Top 10 con phố đắt nhất thế giới chưa có tên Hàng Đào, Đồng Khởi

Vĩnh Chi - 21/11/2017 09:20 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù có giá thuê đắt đỏ nhưng Hàng Đào (Hà Nội) và Đồng Khởi (TP. HCM) vẫn chưa lọt vào danh sách 10 con phố đắt nhất thế giới do Công ty Tư vấn Bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield đưa ra.

VNF
Mặc dù có giá thuê đắt đỏ nhưng đường Đồng Khởi (TP. HCM) vẫn chưa lọt vào danh sách 10 con phố đắt nhất thế giới của Cushman & Wakefield

Những con phố đắt nhất thế giới

Báo cáo năm về những con phố bán lẻ hàng đầu thế giới (Main Streets Across the World) của Cushman & Wakefield theo dõi 462 con phố bán lẻ hàng đầu trên toàn thế giới và xếp hạng chúng theo giá trị thuê chính.

Danh sách 71 con phố đắt nhất thế giới năm nay vẫn ghi nhận vị trí số một của Đại lộ thứ 5 (Upper 5th Ave) – New Yorrk, với  giá thuê lên tới 3.000 USD/bộ vuông/năm. 

Phố Causeway Bay của Hồng Kông theo sau trong gang tấc với giá thuê 2.878 USD/bộ vuông/năm. Hai tuyến phố này đều có giá thuê cao gấp đôi giá thuê tại các đường phố hàng đầu ở bất kỳ nước nào khác.

Xếp thứ ba trong danh sách là Avenue des Champs Élysées của Paris với giá thuê hàng năm ở mức 1.368 USD cho mỗi bộ vuông ( tương đương 14.725 USD/m2). New Bond Street ở London xếp thứ tư (1.283 USD/bộ vuông, tương đương 13.810/m2). 

So với năm 2015, top 4 con phố đắt nhất thế giới không có sự thay đổi. Tuy nhiên, trong năm 2016, vị trí thứ 5 đã đổi chủ với sự đột phá của phố Ginza - Tokyo (nhảy lên từ vị trí thứ 8) với giá thuê hàng năm lên tới 1.249 USD/bộ vuông hay 13.444 USD/m2. 

Myeongdong ở Seoul cũng leo lên một bậc, xếp ở vị trí thứ tám với giá thuê 908 USD/bộ vuông.

Top 10 con phố đắt nhất thế giới năm nay vẫn ghi nhận vị trí số một của Đại lộ thứ 5

Top 10 con phố đắt nhất thế giới năm nay vẫn ghi nhận vị trí số một của Đại lộ thứ 5

Trong khi đó, Via Montenapoleone của Milan và Pitt Street Mall của Sydney tụt xuống một bậc, lần lượt xếp thứ 6 với giá thuê 1.239 USD/bộ vuông và thứ 7 với giá thuê 968 USD/bộ vuông.

Bahnhofstrasse của Zurich xếp hạng cuối cùng với giá thuê 868 USD/bộ vuông.

Tại châu Á – Thái Bình Dương, khu vực Causeway Bay ở trung tâm Hồng Kông vẫn giữ được vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng của khu vực là địa điểm mua sắm đắt nhất. 

Tiếp đến là Ginza (Tokyo), Pitt Street Mall (Sydney), Myeongdong (Seoul), Bourke (Melbourne), West Nanjing Road (Shanghai), Orchard Road (Singapore), Wangfujing (Beijing), Queen Street Mall (Brisbane) và Ti Yu Zhong Xin District (Guangzhou).

Như vậy, top 10 châu Á – Thái Bình Dương cũng không ghi nhận sự xuất hiện của bất cứ con phố nào tại Việt Nam. Hồi năm ngoái, trong báo cáo của mình, Cushman & Wakefield đã xếp Việt Nam đứng thứ 32 thế giới với giá thuê tại các con đường ở trung tâm TP. HCM dao động khoảng 1.533 USD/m2/năm.

Áp lực giảm giá thuê tại các con phố đắt nhất thế giới

Mặc dù ghi nhận 36% các con phố được khảo sát có mức tăng giá thuê, tuy nhiên, báo cáo của Cushman & Wakefield cũng cho thấy sự sụt giảm của các con phố hàng đầu.

Chẳng hạn như Đại lộ thứ 5, trong năm 2016, giá thuê trung bình năm trên mỗi bộ vuông đã giảm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính. Điều tương tự cũng lặp lại tại Causeway Bay của Hong Kong. Lý do là ở cả hai tuyến phố trên, các nhãn hàng đã cân bằng nhu cầu hiện diện vật lý và trực tuyến, 

Cushman & Wakefield đánh giá, áp lực giảm giá thuê đang tạo ra cơ hội cho một số nhà bán lẻ tìm cách chộp lấy những đơn vị có chào giá và các điều kiện thuê tốt.

Đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường thương mại điện tử đang phát triển, xu hướng nổi lên là hợp tác với các nền tảng từ trực tuyến đến ngoại tuyến nhằm nắm bắt những xu hướng đang thay đổi trong hành vi tiêu dùng. Song song đó, cả các nhà bán lẻ và chủ đất đang nâng cao các trải nghiệm cung cấp cho người tiêu dùng bằng cách mở rộng các dịch vụ ăn uống và giải trí, Cushman & Wakefield nhận định.

Các con phố đắt nhất thế giới đang chịu sức ép giảm giá thuê

Các con phố đắt nhất thế giới đang chịu sức ép giảm giá thuê do các nhãn hàng đã cân bằng nhu cầu hiện diện vật lý và trực tuyến 

Theo Theodore Knipfing, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á – Thái Bình Dương: "Các nhà bán lẻ tiếp tục thận trọng trong việc mở rộng cửa hàng của họ trong khu vực do lo ngại về sự tiếp tục bất ổn kinh tế toàn cầu, và chúng ta thấy việc này sẽ tiếp diễn trong năm 2017. 

"Khi sự mở rộng diễn ra, trọng tâm thường tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Trong tất cả, mặc dù triển vọng về sự thận trọng diễn ra trong khắp khu vực, các nhà bán lẻ lớn của quốc tế và khu vực sẽ để mắt đến sự tăng trưởng ở nước ngoài, khi thị trường trong nước của họ đạt đến điểm bão hòa, và các nhà đầu tư yêu cầu kết quả kinh doanh."

Sigrid Zialcita, Giám đốc điều hành Bộ phận Nghiên cứu Cushman & Wakefield châu Á – Thái Bình Dương nói thêm: "Lĩnh vực bán lẻ ở khu vực này vẫn và sẽ tiếp tục được củng cố bởi các lực lượng kinh tế tích cực, với tốc độ tăng trưởng thu nhập vững chắc và tầng lớp trung lưu mở rộng nhanh chóng. 

"Tuy nhiên, người mua sắm hiện đại ngày càng hiểu biết nhiều hơn, điện thoại di động cũng như đi du lịch; sự gia tăng của các ứng dụng và phương tiện truyền thông xã hội đang thay đổi cách chúng ta mua sắm và ảnh hưởng đến quyết định mua sắm của chúng ta. 

"Đường đến trái tim của người tiêu dùng và đồng đô la xanh đã chuyển sang trực tuyến, và các nhà bán lẻ sẽ phải áp dụng một cách tiếp cận khác omni-channel (bán lẻ đa kênh) để tạo ra một trải nghiệm bán lẻ tích hợp. 

"Trong khi các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn là một phần không tách rời của hệ sinh thái bán lẻ của khu vực, vai trò của nó đã thay đổi và họ sẽ phải đối phó với sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng để tồn tại".

Cùng chuyên mục
Tin khác