Trung Quốc chưa chính thức ra đòn, các nhà sản xuất ô tô EU đã ‘nếm trái đắng’

Quang Đăng - 23/05/2024 11:29 (GMT+7)

(VNF) - Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô thuộc Liên minh châu Âu (EU) trượt dốc khi Trung Quốc đe dọa áp thuế trả đũa đối với ô tô hạng sang.

Trung Quốc đe dọa áp thuế trả đũa

Các mối đe dọa thuế quan của Trung Quốc xuất hiện khi Mỹ, EU sẵn sàng áp thuế xe điện do Trung Quốc sản xuất.

Chính phủ Trung Quốc đe dọa áp thuế trả đũa đối với xe nhập khẩu của Liên minh châu Âu và Mỹ sau động thái của EU nhằm điều tra các khoản trợ cấp xe điện của Trung Quốc và việc Nhà Trắng leo thang thuế quan đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Chiếc SUV chạy điện G-Class của Mercedes-Benz được trưng bày trong Triển lãm Ô tô Quốc tế Bắc Kinh 2024 vào ngày 25/4/2024 (Ảnh: Getty Images)

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) cho biết họ “được người trong cuộc thông báo rằng Trung Quốc có thể xem xét tăng thuế suất tạm thời đối với ô tô nhập khẩu trang bị động cơ phân khối lớn”.

CCCEU trích dẫn một cuộc phỏng vấn của Global Times với chuyên gia chiến lược ô tô trưởng của Trung Quốc khẳng định mức thuế tạm thời có thể tăng lên tối đa 25%, tức tăng 10% so với mức thuế hiện hành đối với xe nhập khẩu vào Trung Quốc là 15%.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô hạng sang châu Âu như Mercedes-Benz, BMW, Tata Motors (công ty mẹ Jaguar Land Rover) và tập đoàn Volkswagen (công ty mẹ Audi) đều giảm trong phiên 22/5, do những nhà sản xuất ô tô này xuất khẩu xe có động cơ phân khối lớn sang Trung Quốc.

Căng thẳng leo thang

Lời đe dọa thuế quan của Trung Quốc xuất hiện sau khi Ủy ban châu Âu bắt đầu một cuộc điều tra vào tháng 10 năm ngoái về những cáo buộc rằng trợ cấp của chính phủ Trung Quốc đã làm giảm giá xe điện do Trung Quốc sản xuất nhập khẩu vào các nước thành viên EU và do đó vi phạm hiệp định Hiệp định chống bán phá giá của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới).

Xe điện BYD của Trung Quốc sẽ bị áp thuế 100% nếu nhập khẩu vào Mỹ.

Hạn chót để Ủy ban áp thuế là ngày 4/7, chín tháng sau khi cuộc điều tra bắt đầu. Giám đốc thương mại của Ủy ban Valdis Dombrovskis nói với Politico rằng cuộc điều tra đang “tiến triển” vào đầu tháng này.

Tuần trước, Tổng thống Joe Biden đã công bố mức thuế mới đối với một loạt sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, với mức thuế đối với xe điện từ các công ty như BYD, Geely và NIO được đặt tăng gấp bốn lần lên 100% từ mức 25% hiện tại.

Trước đó vào ngày 22/5, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã đăng thông báo rằng thời gian lấy ý kiến ​​công chúng về thuế quan sẽ bắt đầu vào ngày 29/5 và kết thúc vào ngày 28/6. Bản thân thuế quan đối với xe điện và các hàng hóa khác sẽ bắt đầu sớm nhất là vào tháng 8.

Mặc dù doanh số bán xe điện Trung Quốc ở Mỹ khá nhỏ so với các hàng hóa khác, nhưng việc áp thuế là sự leo thang của “Chiến tranh Lạnh Mỹ-Trung”, và không có gì đáng ngạc nhiên khi Trung Quốc đe dọa đáp trả leo thang chống lại cả Mỹ và EU.

Bài toán cần giải quyết đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang hoạt động tại Trung Quốc rất phức tạp bởi thực tế là các thương hiệu này trông cậy vào thị trường tỷ dân nhiều tiềm năng này, đồng thời tìm kiếm sự bảo vệ từ các thương hiệu Trung Quốc tại thị trường nội địa của họ.

Công ty dữ liệu ô tô Motor Intelligence báo cáo người mua Trung Quốc đã mua 3,09 triệu xe hạng sang cao cấp từ các nhà sản xuất ô tô châu Âu vào năm 2022, tăng 6% so với năm trước. Motor Intelligence ước tính thị trường xe hơi hạng sang Trung Quốc sẽ đạt 154,7 tỷ USD vào năm 2024 và sau đó tăng lên 181,5 tỷ USD vào năm 2029.

Điều thú vị là một số thương hiệu như Audi, vốn có sự hiện diện lớn ở Trung Quốc, cũng đang ngày càng hợp tác với các thương hiệu địa phương để thâm nhập thị trường xe điện có tính cạnh tranh cao.

Vào đầu tuần qua, Audi công bố đã ký một thỏa thuận với công ty nhà nước của Trung Quốc có tên SAIC để phát triển xe điện mới cho thị trường nội địa Trung Quốc. Audi cho biết thỏa thuận SAIC sẽ bắt đầu với ba mẫu xe điện mới, chiếc xe điện đầu tiên sẽ có mặt trên thị trường vào năm 2025.

Theo Yahoo Finance
Vừa giáng đòn lên 18 tỷ USD hàng Trung Quốc, Mỹ kêu gọi châu Âu cùng hành động

Vừa giáng đòn lên 18 tỷ USD hàng Trung Quốc, Mỹ kêu gọi châu Âu cùng hành động

Tài chính quốc tế
(VNF) - Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) can thiệp khẩn cấp để làm giảm mức xuất khẩu ngày càng tăng của công nghệ xanh giá rẻ của Trung Quốc bao gồm các tấm pin mặt trời và tua-bin gió, thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tiến tới một cuộc chiến thương mại toàn diện.
Cùng chuyên mục
Tin khác