc xây dựng thương hiệu để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Hàng hoá giống như thứ vũ khí mềm, hàng hoá đi đến đâu thì danh tiếng của Việt Nam lan xa tới đó. Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những thương hiệu vươn tầm quốc tế Made in Vietnam trong thời gian không xa”, anh Triệu nhắn nhủ.

Cùng chuyên mục
Tin khác