Bất động sản

TP. HCM: Công khai toàn bộ dữ liệu đất đai cho người dân tra cứu

(VNF) - Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa công bố Nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường.

TP. HCM: Công khai toàn bộ dữ liệu đất đai cho người dân tra cứu

TP. HCM ra mắt cổng thông tin cho người dân tra cứu dữ liệu đất đai, tài nguyên, môi trường.

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đã hoàn thành xây dựng Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP.HCM vào năm 2021 và trải qua quá trình thử nghiệm với Cổng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường TP. HCM (geodata-stnmt.tphcm.gov.vn) và Hệ thống trục tích hợp các dịch vụ web ngành Tài nguyên môi trường (esb-stnmt.tphcm.gov.vn).

Đây là nơi lưu trữ, chia sẻ 450 tệp dữ liệu tài nguyên và môi trường của toàn thành phố, gồm nhiều thông tin như phân khu; diện tích đất; quy hoạch, kế hoạch, mục đích sử dụng đất; độ cao mặt đất; tốc độ lún...

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng, thông qua nền tảng này, các cơ quan, tổ chức, người dân có thể truy cập vào để xem các dữ liệu cần thiết như: dữ liệu bản đồ nền địa lý thành phố, các quy hoạch sử dụng đất, các pháp lý về dự án liên quan đến quy hoạch đã được phê duyệt...

Trước đây, các bản đồ này của Sở Tài nguyên Môi trường chưa được đăng tải trực tuyến. Khi muốn lấy dữ liệu đất đai, các đơn vị phải gửi văn bản yêu cầu để nhận tệp dữ liệu bản đồ, sau đó mới khai thác. Với nền tảng này, người dân có thể truy cập trực tuyến miễn phí, còn cơ quan nhà nước được cấp tài khoản để lấy dữ liệu theo nhu cầu.

Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đang thực hiện dữ liệu về giá đất. Sau khi hoàn thành, dữ liệu về giá đất thành phố sẽ được chuyển tải lên nền tảng chia sẻ dữ liệu tài nguyên và môi trường, giúp người dân các khu vực có thể cập nhật, biết được giá đất ở khu vực đó giao dịch bao nhiêu, biến động như thế nào…

Ngoài ra, tên bản đồ nền mà Sở Tài nguyên và Môi trường cung cấp, Sở Giao thông Vận tải có thể chồng các lớp về giao thông để có thể quản lý giao thông của TP. HCM; các ngành khác như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Giáo dục và Đào tạo... cũng có thể sử dụng bản đồ nền từ gốc của ngành Tài nguyên môi trường để chồng thêm các lớp quản lý, ví dụ như thông tin về đo độ cao, quản lý về mức độ ngập lụt, kiểm tra pháp lý của các quy hoạch sử dụng đất...

Tin mới lên