Tài chính

Tranh cãi xung quanh việc áp dụng họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến

(VNF) - Dự kiến phạt tiền đối với công ty đại chúng không quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định.

Tranh cãi xung quanh việc áp dụng họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến

Tranh cãi xung quanh việc áp dụng họp đại hội đồng cổ đông trực tuyến

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Một trong những bổ sung đáng chú ý trong dự thảo Nghị định là quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với công ty đại chúng không quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định.

Bình luận về quy định này, Ngân hàng TNHH MTV HSBC (Việt Nam) cho hay hiện nay trên thực tế, chỉ một số công ty đại chúng chấp thuận việc bỏ phiếu từ xa thông qua fax mặc dù hình thức bỏ phiếu này đã được Luật Doanh nghiệp chấp thuận như một hình thức bỏ phiếu hợp lệ. Việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện bỏ phiếu điện tử vẫn còn rất hạn chế.

"Thực tế này đang ngăn cản các cổ đông của công ty đại chúng trong việc thực hiện quyền lợi hợp pháp trong tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác – đặc biệt là đối với cổ đông nước ngoài do khoảng cách địa lý và khác biệt múi giờ, rất khó khăn trong việc trực tiếp dự họp và bỏ phiếu", phía HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Ngân hàng này cho rằng quy định này tại dự thảo Nghị định có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của cổ đông.

Tuy nhiên, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) lại kiến nghị bỏ quy định này.

Lý do được MBS đưa ra là việc quy định cụ thể các hình thức họp của Đại hội đồng cổ đông trong quy chế này sẽ không linh hoạt và chủ động cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng công nghệ số hiện nay và không tiên lượng được các hình thức họp khác trong tương lai có thể phát sinh.

"Quy chế nội bộ chỉ cần quy định chung về chính sách doanh nghiệp được phép áp dụng các công nghệ thông tin để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phù hợp theo quy định của pháp luật và quy định của doanh nghiệp từng thời kỳ, còn chi tiết các hình thức họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc các hình thức khác sẽ được quy định cụ thể tại các văn bản nội bộ khác của doanh nghiệp và Đại hội đồng cổ đông ủy quyền cho HĐQT quy định cụ thể các hình thức họp này", phía MBS nêu quan điểm.

Trường hợp giữ nguyên quy định này, MBS kiến nghị cơ quan soạn thảo nghị định làm rõ, cụ thể hóa các nội dung về các hình thức họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc các hình thức khác để tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông cần có và phải quy định trong Quy chế nội bộ này để doanh nghiệp tuân thủ thực hiện.

Liên quan đến ý kiến của MBS, ban soạn thảo nghị định cho biết việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Theo ban soạn thảo, đây cũng là nội dung liên quan đến quản trị công ty được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 41 Luật Chứng khoán: “Công ty đại chúng quy định tại Quy chế nội bộ về quản trị công ty việc áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để cổ đông có thể tham dự và phát biểu ý kiến tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử hoặc hình thức điện tử khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty".

Do vậy, ban soạn thảo quyết định giữ như quy định tại dự thảo.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết đã tổ chức đại hội đồng cổ đông trực tuyến trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp

Nhiều ý kiến của các bên liên quan cũng đã đóng góp cho dự thảo. Trong đó, kiến nghị bỏ quy định phạt tiền với cá nhân thành viên HĐQT, Ban kiểm soát không tham dự cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, trừ trường hợp bất khả kháng không tham dự được và có văn bản báo cáo với HĐQT, Ban kiểm soát, được Công ty Chứng khoán SSI đưa ra.

Lý do là vì theo SSI, quy định như vậy có thể quá cứng nhắc và khắt khe, bởi hiện đã có “chế tài” cao nhất đối với những người này theo quy định tại Điều 160.2 Luật Doanh nghiệp là bị Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm khỏi các vị trí được bầu.

Ban soạn thảo nghị định đã tiếp thu ý kiến này và không quy định hành vi này tại dự thảo, do vấn đề này thuộc nội bộ doanh nghiệp, thuộc thẩm quyền xử lý của Đại hội đồng cổ đông doanh nghiệp.

Công ty Cổ phần Quản lý quỹ MB (MB Capital) về cơ bản nhất trí với các nội dung sửa đổi, bổ sung của dự thảo Nghị định lần này. MB Capital có đóng góp ý kiến về việc sửa đổi quy định tại khoản 35 Điều 1 của Dự thảo, sửa đổi điểm h khoản 3 Điều 33 Nghị định 156.

Hiện khoản 35 Điều 1 của Dự thảo, sửa đổi điểm h khoản 3 Điều 33 Nghị định 156 quy định như sau: "3. Hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bị xử phạt theo giá trị chứng khoán giao dịch thực tế tính theo mệnh giá (đối với cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi, chứng chỉ quỹ) hoặc theo giá phát hành gần nhất (đối với chứng quyền có bảo đảm) hoặc giá trị chuyển nhượng (đối với quyền mua cổ phiếu, quyền mua trái phiếu chuyển đổi, quyền mua chứng chỉ quỹ) như sau:

...

h) Phạt tiền 5% đến 7%  nếu đăng ký giao dịch có giá trị từ 10.000.000.000 đồng trở lên. Trường hợp mức phạt tiền cao hơn mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì áp dụng mức phạt tiền tối đa quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định này.".

MB Capital cho rằng hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch với giá trị lớn có liên quan đến hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua bán, chứng khoán. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc công bằng, công khai, minh bạch theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật chứng khoán 2019.

"Trường hợp khi có thông tin xấu liên quan đến doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện bán số lượng lớn cổ phiếu và không báo cáo về việc dự kiến giao dịch có thể khiến cổ phiếu giảm liên tục nhiều phiên, gây thiệt hại lớn từ hàng chục đến hàng trăm tỷ cho các nhà đầu tư. Dự thảo hiện tại quy định mức phạt tiền 5% đến 7%, tương đương với biên độ giảm tối đa trong một phiên giao dịch ở sàn HoSE. Chúng tôi cho rằng việc chỉ xử phạt hành chính với mức phạt này chưa đủ tính răn đe để có thể ngăn chặn hành vi vi phạm", MB Capital nhấn mạnh.

Công ty quản lý quỹ này xin đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi quy định tại điểm này lên “phạt tiền 5% đến 20%” và bổ sung quy định nếu khoản thu trái pháp luật người vi phạm có được do thực hiện hành vi vi phạm (tính thời điểm vi phạm cho đến lúc bị phát hiện/ xử phạt) có giá trị lớn thì có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.

Liên quan đến ý kiến trên, ban soạn thảo xin nghị định cho hay việc sử dụng thông tin nội nội bộ để giao dịch chứng khoán sẽ bị xử phạt với chế tài nghiêm khắc tại Điều 35 của Nghị định (10 lần khoản thu trái pháp luật).

Đối với hành vi vi phạm tại Điều 33 Nghị định, tổ chức cá nhân vi phạm nghĩa vụ báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) trước khi thực hiện giao dịch có thể xử phạt với mức phạt thấp hơn để tăng cường tính răn đe cũng như phòng ngừa cả hành vi sử dụng thông tin nội bộ để giao dịch mua bán chứng khoán.

Tại Nghị định 156 hiện nay quy định mức phạt cao nhất là 5% trong trường hợp giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên (tương ứng mức phạt 500 triệu đồng khi giao dịch với khối lượng 10 tỷ đồng). Ngoài ra tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1-3 tháng và 3-5 tháng tùy thuộc khối lượng giao dịch. "Hình thức xử phạt như vậy được đánh giá là có tính răn đe đối loại vi phạm này", ban soạn thảo nêu quan điểm.

Tại dự thảo hiện nay đang có sự sửa đổi, bổ sung, quy định xử phạt theo khung từ 5% - 7% trong trường hợp giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên (tương ứng mức phạt từ 500 - 700 triệu đồng khi giao dịch với khối lượng 10 tỷ đồng) để có thể xem xét áp dụng mức phạt trong khung khi có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.

Tuy nhiên, ban soạn thảo cho biết cũng có ý kiến cho rằng, khoảng cách mức phạt giữa hai khung phạt liền kề (khung phạt tiền từ 150 – 250 triệu đồng nếu giao dịch có giá trị từ 5 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng và khung phạt tiền từ 5% - 7% nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên) là quá rộng.

Do vậy, ban soạn thảo quyết định giảm khung phạt xuống 3% - 5% trong trường hợp giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên (tương ứng mức phạt từ 300 - 500 triệu đồng khi giao dịch với khối lượng 10 tỷ đồng).

Về khoản thu trái pháp luật, Điều 33 Nghị định 155/2020/NĐ-CP chỉ nhằm xử phạt hành vi người nội bộ và người có liên quan vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin trước và sau khi giao dịch cổ phiếu, không có việc sử dụng thông tin nội bộ trong giao dịch, do vậy không quy định về khoản thu trái pháp luật.

Trường hợp người nội bộ, người có liên quan khi giao dịch có sử dụng thông tin nội bộ sẽ phát sinh khoản thu trái pháp luật và bị xử phạt theo Điều 35 Nghị định 156/2020/NĐ-CP nếu chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp khoản thu trái pháp luật đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý theo Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi năm 2017

Một số bộ ngành cũng nêu đề nghị mới, có phần đặc thù bổ sung vào dự thảo nghị định nhưng ban soạn thảo đã từ chối.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi: “Thực hiện các giao dịch mua, bán, chuyển nhượng cổ phần của cổ đông tại các tổ chức tín dụng cổ phần dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại mà chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản”.

Lý do là bởi việc mua bán chuyển nhượng cổ phần của cổ đông tại tổ chức tín dụng cổ phần bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại phải được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm quy định này trong khi trên thực tế hiện nay có một số nhà đầu tư thực hiện việc mua bán cổ phần của tổ chức tín dụng cổ phần thông qua hình thức giao dịch khớp lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán dẫn đến cổ đông lớn trở thành cổ đông thường và ngược lại mà chưa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Ban soạn thảo nghị định cho rằng trường hợp tổ chức cá nhân vi phạm pháp luật ngân hàng được xử lý theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.

Trong khi đó, Bộ Công an đề nghị bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân để xử phạt những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán có liên quan đến an ninh, trật tự.

Ví dụ như các hành vi thao túng thị trường chứng khoán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 36 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; hành vi sử dụng thông tin nội bộ để mua, bán chứng khoán quy định tại Điều 35 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; hành vi tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán quy định tại khoản 5 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP; hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán quy định tại Điều 45 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP).

Điều này, theo Bộ Công an, là để bảo đảm phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an nhân dân.

Ban soạn thảo chia sẻ rằng thực tế cho thấy, việc thực thi thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán cũng như việc phối hợp chuyển hồ sơ xử lý hành chính, hình sự giữa UBCKNN và cơ quan công an thời gian qua không có vướng mắc phát sinh, do vậy, chưa có cơ sở để tiếp thu bổ sung tại dự thảo Nghị định về thẩm quyền xử phạt của lực lượng công an nhân dân đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán.

Tin mới lên