[Top 10 DNNY] Eximbank và gạch nối trên đường trở lại

Kình Dương - 19/01/2018 08:04 (GMT+7)

(VNF) - Tham vọng "thâu tóm" Sacombank 6 năm trước của Eximbank đang trở thành "của để dành" để ngân hàng này bứt tốc trên đường trở lại. Trợ lực tài chính từ việc thoái vốn Sacombank, cộng với những bước đi mới nhằm tăng cường nội lực kinh doanh liệu có giúp Eximbank tìm lại chính mình?

VNF
Eximbank đang trên đường trở lại với trợ lực từ "gạch nối Sacombank"

Gạch nối Sacombank

"Eximbank đã thụt lùi thời gian qua, thị phần giảm. Đây là năm đầu tiên sau 3-4 năm qua Eximbank trở lại với lợi nhuận đạt trên nghìn tỷ đồng. Do đó, trong thời gian tới nhiệm vụ chính của ban lãnh đạo Eximbank là gia tăng thị phần của ngân hàng", ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank chia sẻ về kết quả kinh doanh khả quan của Eximbank năm qua.

Mức lợi nhuận lên đến 1.118 tỷ đồng mà Eximbank đạt được năm 2017, nếu nhận định rằng một phần quan trọng là đến từ việc ngân hàng này thoái vốn tại Sacombank thì chưa chính xác. Năm qua, Eximbank mới bán khoảng 42 triệu cổ phiếu Sacombank, thực hiện qua 1 giao dịch vào cuối tháng 11 và 2 giao dịch vào tháng 12/2017.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán HSC, giá vốn cổ phiếu Sacombank mà Eximbank sở hữu vào khoảng 10.600 đồng/cổ phiếu. Thời điểm Eximbank bán vốn, cổ phiếu Sacombank dao động quanh mức 13.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy tạm tính, với 42 triệu cổ phiếu bán ra, Eximbank lãi khoảng 100 tỷ đồng, không quá đáng kể so với tổng lãi trước thuế trên 1.100 tỷ đồng.

Mặc dù mức lãi từ bán vốn tại Sacombank trong năm 2017 là không quá đáng kể nhưng năm 2018, việc bán vốn trên có thể là động lực lớn cho Eximbank trên đường trở lại vị thế từng có.

Bước sang năm 2018, Eximbank còn nắm giữ 123 triệu cổ phiếu Sacombank, tương đương tỷ lệ sở hữu 6,84%. Tuy nhiên ngay trong tuần đầu tháng 1, ngân hàng này đã liên tiếp thực hiện 2 giao dịch, bán ra tới 21 triệu cổ phiếu Sacombank, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống chỉ còn 4,91%, đồng nghĩa không còn là cổ đông lớn của Eximbank.

Giá đóng cửa của cổ phiếu Sacombank trong 2 ngày thực hiện 2 giao dịch trên (4/1 và 5/1) đều là 13.600 đồng/cổ phiếu. Tạm tính, Eximbank đã lãi khoảng 63 tỷ đồng.

Nếu bán hết lượng cổ phiếu còn lại (102 triệu cổ phiếu) với cùng giá 13.600 đồng/cổ phiếu, Eximbank sẽ lãi thêm khoảng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lãi hoàn toàn có thể cao hơn nhiều khi diễn biến ngắn hạn của cổ phiếu Sacombank đang khá tươi sáng.

Cách nay 1 tuần, vào ngày 11/1, Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết, ngân hàng này hiện chỉ còn nắm khoảng 50 triệu cổ phiếu Sacombank. Nghĩa là chỉ trong 4 ngày từ ngày 8/1 đến ngày 11/1, Eximbank đã bán ra tới trên 50 triệu cổ phiếu Sacombank.

Giá đóng cửa của mỗi cổ phiếu Sacombank trong 4 ngày này lần lượt là 14.550 đồng, 14.850 đồng, 15.600 đồng và 16.250 đồng; tạm tính trung bình ra là khoảng 15.300 đồng/cổ phiếu. Nếu tính theo mức giá này thì Eximbank đã lãi khoảng 240 tỷ đồng, nâng tổng lãi từ việc thoái vốn Sacombank trong 11 ngày đầu năm 2018 lên đến khoảng 300 tỷ đồng.

Với 50 triệu cổ phiếu Sacombank còn lại, lãnh đạo Eximbank cho hay sẽ hoàn tất bán ra ngay trong tháng 1/2018.

Tham vọng "thâu tóm" Sacombank 6 năm trước của Eximbank, thậm chí có những thời điểm rộ "tin đồn" sáp nhập 2 ngân hàng này, dù mang lại nhiều điều tiếng cho Eximbank trong nhiều năm qua do dính líu đến Trầm Bê nhưng đến nay, khoản đầu tư vào Sacombank thời điểm đó lại đang trở thành "của để dành" để Eximbank bứt tốc trên đường trở lại.

Tìm lại chính mình với "New Eximbank"?

Mặc dù thời điểm mà Eximbank sa sút trùng với thời điểm ngân hàng này tham vọng "thâu tóm" Sacombank, tuy nhiên sự liên quan là không quá đáng kể. Eximbank sa sút thực tế là do hệ quả từ việc ngân hàng này lạm dụng vốn liên ngân hàng trong suốt nhiều năm liền, có lúc, vốn huy động liên ngân hàng còn vượt xa vốn huy động từ dân cư.

Thế nên, việc thoái vốn khỏi Sacombank phần nhiều tạo trợ lực về lợi nhuận nói riêng cũng như về nguồn vốn tự có nói chung cho Eximbank, chứ không giúp ngân hàng này cải thiện trực tiếp sự sa sút về nội lực kinh doanh những năm qua.

Việc thoái toàn bộ vốn khỏi Sacombank đang tạo trợ lực lớn về tài chính cho Eximbank, giữa lúc ngân hàng này đang triển khai dự án "New Eximbank" với trọng tâm sắp tới là cải thiện nội lực kinh doanh

Hồi đầu tháng 8/2017, Eximbank đã bắt đầu tiến trình "thay máu" nhân sự bằng việc cắt giảm tới 9 Phó Tổng giám đốc, trong đó có 2 Phó Tổng người Nhật (đại diện cho cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation).

Tới đây, Eximbank sẽ hoàn tất việc tái cơ cấu nhân sự với việc bầu bổ sung thành viên HĐQT. Ngân hàng này hiện đã có Nghị quyết chốt danh sách cổ đông và chốt đề cử cho các vị trí mới.

"Thay máu" nhân sự là bước cơ bản trong tiến trình thực thi dự án "New Eximbank" nhằm vực dậy vị thế của Eximbank. Tiếp đến, việc cần làm của Eximbank là cải thiện nội lực kinh doanh, và điều này đã được Eximbank cụ thể hóa trong những bước đi sắp tới.

Phía Eximbank cho biết, thời gian tới, ngân hàng này sẽ cải thiện khả năng sinh lời thông qua việc tập trung xử lý nợ xấu và những tài sản tồn đọng không sinh lời quy mô lớn.

Thứ hai, tập trung đẩy nhanh tốc độ tăng tổng tài sản thông qua việc triển khai mở rộng mạng lưới hoạt động tại những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển để mở rộng cơ sở khách hàng, từng bước thu hẹp khoảng cách thị phần với các đổi thủ cạnh tranh.

Thứ ba, triển khai đồng bộ dự án New Eximbank ở mọi cấp để nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, hiệu quả hoạt động và năng suất lao động trong toàn hệ thống.

Ngoài ra, việc sớm hoàn tất tất báo cáo tài chính quý IV/2017 và báo cáo tài chính năm 2017 có kiểm toán cũng là ưu tiên của Eximbank nhằm sớm xóa lỗ lũy kế, đưa cổ phiếu EIB ra khỏi diện cảnh báo trên thị trường chứng khoán.

Những bước đi mới cùng với trợ lực mạnh từ "gạch nối Sacombank", Eximbank sẽ sớm tìm lại chính mình?

Cùng chuyên mục
Tin khác