TP. HCM kiến nghị Thủ tướng: Bơm vốn làm cao tốc, gỡ vướng cho bất động sản

Trần Lê - 16/04/2023 14:33 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 16/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố .

VNF
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Ban thường vụ Thành ủy TP. HCM.

Kinh tế quý II còn nhiều khó khăn

Thay mặt TP. HCM báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cho biết, trong quý I vừa qua, TP. HCM cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo đó, thị trường bất động sản suy giảm, thị trường tài chính gặp khó khăn ảnh hưởng đến sức cầu hàng hóa và quy mô hoạt động của doanh nghiệp; tình hình việc làm biến động; sức mua đã khôi phục nhưng vẫn còn yếu, chưa đủ kích thích sản xuất, đầu tư và tiêu dùng.

TP. HCM có 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm; số vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới giảm (39,26%) và số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (22,81%) so với cùng kỳ.

Việc giải ngân vốn đầu tư công thấp (đạt 4%). Tiến độ và nội dung giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp chưa đạt yêu cầu.

Dự báo trong quý 2, kinh tế TP. HCM tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, khó lường; thị trường bất động sản, thị trường tài chính, thị trường lao động tiếp tục gặp nhiều khó khăn; sức ép lạm phát cao, rủi ro nợ xấu ngân hàng, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chỉ số giá tiêu dùng có chiều hướng tăng; sức mua giảm, xu hướng hoạt động xuât khẩu thu hẹp.

Tăng vốn cho hạ tầng, nhất là cao tốc

Tại buổi làm việc lãnh đạo TP. HCM kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều nội dung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo đó, TP. HCM đề xuất Thủ tướng và các Bộ, ngành có giải pháp cụ thể cho nhóm giao thông liên vùng. Cụ thể là phân bố vốn thực hiện các dự án: Cao tốc TP. HCM - Mộc Bài; Đầu tư hoàn chỉnh cao tốc TP. HCM - Trung Lương; Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; đường Vành đai 3 TP. HCM; đường Vành đai 4 TP. HCM; Cao tốc TP. HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; Tuyến đường sắt đô thị số 2, Bến Thành - Tham Lương.

Đồng thời, bố trí vốn cho 3 bệnh viện. Đó là dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi với tổng mức đầu tư 1.854 tỷ đồng; dự án xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn với tổng mức đầu tư là 1.894,98 tỷ đồng; dự án Xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức tổng mức đầu tư là 1.915 tỷ đồng. 

Cả 3 dự án dự kiến hoàn thành trong năm nay với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 5.663 tỷ đồng. TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí vốn ngân sách Trung ương để đầu tư mua sắm trang thiết bị của 3 bệnh viện này với tổng nhu cầu 4.500 tỷ đồng.

Tháo gỡ cho BĐS

Tại buổi làm việc TP. HCM cũng kiến nghị tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho một số dự án bất động sản.

Trong đó, các khó khăn, vướng mắc đã được rà soát thành các nhóm, cụ thể đối với dự án đầu tư nhà ở xã hội có 6 nội dung; đối với dự án xây dựng chung cư mới thay thế chung cư cũ có 5 nội dung; đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có 19 nội dung.

Trong đó riêng lĩnh vực đất đai có 7 nội dung chủ yếu xoay quanh vấn đề phương án sử dụng đất của các doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hóa và Pháp lý về quyền sử dụng của khu đất thực hiện dự án. Các nội dung cụ thể được UBND TP. HCM trình báo cáo ngày 24/11/2022.

TP. HCM đề xuất Thủ tướng Chính phủ thống nhất các nội dung dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 để trình Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước; quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. TP. HCM mong muốn, trong tháng 4 năm 2023 Bộ KH - ĐT sớm chủ trì, xây dựng dự thảo Nghị định mới hướng dẫn, để triển khai ngay sau khi Nghị quyết mới có hiệu lực thi hành.
Cùng chuyên mục
Tin khác