Thị trường

TP. HCM: 6.000 chương trình, 28.500 tỷ đồng khuyến mãi cũng không kéo nổi sức mua

(VNF) - Theo Sở Công Thương TP. HCM, trong tháng 6 và 7/2020, các doanh nghiệp trên địa bàn đã thực hiện gần 6.000 chương trình khuyến mãi với tổng trị giá hơn 28.500 tỷ đồng để kích cầu tiêu dùng. 

TP. HCM: 6.000 chương trình, 28.500 tỷ đồng khuyến mãi cũng không kéo nổi sức mua

Sức mua bị giảm mạnh bởi Covid-19

Tuy nhiên, việc gia tăng các chương trình khuyến mãi cũng không kéo được sức mua sụt giảm nhanh và sâu do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu trên địa bàn TP. HCM cho thấy: tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 104.066 tỷ đồng, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm trước (trong đó thương nghiệp tăng 2%; dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 36,1%; dịch vụ lữ hành giảm 95,5%; dịch vụ khác giảm 4,4%).

Lũy kế 7 tháng năm 2020, doanh thu thương mại dịch vụ ước đạt 718.133 tỷ đồng, giảm 3,8%. Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa (là ngành duy nhất đạt tăng trưởng trong các ngành dịch vụ) 7 tháng ước đạt 463.446 tỷ đồng, tăng 8,2% (cùng kỳ tăng 14,0%), chiếm tỷ trọng 64,5% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ. 

Tại các trung tâm thương mại của TP. HCM vào thời điểm này, nhiều người có cùng cảm nhận “người bán đông hơn người mua”, cho dù hàng loạt các thương hiệu trong nước và quốc tế vẫn đua nhau giảm giá tới 50%.

Tại nhiều chợ bán lẻ, hầu hết các sạp bán hàng phi thực phẩm đã tạm ngưng bán vì không có khách hàng, chỉ có ngành hàng thực phẩm tươi sống vẫn hoạt động. 

Đối với khu vực các siêu thị, tình hình có khá hơn vì nhiều khách hàng đến mua sắm. Tuy nhiên sức mua không đồng đều như trước mà chỉ tập trung vào các nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu hàng ngày.

Theo thống kê sơ bộ của hệ thống MM Mega Market, sức mua nhóm hàng này tăng bình quân khoảng 6%-7%. Ở các nhóm hàng phi thực phẩm như dụng cụ nhà bếp, đồ dùng gia đình, quần áo, giày dép… sức mua sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ.

Tại hệ thống bán lẻ của Liên hiệp hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op), sức mua trong toàn hệ thống vào thời điểm này đã giảm khoảng 10%, trong đó các siêu thị đặt tại 43 tỉnh, thành sức mua giảm rất mạnh vì nhiều nguyên nhân. 

Một chuyên gia nghiên cứu thị trường nhận xét sức mua đang chịu tác động do Covid-19 trở lại. Thời điểm này, mức tác động là chưa nhiều nhưng quý tiếp theo tình hình có thể nghiêm trọng hơn.

Nguyên nhân chính đến từ nỗi lo mất việc làm ngày càng lớn hơn, chủ yếu diễn ra ở khối  doanh nghiệp tư nhân, FDI và người có thu nhập mức dưới 20 triệu đồng/tháng. Có đến hơn 30% số người trong nhóm này bày tỏ nỗi lo mất việc làm.

Với tâm lý như vậy, 90% số người trong nhóm này đã ngay lập tức thắt chặt chi tiêu, bình quân phần trăm chi tiêu bị cắt giảm liên tục tăng từ tháng 4.

Không chỉ các hộ gia đình giảm chi mà đối tượng các bạn trẻ chưa lập gia đình thuộc nhóm 8X, 9X có thu nhập mức khá cũng có tâm lý này. Tâm lý tiết kiệm chi phối khá rõ khiến cho sức mua chung trên thị trường khó có thể tăng như kỳ vọng của các nhà kinh doanh.

Phân tích của nhóm tư vấn thị trường thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy đại đa số các ngành hàng có 4 phân khúc: phân khúc giá rẻ chiếm tỷ lệ 5%-20%, phân khúc giá trung bình, khá chiếm 50%-70%, phân khúc cao cấp chiếm 10%-15%, phần còn lại là phân khúc siêu rẻ.

Phân khúc siêu rẻ là nhóm các sản phẩm không có thương hiệu, thương hiệu còn yếu, nơi người tiêu dùng chỉ quan tâm đến giá rẻ, chất lượng thì ở mức chấp nhận được.

Trong suốt 3 tháng của quý II/2020, thị trường chứng kiến sự tăng trưởng có thể nói là bùng nổ của nhóm phân khúc siêu rẻ. Tại một số ngành hàng tiêu dùng nhanh, mức tăng trưởng đã lên đến 3 con số ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Bên cạnh đó, nhóm phân khúc giá rẻ cũng có mức tăng rất đáng khích lệ với mức 10%-30% tùy mỗi ngành hàng.

Điểm đáng chú ý là khối lượng tiêu dùng không hề tăng, thậm chí còn giảm. Như vậy, người tiêu dùng chỉ dịch chuyển mạnh từ các phân khúc bên trên xuống 2 nhóm bên dưới. Việc này làm các doanh nghiệp lo hơn mừng vì đây là một xu hướng sẽ làm cho ngành hàng sụt giảm về giá trị.

Tin mới lên