Top 20 nữ doanh nhân hàng đầu của Forbes vắng tên doanh nhân Nguyễn Thanh Phượng, Trần Uyên Phương
Lệ Chi -
07/03/2019 07:20 (GMT+7)
(VNF) - Trong top 20 “nữ tướng” của doanh nghiệp có mặt trong danh sách phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 vắng những cái tên nổi tiếng như Nguyễn Thanh Phượng, Trần Uyên Phương, Dương Thị Mai Hoa…
Forbes Việt Nam mới đây công bố danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 với các các gương mặt nổi bật trong các lĩnh vực chính trị, kinh doanh, khoa học giáo dục, hoạt động xã hội, truyền thông, nghệ thuật, sáng tạo và thể thao.
Đây là lần thứ 2 Forbes Việt Nam công bố danh sách này, sau danh sách 2017.
Đáng chú ý, trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 vắng bóng nhiều cái tên nổi tiếng như: bà Nguyễn Thanh Phượng (Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Bản Việt); bà Trần Uyên Phương (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát); bà Phạm Thị Huân (Tổng giám đốc Công ty TNHH Ba Huân); bà Dương Thị Mai Hoa (Phó chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways).
Thay vào đó, Forbes Việt Nam đưa vào danh sách một số gương mặt mới như: bà Nguyễn Bạch Điệp (Tổng giám đốc FPT Retail); bà Trần Thị Đào (Tổng giám đốc Imexpharm); bà Trần Thị Lâm (Chủ tịch Hoa Lâm); bà Trần Kim Liên (Chủ tịch Vinaseed); bà Lê Hồng Thủy Tiên (Tổng giám đốc IPP) và bà Nguyễn Anh Tuyền (Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam).
Bà Nguyễn Thanh Phượng từng được Forbes đưa vào danh sách những phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam trong lần công bố gần đây.
VietnamFinance xin được giới thiệu top 20 nữ doanh nhân ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019:
1. Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1970) tại Hà Nội, Chủ tịch thường trực HDBank, Tổng giám đốc VietJet Air.
Năm 2018, bà Thảo được xướng tên trong danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới (xếp ở vị trí thứ 44) của tạp chí Forbes, đồng thời lọt nhóm 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 của hãng tin Bloomberg.
2. Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch BRG
Bà Nguyễn Thị Nga sinh ngày 17/8/1955 tại Hà Nội. Bà Nga hiện là Chủ tịch Tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT Hapro...
Bà từng được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á. Trên thị trường tài chính - ngân hàng, bà Nga thường được gọi với cái tên thân mật là Madam Nga.
3. Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk
Bà Mai Kiều Liên sinh ngày 1/9/1953 tại Paris, Pháp trong một gia đình trí thức người Việt, cha mẹ bà đều là bác sĩ.
Ở lĩnh vực kinh doanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) ghi dấu ấn bởi phong cách lãnh đạo truyền cảm hứng, tư tưởng sáng tạo và lan tỏa tác động tích cực ra cộng đồng.
4. Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch PNJ
Bà Cao Thị Ngọc Dung sinh năm 1957 tại Quảng Ngãi. Bà Dung hiện đang nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ). "Chiếc ghế nóng" này đã được bà nắm giữ tròn 10 năm (từ năm 2004 đến nay).
Ngoài ra, bà còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở những doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn như Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Đông Á – chức vụ này, bà nắm giữ với “thâm niên” còn lâu hơn cả tại PNJ.
5. Thái Hương, Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á
Bà Thái Hương sinh năm 1958 tại Nghệ An, là Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Ngân hàng Bắc Á (BacAbank). Mặc dù quy định của luật tổ chức tín dụng mới khắt khe, và dù là người đã gắn bó với cái tên TH rất lâu nhưng bà vẫn quyết chọn lựa ngân hàng khi tiếp tục vị trí Tổng giám đốc của BacABank. Hiện bà Thái Hương vẫn ghi dấu ấn đậm nét ở TH, được Forbes Việt Nam nhắc đến trong vai trò là người sáng lập của tập đoàn này.
6. Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Retail
Bà Nguyễn Bạch Điệp, sinh năm 1972, tốt nghiệp Đại học Mở TP. HCM ngành Quản trị kinh doanh. Nổi tiếng với biệt danh “người đàn bà thép”, bà Điệp đã có hơn 18 năm gắn bó với tập đoàn FPT.
Bà từng giữ nhiều vị trí quan trọng của các công ty trong tập toàn như: Giám đốc FIS 13 thuộc Công ty Hệ thống thông tin FPT, Phó tổng giám đốc FPT Mobile, Giám đốc FPT Telecom phía Nam, Phó tổng giám đốc FPTRetail, Tổng giám đốc FPT Retail.
7. Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Công ty Vĩnh Hoàn
Bà Trương Thị Lệ Khanh sinh năm 1961 tại An Giang, là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Hose: VHC).
Bà Trương Thị Lệ Khanh sở hữu gần 40 triệu cổ phiếu VHC, chiếm 50,3% cổ phần của thủy sản Vĩnh Hoàn. Vượt lên cả “vua tôm" Dương Minh Ngọc, "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh đã từng góp mặt trong top 10 nữ doanh nhân thành đạt do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn hồi 2013.
8. Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát
Bà Trương Mỹ Lan (tên gọi khác Trương Muội) là người Việt gốc Hoa. Bà là người sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Vạn Thịnh Phát để đạt được những thành tự như ngày hôm nay một phần nhờ vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của "nữ tướng" Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, giá trị tài sản của bà Lan hiện vẫn còn là một "ẩn số". Bà có chồng là ông Eric Chu Nap Kee, một doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản tại Hồng Kông.
9. Trần Thị Lâm, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Lâm
Bà Trần Thị Lâm sinh năm 1959 tại Quảng Ngãi, hiện là nữ Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).
Bà Lâm cùng chồng mình là ông Dương Ngọc Hòa bắt đầu sự nghiệp với việc kinh doanh xe gắn máy từ hai bàn tay trắng. Sau đó, 2 vợ chồng bà thành lập Công ty TNHH Thương mại dịch vụ vận tải Nhất Nguyên, nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Hoa Lâm (Tập đoàn Hoa Lâm).
Không dừng lại ở việc kinh doanh xe máy, bà Lâm là người đầu tiên khôi phục và sáng lập Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank), sau đó vươn sang lĩnh vực bất động sản.
10. Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh ngày 25/12/1952, quê tại Tây Ninh), Chủ tịch kiêm CEO Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE). Năm 2014, bà Mai Thanh từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen).
11. Trần Thị Đào, Tổng giám đốc Imexpharm
Bà Trần Thị Đào, sinh năm 1952 tại Đồng Tháp, là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm (Hose: IMP). Thầy thuốc Nhân Dân Trần Thị Đào thuộc “thế hệ vàng” không những đối với riêng Imexpharm mà còn đối với cả ngành dược Việt Nam. Gắn bó hơn 30 năm, Bà Đào đã dành trọn tâm huyết để phát triển Imexpharm từ một Xí nghiệp sản xuất dược nhỏ của tỉnh Đồng Tháp đến vị thế ngày hôm nay.
12. Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền sinh năm 1964 tại Thái Bình. Trước khi ngồi vào vị trí Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - CTCP, bà Huyền từng trải qua các vị trí Tổ trưởng tổ sản xuất, Phó quản đốc phân xưởng May 1, Giám đốc Xí nghiệp May 3, Giám đốc điều hành Công ty, Phó tổng giám đốc May 10.
Đến thời điểm này, bà Huyền đã có thâm niên 10 năm ngồi ghế Tổng giám đốc, trực tiếp điều hành Tổng công ty May 10 và hệ thống 18 xí nghiệp thành viên tại 7 tỉnh, thành phố.
13. Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc NutiFood
Bà Trần Thị Lệ tốt nghiệp Đại học Y (Tây Nguyên) rồi vào TP. HCM làm trợ lý Giám đốc điều hành của cơ sở Thực phẩm Đồng Tâm. Đến năm 2000, cơ sở này phát triển thành Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (NutiFood) và bà được cất nhắc lên làm Giám đốc. Năm 2004, một sự cố diễn ra ở NutiFood đã khiến nhiều cổ đông bán tháo cổ phần. Thế là trong khi các cổ đông cũ bán đi, bà Lệ lại mua vào và bắt đầu trở thành bà chủ từ đó.
14. Trần Kim Liên, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinaseed
Bà Trần Kim Liên sinh năm 1958 tại Hà Nội, là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed – NSC). Dưới sự lãnh đạo của Bà Kim Liên, NSC đã đạt những thành tựu vượt bậc với tốc độ tăng trưởng cao. Bà Kim Liên là một trong những người lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
15. Lưu Thị Tuyết Mai, Chủ tịch Mesa
Bà Lưu Thị Tuyết Mai sinh năm 1965 tại Pleiku, Gia Lai. Bà là sáng lập Tập đoàn Mesa Group năm 1995, đến nay đã phát triển thành một tập đoàn đa ngành, được biết đến nhiều với vai trò nhà phân phối lớn nhất của P&G tại Việt Nam. Mesa Group cũng đi đầu trong lĩnh vực nhượng quyền các thương hiệu ẩm thực nước ngoài như Carl’s Jr, Texas Chicken, MK Suki… Năm 2017, bà Tuyết Mai được tạp chí Forbes bầu chọn vào top 20 phụ nữ ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam.
16. Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra)
Doanh nhân Lê Minh Trang sinh năm 1965, được biết đến với vị trí là Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) từ năm 2009. Hiện này, bà Lê Minh Trang cũng là chủ tịch hội đồng thành viên của VBL, đơn vị liên doanh giữa Satra và Heineken. Năm 2017, bà được bình chọn nằm trong top 20 những người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn.
Satra phát triển chuỗi cửa hàng mang thương hiệu Satra gồm SatraFoods, Satra Bakery & Café, Satra Foodcourt, nhà hàng ẩm thực, với 113 cửa hàng tính đến cuối năm 2016, trong đó có 100 cửa hàng SatraFoods.
17. Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP
Bà Lê Hồng Thủy Tiên sinh năm 1970 tại Hà Nội trong một gia đình có 5 anh chị em. Bà là một trong những nhân tố tạo nên hình ảnh của “thế hệ vàng” trong nền điện ảnh Việt Nam những năm 80-90 với dàn diễn viên như Lý Hùng, Diễm Hương, Việt Trinh… Hiện bà Lê Hồng Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.
Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn.
18. Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Traphaco
Bà Vũ Thị Thuận sinh năm 1956, có trình độ thạc sĩ dược học. Bà có thời gian trên 35 năm gắn bó với Traphaco và giữ chức Chủ tịch HĐQT công ty từ tháng 4/2003. Nữ doanh nhân cũng từng được vinh danh trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam vào năm 2017.
19. Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam
Là một trong 50 nữ doanh nhân tiêu biểu do Forbes Việt Nam bình chọn, bà Hà Thu Thanh được mệnh danh là “nữ tướng ngành kiểm toán”.
Bà Thu Thanh sinh năm 1962 tại Hà Nội, tốt nghiệp đại học Tài chính – Kế toán ( nay là Học viện Tài chính Hà Nội). Sau khi ra trường, bà Thanh được phân công về thẳng Bộ tài chính công tác. Năm 1991, bà được Bộ Tài chính điều chuyển sang làm việc tại Công ty Kiểm toán Việt Nam, lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam.
31 năm công tác, 23 năm làm nghề kiểm toán, 16 năm ở vị trí lãnh đạo cấp cao (CEO) của một công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu Việt Nam, đó là thành quả to lớn của “nữ tướng” Deloitte Việt Nam Hà Thu Thanh.
Thành lập ngày 13/5/1991, Công ty Tư vấn và Kiểm toán Deloitte Việt Nam (tiền thân là Công ty Kiểm toán Việt Nam - VACO) là một trong những công ty kiểm toán lớn nhất tại Việt Nam. Deloitte Việt Nam đã hoàn thành việc chuyển đổi sở hữu và trở thành thành viên đầy đủ của Deloitte toàn cầu và gia nhập Deloitte Đông Nam Á kể từ tháng 5/2007.
20. Nguyễn Anh Tuyền, Tổng giám đốc Sanofi Việt Nam
Không có nhiều thông tin về cả bà Nguyễn Anh Tuyền lẫn Công ty Sanofi Việt Nam được công bố, cho dù trong giới y tế đều biết Sanofi là một tên tuổi lớn của ngành hiện nay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone