Bất động sản

TP. HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển, dự thu 15.000 tỷ trong 5 năm

(VNF) - Từ 0 giờ ngày 1/4, TP. HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển với mức phí thấp nhất 15.000 đồng cho mỗi tấn hàng không đóng trong container, cao nhất 4,4 triệu đồng mỗi container loại 40 feet.

TP. HCM bắt đầu thu phí hạ tầng cảng biển, dự thu 15.000 tỷ trong 5 năm

Theo Cảng vụ đường thủy nội địa TP. HCM, hiện các doanh nghiệp đã chủ động kê khai thực hiện trên hệ thống theo quy định. Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần nhập tờ khai, mọi dữ liệu tờ khai hải quan sẽ được đồng bộ trên hệ thống.

Hoạt động thu phí hạ tầng đều sử dụng qua công nghệ và không sử dụng tiền mặt. Các hoạt động theo dõi và liên kết với các bên chỉ cần làm việc trên hệ thống. Cảng vụ đường thủy nội địa hỗ trợ công tác kết nối, chia sẻ dữ liệu tờ khai và hàng hóa qua cảng lên hệ thống thu phí. Thông qua phần mềm, Cảng vụ đường thủy nội địa và Cục Hải quan có thể theo dõi các doanh nghiệp kê khai và đóng phí.

Theo đề án thu phí, toàn bộ số tiền thu phí kết cấu hạ tầng sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu phí sẽ được nộp vào ngân sách TP. HCM. Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch- Đầu tư tham mưu thành phố bố trí sử dụng có mục tiêu cho đầu tư và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông kết nối cảng biển (đường bộ và đường thủy) theo danh mục đề xuất hàng năm của Sở Giao thông Vận tải, được UBND và HĐND TP. HCM thông qua.

Dự kiến tổng nguồn thu phí sử dụng cho công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn TP. HCM giai đoạn 2021-2025 theo đề án khoảng 15.000 tỷ đồng. Sau khi trích một phần cho đơn vị thu phí, toàn bộ nguồn thu sẽ được đầu tư các công trình quanh cảng.

Theo kế hoạch đến năm 2025, có 14 dự án hạ tầng được triển khai từ nguồn thu nói trên. Cụ thể tại khu vực quanh cảng Cát Lái, đường Nguyễn Thị Định mỗi ngày có khoảng 20.000 lượt xe ra vào cảng sẽ được mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thuỷ đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố sẽ tập trung hoàn chỉnh nút giao vòng xoay Mỹ Thuỷ, với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4...

Gần đó, đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6km, rộng 30m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng...

Cũng theo ông An, giai đoạn đến năm 2025, thành phố ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn vành đai 2 qua TP. Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến xa lộ Hà Nội (dài 3,5km) và từ xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8km), với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ. Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô.

Tại khu vực cảng Sài Gòn (quận 4), dự án cầu Thủ Thiêm 4 cũng trong kế hoạch được ưu tiên triển khai để giảm ùn tắc nút giao Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư - Nguyễn Văn Linh; ngoài ra còn các công trình mở rộng đường Lưu Trọng Lư kết nối cảng Tân Thuận (quận 7) với đường Nguyễn Văn Linh; nghiên cứu bổ sung tuyến ven sông để kết nối giữa các bến cảng dọc sông Soài Rạp...

Tin mới lên