Tiêu điểm

Top 6 xuất khẩu trên 10 tỷ USD, ngành đứng đầu hút vốn FDI 'khủng' nhất Việt Nam

(VNF) - Bất chấp những thách thức và khó khăn ở cả trong nước và quốc tế, xuất khẩu của Việt Nam vẫn “giữ được lửa” trong 9 tháng của năm 2023 với nhiều mặt hàng xuất khẩu có giá trị hơn 10 tỷ USD.

Vừa qua, Tổng cục Thống kê (GSO) đã công bố báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội quý III và trong 9 tháng đầu năm 2023.

Trong tháng 9/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 31,41 tỷ USD, tăng trưởng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cũng cho thấy tín hiệu tích cực ở ngành xuất khẩu sau 3 tháng liên tiếp phải chứng kiến mức giảm sâu.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ở khu vực kinh tế trong nước tăng 17,9% trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (bao gồm cả dầu thô) tăng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cộng dồn 9 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 259,67 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 68,86 tỷ USD, giảm 5,7%, chiếm 26,5% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 190,81 tỷ USD, giảm 9,1%, chiếm 73,5%.

Trong cả 2 giai đoạn là 9 tháng năm 2022 và 9 tháng năm 2023, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang là khu vực trọng điểm của xuất khẩu hàng hóa.

Tuy nhiên, nếu so với những tháng đầu năm, rõ ràng kim ngạch xuất khẩu của nước ta đã có nhiều tiến triển ấn tượng, từ con số 25,08 tỷ USD trong tháng 1/2023 lên đến 31,41 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu đạt đỉnh vào tháng 8 năm nay với 32,8 tỷ USD.

Góp phần không nhỏ vào sự bứt tốc này chính là các nhóm mặt hàng chủ lực. Trong 9 tháng của năm 2023, Việt Nam có tới 6 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 10 tỷ USD, bao gồm: điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giày dép và phương tiện vận tải và phụ tùng.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng của những mặt hàng này hầu như đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trị giá xuất khẩu của những ngành hàng này vẫn dao động trong khoảng từ hơn 14,8 tỷ USD – hơn 41 tỷ USD.

Duy chỉ có mặt hàng phương tiện vận tải và phụ tùng có tốc độ tăng tới 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng trị giá xuất khẩu chỉ đạt 10,259 tỷ USD, mức khiêm tốn nhất trong nhóm 6 mặt hàng chục tỷ USD.

Dẫn đầu trong top 6 mặt hàng xuất khẩu chục tỷ USD là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu đạt 41,188 tỷ USD. Nhóm hàng này liên tục đạt tốc độ tăng trưởng cao, tăng 25,6% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng nhanh giúp nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện dần vượt qua hai nhóm hàng xuất khẩu chủ lực nhiều năm của Việt Nam là dệt may, điện thoại và linh kiện để trở thành nhóm hàng xuất khẩu đứng đầu.

Trong thời gian qua, ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện của nước ta đang được hưởng lợi từ nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra vào hồi đầu năm 2018. Làn sóng “Trung Quốc +1” cùng với những ổn định về mặt địa chính trị đã giúp Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn trong mắt các công ty nước ngoài.

Tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã dẫn đầu các ngành nhận được vốn đầu tư FDI cao nhất cả nước, với tổng vốn đầu tư đạt hơn 14 tỷ USD, chiếm gần 69,3% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 15,5% so với cùng kỳ.

Trong một phân tích của mình, Ngân hàng HSBC nhận định “Việt Nam đã chuyển mình, trở thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng”.

Mặc dù thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn và đã có những bước tiến đáng kể trong nhiều năm qua nhưng ngành sản xuất điện tử, máy tính và linh kiện của nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Việt Nam mới chỉ tham gia vào giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện với các sản phẩm còn đơn giản, chưa có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Chưa kể, nước ta vẫn còn thiếu nhân lực có chuyên môn trong ngành sản xuất này.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 229,22 tỷ USD, chiếm tỷ trọng tới 88,3%. Còn lại, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,2%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,9% và nhóm hàng thủy sản ước chiếm 2,6%.

Cả 6 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch trên 10 tỷ USD đều thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của nông sản đạt 19,54 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sự tăng trưởng vượt bậc này phần lớn là do giá trị xuất khẩu của nhóm hàng rau quả, gạo, cà phê, hạt điều đều tăng. Đặc biệt trong năm nay, sầu riêng cũng trở thành “nhân tố vàng” của xuất khẩu khi lần đầu tiên vượt qua thanh long để trở thành mặt hàng nông sản "đắt giá" nhất. Tính trong 8 tháng năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của cả nước đạt hơn 1,2 tỷ USD, gấp khoảng 3 lần so với kim ngạch cả năm 2022. Xuất khẩu sầu riêng dự báo có thể đạt khoảng 2 tỷ USD trong năm nay với thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Trung Quốc.

Ngoài sầu riêng, Việt Nam cũng được hưởng lợi từ giá gạo. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, trong 9 tháng 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4% so với cùng kỳ năm trước. Đi cùng với đó, giá gạo xuất khẩu trung bình đạt 553 USD/tấn, tăng 14%.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế cao đối với các sản phẩm gạo thường (non-basmati) của Ấn Độ đã khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu bị giảm sút trong khi nhu cầu mua gạo vẫn ở mức cao. Điều này đã đẩy giá gạo xuất khẩu của nước ta lên cao, thậm chí từng đạt đỉnh 618 USD/tấn vào tháng 8 năm nay, mức giá kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Tin mới lên