Tài chính quốc tế

Trung - Nga hợp sức phá vỡ 'gọng kìm' của phương Tây

(VNF) - Mối quan hệ kinh tế giữa Nga và Trung Quốc ngày càng phát triển, giúp cả hai nước phần nào phá vỡ được “gọng kìm” của phương Tây, tờ Wall Street Journal nhận định.

Trung - Nga hợp sức phá vỡ 'gọng kìm' của phương Tây

Thương mại Trung - Nga đang bùng nổ sau khi Moscow phát động chiến dịch đặc biệt lại Ukraine.

Trung Quốc đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Nga, góp phần củng cố nội lực cho quốc gia này trong chiến dịch quân sự đặc biệt Nga – Ukraine.

Dữ liệu thương mại gần đây cho thấy Bắc Kinh đang trở thành “người cung cấp hàng hóa” cho Nga, trong đó có cả các mặt hàng và linh kiện mà Nga bị các quốc gia phương Tây cấm vận.

Bùng nổ thương mại song phương

Tổng thương mại của Trung Quốc với Nga trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 đạt 134 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Nga trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc, chỉ đứng sau Australia và Đài Loan.

Dựa trên dữ liệu thương mại được công bố vào ngày 20/8, các ngành năng lượng, ô tô và thiết bị điện tử đang là những yếu tố then chốt giúp mối quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc trở nên sâu sắc hơn.

Thương mại hai chiều Trung - Nga tăng trưởng mạnh mẽ.

Theo ước tính từ Ngân hàng Phần Lan, Trung Quốc hiện chiếm từ 45% - 50% trong tổng số hàng nhập khẩu của Nga, tăng ¼ so với trước khi chiến sự Nga – Ukraine nổ ra.

Nhập khẩu hàng hóa từ Nga của Trung Quốc cũng đã tăng 17% trong 7 tháng đầu năm nay, đạt 71,1 tỷ USD. Nhờ đó, Trung Quốc đã mang đến nguồn thu không nhỏ cho nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Nga.

Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu than antraxit từ Nga trong 7 tháng đầu năm nay, tăng tới 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Song song với đó, Nga cũng trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Ở chiều ngược lại, mối quan hệ kinh tế với Nga cũng mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa của thị trường phương Tây.

Trong 7 tháng qua, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga tăng vọt tới 73%, bất chấp tổng xuất khẩu của nước này giảm 5%. Thực tế này cho thấy Nga đã trở thành một trong số ít thị trường tiềm năng cho tăng trưởng hàng hóa của Trung Quốc trong bối cảnh lãi suất tăng và tình hình địa chính trị toàn cầu ngày càng căng thẳng hơn.

Chỉ tính riêng ở thị trường ô tô, Nga đã góp phần giúp Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe lớn nhất thế giới trong năm nay. Ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế tại Pantheon Macroeconomics ở Anh, chia sẻ với tờ Wall Street Journal rằng nếu không có thị trường Nga, Trung Quốc sẽ khó trở thành nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới.

Nhờ có Nga, Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu thế giới.

Xuất khẩu ô tô từ Trung Quốc sang Nga đã tăng vọt kể từ khi các hãng xe quốc tế ngừng sản xuất và bán xe tại Nga. Theo số liệu do CEIC cung cấp, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 341.000 xe sang Nga trong 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp 6 lần so với nửa đầu năm 2022. Cũng trong khoảng thời gian này, Nga chiếm 11,4% tổng lượng xe xuất khẩu của Trung Quốc, tăng từ 3,7% trong 6 tháng đầu năm 2022.

Tính đến tháng 6/2023, 6 trong số 10 thương hiệu ô tô hàng đầu thị trường Nga là các hãng xe Trung Quốc. Đây là một bước tiến đáng kinh ngạc so với 3 năm trước khi không có thương hiệu xe Trung Quốc nào lọt top các hãng xe bán chạy ở Nga.

Phương Tây lo ngại

Mối quan hệ thương mại phát triển của hai quốc gia này đã dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang “giúp sức” cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine. Trong chuyến thăm tới Bắc Kinh vào hồi tháng 6 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu lên mối lo ngại về việc Trung Quốc cung cấp cho Nga các loại hàng hóa phục vụ cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Theo Wall Street Journal, các công ty Trung Quốc đã cung cấp chip máy tính, linh kiện máy bay chiến đấu, thiết bị định vị, công nghệ điều hướng và gây nhiễu cho phía Nga.

Theo một báo cáo của Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ, kể từ 1 năm trước, xuất khẩu thiết bị xúc đất từ Trung Quốc sang Nga bắt đầu tăng mạnh. Tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2023, số lượng máy xúc lật Trung Quốc được xuất khẩu sang Nga tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Joseph Webster, thành viên cấp cao tại Hội đồng Đại Tây Dương, phân tích sự gia tăng trong nhập khẩu các máy móc phục vụ trong xây dựng cho thấy Nga đã sử dụng chúng để dựng các rào cản chống lại những cuộc phản công từ phía Ukraine.

Mỹ lo ngại Trung Quốc cung cấp cho Nga nhiều mặt hàng quân sự.

Ông đã chỉ ra dữ liệu cho thấy sự gia tăng đáng chú ý trong xuất khẩu máy xúc của Trung Quốc sang Nga trong tháng 8 và tháng 9 năm ngoái trùng với thời điểm lực lượng Nga bắt đầu cố thủ. Rõ ràng là “các công ty Trung Quốc đã và đang tiếp tay cho Nga trong việc xây dựng ngày càng nhiều các công sự”, ông nhận định.

Tờ Reuters trích báo cáo của Ủy Ban Tình báo Hạ Viện Mỹ rằng Trung Quốc đang giúp Nga “lách” các lệnh trừng phạt của phương Tây, đồng thời trở thành “đối tác kinh tế thậm chí còn quan trọng hơn đối với Nga kể từ khi quốc gia này phát động chiến dịch đặc biệt ở Ukraine”.

Trong cuộc điện đàm với chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 2, tổng thống Mỹ Joe Biden đã chỉ ra những tác động và hậu quả nếu Trung Quốc hỗ trợ vật chất cho Nga trong cuộc xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc gửi trang thiết bị quân sự cho Nga. Bắc Kinh khẳng định quan hệ đối tác giữa Trung Quốc và Nga được thiết lập dựa trên cơ sở “không liên kết, không đối đầu và không nhắm mục tiêu vào bên thứ 3”.

Tin mới lên