Trung Quốc ‘nổ súng’ khởi động bán trái phiếu 140 tỷ USD để thúc đẩy nền kinh tế

Vy Ba - 14/05/2024 09:15 (GMT+7)

(VNF) - Chính quyền Trung Quốc đã khởi động kế hoạch bán 1.000 tỷ nhân dân tên (140 tỷ USD) trái phiếu dài hạn, khi Bắc Kinh tăng chi tiêu để kích thích nền kinh tế.

Tài trợ cho các dự án dài hạn

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các nhà môi giới tư vấn về việc định giá đợt bán trái phiếu chính phủ đầu tiên, hãng tin Financial Times (FT) dẫn lời hai nhà môi giới nhận được yêu cầu cho hay.

Chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch bán trái phiếu này trong phiên họp thường niên của cơ quan lập pháp nước này vào tháng 3, cho biết kế hoạch này sẽ hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng và củng cố động lực kinh tế trong quý II trong bối cảnh cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có hồi kết.

Kế hoạch bán 1.000 tỷ nhân dân tên (140 tỷ USD) trái phiếu dài hạn nhằm tạo ra một quỹ thúc đẩy đầu tư và ổn định tăng trưởng cho nước này.

“Việc bán trái phiếu là một phần quan trọng trong nỗ lực phối hợp nhằm hỗ trợ các dự án quan trọng, cấp bách và đầy thách thức, cần thiết cho quá trình hiện đại hóa nền kinh tế”, ông Liu Sushe, phó chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, cho biết trong một cuộc họp ngắn vào giữa tháng 4.

“Đây đều là những dự án đã được dự định từ lâu nhưng chưa thể thực hiện và cần có sự chỉ đạo của cấp trung ương”, vị quan chức này cho hay.

Động thái này diễn ra sau khi các ngân hàng khu vực của Trung Quốc đổ vào trái phiếu chính phủ dài hạn trong quý đầu năm nay khi họ tìm kiếm nơi trú ẩn khỏi những biến động trên thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc. Điều này khiến chi phí vay của chính phủ xuống mức thấp kỷ lục.

Trung Quốc đã bán trái phiếu dài hạn tương tự vào năm 2020 khi 1.000 tỷ nhân dân tệ được huy động để cố gắng kiểm soát đại dịch Covid-19 và thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng. Trái phiếu được bán lần này dự kiến sẽ có kỳ hạn dài hơn nữa, như một cách tài trợ cho các dự án dài hạn đồng thời giảm bớt gánh nặng nợ nần của chính quyền địa phương.

Trái phiếu mới khác với trái phiếu chính phủ thông thường ở chỗ số tiền huy động được là dành cho các mục đích cụ thể. Đây là đợt phát hành trái phiếu chính phủ đặc biệt thứ tư, sau đợt bán năm 1998 để tái cấp vốn cho các ngân hàng nhà nước và năm 2007 để thành lập quỹ đầu tư quốc gia.

Việc bán ra dự kiến sẽ cải thiện tính thanh khoản trên thị trường trái phiếu dài hạn của Trung Quốc, loại trái phiếu mà các nhà đầu tư trước đây có xu hướng nắm giữ cho đến khi đáo hạn.

Định hình lại cơ cấu nợ

Trung Quốc đang cố gắng chuyển nền kinh tế ra khỏi mô hình tăng trưởng được thúc đẩy bởi đầu tư vào bất động sản và cơ sở hạ tầng, vốn khiến các khoản nợ của chính quyền địa phương tăng vọt.

Ông Jameson Zuo, giám đốc CSPI Credit Rating Co có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết việc bán trái phiếu “diễn ra vào thời điểm quan trọng để Trung Quốc định hình lại cơ cấu nợ của mình”. 

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường.

Ông Zuo nói thêm: “So với tiêu chuẩn toàn cầu, Trung Quốc vẫn còn dư địa đáng kể, có khả năng phát hành trái phiếu trị giá hàng nghìn tỷ nhân dân tệ trong vòng 5 đến 10 năm tới, để chính quyền trung ương sử dụng nhiều đòn bẩy hơn và thúc đẩy đầu tư”.

Thủ tướng Lý Cường cho biết trong năm nay rằng nhiều trái phiếu dài hạn hơn dự kiến sẽ được phát hành trong những năm tiếp theo nhằm củng cố các lĩnh vực quan trọng như an ninh lương thực, năng lượng và chuỗi cung ứng sản xuất.

Theo hai người nhận được yêu cầu từ ngân hàng trung ương, đợt trái phiếu mới đầu tiên được phát hành sẽ có giá trị từ 80 tỷ Rmb đến 100 tỷ Rmb. Họ cho biết hầu hết sẽ có kỳ hạn 30 năm nhưng cũng sẽ có một số trái phiếu kỳ hạn 50 năm.

Bộ tài chính sẽ triệu tập các quan chức từ các ngân hàng thương mại hàng đầu của đất nước vào ngày 13/5 để thu xếp việc bảo lãnh phát hành trái phiếu dài hạn, theo một thông báo nội bộ gửi tới một số ngân hàng.

Kế hoạch bán hàng đã được đệ trình lên hội đồng nhà nước để xem xét, trong khi Bộ tài chính và Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng tham gia điều phối việc bán hàng.

Vào tháng 4, PBoC đã gợi ý rằng họ cũng sẽ xem xét việc mua những trái phiếu này trên thị trường thứ cấp khi thời điểm thích hợp, điều này “sẽ giúp họ kiểm soát lãi suất liên ngân hàng tốt hơn”, bà Zhi Xiaojia, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại Crédit Agricole, cho biết.

Bà dự đoán việc mua bán sẽ bắt đầu từ tháng 6 và hoàn thành vào quý III năm nay.

Bà Zhi cho biết các nhà đầu tư “đáng lẽ phải chuẩn bị đầy đủ cho việc tăng nguồn cung trái phiếu chính phủ từ cuối quý II”, sau khi Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định gồm 24 thành viên hàng đầu, cho biết vào cuối tháng 4 rằng việc bán như vậy sẽ bắt đầu “càng sớm càng tốt” để tài trợ cho việc kích thích và thúc đẩy nhu cầu.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Trung Quốc, tỷ lệ nghịch với giá, ổn định ở mức khoảng 2,5-2,6%, mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, sau khi giảm mạnh từ hơn 3% vào năm ngoái.

Ming Ming, nhà kinh tế trưởng tại Citic Securities cho biết, việc phát hành trái phiếu sắp tới sẽ giúp đáp ứng nhu cầu và có khả năng hỗ trợ mục tiêu của ngân hàng trung ương là tăng lãi suất dài hạn một cách vừa phải.

Tuy nhiên, Zuo của CSPI cho biết lợi suất có thể vẫn “ổn định” ngay cả sau khi bán trái phiếu, vì sự thiếu hụt các tài sản có thể đầu tư khác sẽ khiến các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu chính phủ.

Theo Financial Times
Trung Quốc tham vọng dẫn đầu cuộc đua tiền điện tử: Còn nhiều gian nan

Trung Quốc tham vọng dẫn đầu cuộc đua tiền điện tử: Còn nhiều gian nan

Tài chính quốc tế
(VNF) - Trung Quốc nghiên cứu tiền kỹ thuật số từ năm 2014 và thử nghiệm đầu tiên tại một số thành phố vào năm 2020. Tuy nhiên, cho tới nay vẫn có nhiều rào cản để tham vọng dẫn đầu cuộc đua tiền điện tử của Trung Quốc thành hiện thực.
Cùng chuyên mục
Tin khác