Tài chính

Truân chuyên cổ phần hóa: Thách thức hoàn thành mục tiêu của Quyết định 26

(VNF) - Kế hoạch cổ phần hoá tới 93 doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định 26 của Thủ tướng đã sắp đến hạn nhưng hết quý I/2020, chưa có bất kỳ doanh nghiệp trong danh mục có động thái rục rịch tiến hành. Thậm chí những thương vụ dự kiến trở thành "cú nổ lớn" cho thị trường chứng khoán có khả năng thành "bom xịt" khi dịch bệnh Covid-19 tác động quá lớn đến toàn bộ nền kinh tế và xu hướng đầu tư của nhà đầu tư.

Truân chuyên cổ phần hóa: Thách thức hoàn thành mục tiêu của Quyết định 26

Để hoàn thành được kế hoạch cổ phần hóa TKV trong năm 2020 dự báo có nhiều khó khăn, khó đạt được tiến độ theo yêu cầu.

Chuyện “muôn năm cũ”

Ngày 15/8/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo đó, có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa (CPH) đến hết năm 2020, bao gồm 4 doanh nghiệp thực hiện CPH, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên là: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank); Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1); Công ty TNHH một thành viên Khoáng sản.

Đây đều là những doanh nghiệp lớn, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần theo đánh giá là khá cao.

Nhìn lại sự ì ạch của công tác CPH và thoái vốn Nhà nước trong giai đoạn 2017 - 2019, sự kỳ vọng của thị trường đối với việc CPH theo Quyết định 26 càng lớn, đặc biệt khi “deadline” đang tới rất gần.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính cũng đang hoàn tất dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới việc cổ phần hóa DNNN. Dự thảo đề cập tới các vấn đề xử lý chi phí cổ phần hóa, các vấn đề về tài chính, xác định giá trị doanh nghiệp...

Nhiều chuyên gia và công ty chứng khoán nhìn nhận một cách tích cực, Nghị định sửa đổi nói trên có thể được ban hành ngay đầu năm 2020, sẽ tháo gỡ được các nút thắt trong vấn đề cổ phần hóa DNNN đang tồn tại. Đây có thể sẽ không hoàn toàn là động lực thúc đẩy đạt kế hoạch cổ phần hóa năm 2020 nhưng sẽ đẩy nhanh tiến độ hơn so với 2 năm qua.

Một vấn đề cố hữu được liên tục nhắc đến trong các báo cáo lý giải nguyên nhân chậm trễ cổ phần hoá, ngoài khâu tổ chức thực hiện và quyết tâm của người đứng đầu doanh nghiệp; kỷ luật chấp hành chỉ đạo của những người có trách nhiệm chưa nghiêm; còn tư tưởng e ngại, sợ mất quyền lợi nên cố tình trì hoãn, kéo dài… đó là vướng mắc trong vấn đề xử lý đất đai mà DN đang quản lý sử dụng.

Mới đây nhất là trường hợp của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

Theo Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2017 - 2020, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ trong năm 2019. Tuy nhiên, TKV đã từng đề xuất được điều chỉnh tiến độ CPH sang năm 2020.

Vừa qua, TKV tiếp tục đề nghị các cấp có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, trước mắt điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá công ty mẹ sang cuối năm 2020, trường hợp tiếp tục có vướng mắc thì tiếp tục điều chỉnh tiến độ sang năm 2021.

Nguyên nhân cụ thể được TKV nêu ra khá nhiều, trong đó nổi bật là do chưa hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất. Thực tế, diện tích đất đai mà TKV đang quản lý, sử dụng được phân bố tại 32 tỉnh, thành phố với hơn 400 cơ sở nhà, đất. Vì vậy, khó có thể đảm bảo hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án CPH để chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

Thậm chí, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Bộ Tài chính đang sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về việc sắp xếp lại và xử lý tài sản công, nên đối tượng cơ sở nhà, đất thuộc diện phải rà soát lại của TKV có thể lên tới 1.000 cơ sở nhà, đất. Do đó, để hoàn thành được kế hoạch CPH TKV trong năm 2020 dự báo có nhiều khó khăn, khó đạt được tiến độ theo yêu cầu.

Covid-19: Giọt nước tràn ly

Những tưởng, với kế hoạch cổ phần hoá 4 “ông lớn” được kỳ vọng cả thập kỷ qua như Agribank, MobiFone hay TKV vốn sẽ trở thành “big bang” khiến thị trường chứng khoán Việt bùng nổ năm 2020, giống như cách mà Vietnam Airlines, PVPower, PVOIL hay BSR... đã đạt được những năm trước.

Thế nhưng, những cú “big bang” phải nổ vào đúng thời điểm khi thị trường đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đón nhận, thị trường đủ mạnh để hút hàng tỷ USD vốn đầu tư từ trong nước cũng như nước ngoài.

Ngoài những khó khăn mà doanh nghiệp phải xử lý liên quan đến quá trình cổ phần hoá, thì chính thị trường chứng khoán đang phải vật lộn để vượt qua những thách thức khác gây nên - dịch bệnh Covid-19, không chỉ tại thị trường Việt Nam mà tác động trên phạm vi toàn thế giới.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong quý I/2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ đạt 29.500 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường cổ phiếu, tính đến ngày 23/03, chỉ số VN-Index đạt 657,43 điểm, giảm 31,6% so với cuối năm 2019. Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, giảm 24,7% so với cuối năm 2019.

Khi dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP liên quan tới việc cổ phần hóa DNNN còn chưa có động thái mới, chưa thể tháo gỡ nút thắt cho các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá, thì thị trường ảm đạm, khối ngoại bán ròng mạnh trên TTCK vì dịch bệnh Covid-19 cũng là lý do khiến nhà đầu tư khó mặn mà với những thương vụ IPO dự kiến thực hiện trong năm nay.

Mới đây, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán KB Securities (KBSV) đã đưa ra nhận định, mức độ hòa nhập và độ mở kinh tế Việt Nam hiện đã có sự khác biệt hoàn toàn so với giai đoạn dịch SARS. Tác động của dịch Covid-19 đến biến động TTCK Việt Nam chắc chắn sẽ lớn hơn nhiều.

KBSV cho rằng, Covid-19 không chỉ gây ra các ảnh hưởng lớn hơn đến tăng trưởng kinh tế trong nước, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, mà còn tác động đến các kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước...

Một điểm khác đó là hiện tượng khối ngoại bán ròng trong quá khứ là việc chỉ số VN-Index chỉ có thể tạo đáy và hồi phục bền vững khi xu hướng bán ròng kết thúc, trừ khi có các động lực riêng (thông tin thoái vốn của SCIC, cổ phần hóa doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu dầu khí hồi phục cùng xu hướng giá dầu…).

Đối với giai đoạn bán ròng hiện tại, KBSV đánh giá dòng vốn khó có thể đảo ngược trong tương lai gần nếu không xuất hiện các thông tin hỗ trợ cụ thể (dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế toàn cầu cho thấy khả năng hồi phục rõ rệt…).

Như vậy, có thể thấy, khi tình hình cổ phần hoá và thoái vốn DNNN còn đang ì ạch và chưa có một động lực rõ nét để thay đổi cục diện, dịch bệnh Covid-19 bùng nổ như “giọt nước tràn ly” khiến cho những nỗ lực từ doanh nghiệp hay cơ quan ban ngành liên quan trở thành hơi nước, không có điểm trụ.

Để giải quyết bài toán trên, không chỉ cần sự cố gắng giải quyết vấn đề từ nội tại doanh nghiệp, sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan chức năng để tháo gỡ nút thắt, mà còn là việc chờ đợi thị trường hồi phục thần kỳ sau dịch bệnh.

Tin mới lên