Tài chính quốc tế

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất đối mặt giảm phát

(VNF) - Giảm phát chỉ xảy ra ở Trung Quốc vào năm 2023 và tình trạng này vẫn tiếp diễn trong hai tháng đầu năm mới khi nước này phải vật lộn với nhu cầu sụt giảm do cuộc khủng hoảng bất động sản nghiêm trọng và tình trạng bất ổn kinh tế lan rộng hơn.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất có giá tiêu dùng âm, giảm 0,8% so với cùng kỳ trong tháng 1, ghi nhận tháng giảm thứ tư liên tiếp và là mức giảm mạnh nhất trong 15 năm.

CPI cơ bản của Trung Quốc đã ở mức dưới 1% trong 22 tháng qua.

Một số nhà kinh tế lưu ý rằng sự sụt giảm mạnh có thể là do các yếu tố mùa vụ, nhưng ngay cả như vậy, xu hướng này vẫn tiếp diễn.

Giảm phát đang đè nặng lên thu nhập hộ gia đình, thu nhập doanh nghiệp và thuế chính phủ - và theo quan điểm của Viện Tài chính Quốc tế (IIF), Bắc Kinh có một con đường đầy thách thức phía trước để lấy lại đà phục hồi.

Tính đến thời điểm đó, CPI cơ bản của Trung Quốc đã ở mức dưới 1% trong 22 tháng qua. Chỉ số giảm phát GDP của đất nước, một thước đo rộng rãi về giá cả trong nước, ở mức -0,5% so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy giảm phát trên diện rộng.

Các nhà kinh tế của IIF viết trong một báo cáo ngày 28/2 cho hay: “Dư thừa công suất trong công nghiệp và suy thoái bất động sản là thủ phạm gây ra giảm phát”, đồng thời cho biết thêm rằng điều này giải thích tại sao giá hàng hóa lại giảm mạnh hơn dịch vụ.

Tình trạng suy thoái đang diễn ra của thị trường bất động sản Trung Quốc đã làm giảm giá các mặt hàng gia dụng và nhà ở. Theo IIF, doanh số bán nhà đã giảm 6,5% trong năm ngoái và kéo theo giá thiết bị gia dụng, đồ nội thất... giảm theo.

Các nhà kinh tế của IIF cho biết: “Một khi kỳ vọng về tình trạng giảm phát tiếp theo được hình thành, người tiêu dùng và nhà đầu tư sẽ cắt giảm chi tiêu của họ”.

"Giảm phát sẽ làm giảm GDP danh nghĩa và do đó làm tăng tỷ lệ nợ/GDP và làm trầm trọng thêm khoản nợ tồn đọng. Giá bất động sản giảm và hiệu ứng tiêu cực đang gây tổn hại cho đầu tư và tiêu dùng”, báo cáo của IIF nêu rõ.

Dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho thấy chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của Trung Quốc đã giảm xuống 49,1 trong tháng 2 từ mức 49,2 trong tháng 1. Chỉ số PMI dưới mức 50 thường cho thấy sự suy thoái trong nền kinh tế hoặc ngành công nghiệp.

Các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm 11 tháng liên tiếp trong chỉ số PMI sản xuất của NBS, trong khi số việc làm trong khu vực nhà máy sụt giảm kéo dài một năm cho thấy tình trạng căng thẳng kéo dài đối với các doanh nghiệp.

Xem thêm >> FDI xuống thấp kỷ lục, Trung Quốc kêu gọi DN nước ngoài chia sẻ khó khăn

Tin mới lên