Tài chính quốc tế

Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện hàng tỷ USD ở nước láng giềng

(VNF) - Với sự hợp tác của các công ty Trung Quốc, dự án thủy điện Kazarma của chính phủ Kyrgyzstan được kỳ vọng sẽ giúp đảo ngược tình hình thiếu hụt điện năng cũng như tạo ra nguồn thu mới cho quốc gia này.

Trung Quốc xây dựng nhà máy thủy điện hàng tỷ USD ở nước láng giềng

Kyrgyzstan ký thỏa thuận với một số công ty Trung Quốc để xây dựng dự án thủy điện quan trọng.

Chính phủ Kyrgyzstan mới đây đã ký thỏa thuận hợp tác với các công ty Trung Quốc để xây dựng dự án thủy điện Kazarma. Các nhà đầu tư Trung Quốc tham gia dự án này bao gồm PowerChina Northwest Engineering, Green Gold Energy (GGE) và China Railway 20th Bureau Group (CR20G).

Theo kế hoạch, dự án thủy điện Kazarma sẽ được hoàn thành vào năm 2023 với công suất lắp đặt 1.160 MW – tương đương 17% sản lượng điện của Kyrgyzstan với 4 nhà máy thủy điện trên sông Naryn, bao gồm Ala-Buga, Kara-Bulung-1, Kara-Bulung-2 và Toguz-Toro.

Thỏa thuận giữa chính phủ Kyrgyzstan và các công ty Trung Quốc có chi phí ước tính từ 2,4 tỷ - 3 tỷ USD, biến nó trở thành một trong những liên doanh thủy điện đầy tham vọng của đất nước Trung Á này.

Khu vực xây dựng dự án thủy điện Kazarma.

Kyrgyzstan từ lâu đã phụ thuộc vào thủy điện để duy trì mạng lưới điện quốc gia. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Kyrgyzstan đang phải vật lộn với tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc khi mực nước tại các hồ thủy điện liên tục giảm. Bộ trưởng Năng lượng Kyrgyzstan cho biết quốc gia này sẽ thiếu hụt 3 tỷ kWh điện trong năm 2023 và con số có thể lên tới 5 – 6 tỷ kWh vào năm 2026.

Dự án thủy điện Kyrgyzstan lần đầu tiên được đưa vào thảo luận từ năm 2013 với một số nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgyzstan và Trung Quốc. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư ban đầu quá lớn cùng với phản ứng chậm chạp của chính phủ và những vụ bê bối tài chính xung quanh các thỏa thuận xây dựng cơ sở hạ tầng đã khiến dự án quy mô lớn như Kyrgyzstan bị đình trệ.

Trong lễ ký kết thỏa thuận, Tổng thống Japarov tin rằng dự án thủy điện này không chỉ bù đắp cho sự thiếu hụt trong sản xuất điện của Kyrgyzstan mà còn giúp quốc gia này có thể kiếm được hàng trăm triệu USD bằng cách xuất khẩu điện.

Dự án thủy điện này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ của các quốc gia Nam Á.

Các nghiên cứu trong nhiều năm của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Phát triển châu Á đã dự đoán rằng sự phát triển hợp lý của thủy điện tại khu vực này có thể giúp Kyrgyzstan xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng ở Trung và Nam Á cũng như Trung Quốc.

Tuy nhiên, bên cạnh những triển vọng mà dự án mang lại, nhiều chuyên gia lo ngại rằng nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác. Chuyên gia năng lượng Batyrkul Baetov cho rằng mặc dù dự án thủy điện này sẽ giúp đảo ngược tình trạng thiếu hụt điện tại Kyrgyzstan nhưng việc phụ thuộc vào các nhà đầu tư nước ngoài khó có thể giúp quốc gia này đạt được thỏa thuận như mong muốn. Bên cạnh đó, dự án đầy tham vọng này có thể làm trầm trọng thêm tình hình chính trị vốn đã đang căng thẳng do liên quan đến nguồn nước của các quốc gia ở khu vực Trung Á.

Tin mới lên