Diễn đàn VNF

TS Nguyễn Xuân Thành: ‘Lãi suất có thể tăng trong năm 2019 để bảo vệ VND’

(VNF) - ‘'Năm 2019, lãi suất có thể tăng để bảo vệ giá trị tiền đồng. Cái này gắn rất chặt với lộ trình tăng lãi suất của FED (Cục Dự trữ Liên bang Mỹ)”, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành đến từ trường Đại học Fullbright nhận định tại hội thảo tổng quan thị trường tài chính 2018 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức ngày 20/12.

TS Nguyễn Xuân Thành: ‘Lãi suất có thể tăng trong năm 2019 để bảo vệ VND’

TS Nguyễn Xuân Thành: ‘Lãi suất có thể tăng trong năm 2019 để bảo vệ VND’

Có hay không việc tăng lãi suất cho vay trong năm 2019 là vấn đề thu hút sự quan tâm của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý và nhà đầu tư tại hội thảo.

“Vấn đề lãi suất là ẩn số mà bản thân tôi chưa có câu trả lời”, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành đến từ Đại học Fullbright nói.

Từ tháng 10/2018, thị trường đã chứng kiến cuộc đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng thương mại, cả ngân hàng lớn lẫn ngân hàng nhỏ. Càng đến cuối năm mức tăng càng cao. Hiện, lãi suất huy động của một số ngân hàng cao nhất là 8,8%/năm, gây nhiều áp lực lên lãi suất cho vay.

Trong báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng áp lực lên lãi suất vẫn còn kéo dài trong thời gian tới, mức lãi suất cao sẽ còn duy trì quanh mức hiện tại đến cuối Tết âm lịch. Nguyên nhân là gần đến giờ “G”, các ngân hàng phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40% vào đầu năm 2019 theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, đồng thời nhu cầu tín dụng lớn cuối năm cũng tạo sức ép đẩy lãi suất tăng cao.

Diễn biến trên thị trường liên ngân hàng cho thấy lãi suất các kỳ hạn tăng mạnh và tạo mặt bằng mới quanh ngưỡng 5%.

Hai thước đo chính mà các chuyên gia kinh tế đề cập gồm lãi suất vay qua đêm và lãi suất kỳ hạn 3 tháng của tiền đồng liên tục tăng kể từ quý II và đang ở mức tương ứng là 4,6% và 5,2%. Lãi suất vay qua đêm USD đang ở quanh mức 2,3%/năm. Đáng chú ý, giá trị giao dịch bình quân tăng mạnh và tiệm cận mức đỉnh năm 2012. Tất cả những điều này đều cho thấy, sức ép rất lớn thị trường liên ngân hàng.

“Liệu rằng đây chỉ tăng lãi suất mang tính thời vụ vào những tháng cuối năm. Hay nó là dấu hiệu về việc điều chỉnh lãi suất tăng trong năm 2019?”, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành nêu vấn đề.

Tuy nhiên, sau khi phân tích tình hình thế giới, đặc biệt động thái tăng lãi suất lần thứ 4 của FED trong năm 2018 vừa xảy ra hôm 19/12, ông Thành cho rằng nhiều khả năng lãi suất cho vay năm 2019 tại Việt Nam sẽ tăng.

“Năm 2019, có thể lãi suất sẽ tăng để bảo vệ giá trị tiền đồng”, ông Thành nói. Tuy nhiên, tăng ở mức độ nào thì sẽ phụ thuộc vào điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Ông Thành nói thêm, việc điều chỉnh lãi suất ở Việt Nam sẽ gắn chặt với lộ trình tăng lãi suất của FED.

Theo đó, lãi suất cơ bản đồng USD đã được nâng lên khoảng 2,25-2,5% vào đêm 19/12. Trong năm 2019, FED dự kiến sẽ có thêm 2 lần nâng lãi suất, thay vì dự kiến tăng 3 lần như hồi tháng 9. Trong năm 2020, FED dự kiến tăng lãi suất 1 lần.

Cùng nhận định với Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia tài chính – ngân hàng Lê Xuân Nghĩa nói: “Áp lực tăng lãi suất vẫn còn do Mỹ tăng lãi suất và giảm tăng trưởng tín dụng. Giảm tăng trưởng tín dụng đồng nghĩa với giảm cung tiền. Giảm cung tiền thì chắc chắn lãi suất sẽ tăng lên. Còn tăng lên ở mức độ nào thì nó còn phụ thuộc vào cách thức điều hành của ngân hàng trung ương và các dòng vốn khác”.

Những “dòng vốn khác” mà ông Lê Xuân Nghĩa đề cập bao gồm thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu chính phủ.

“Liệu thị trường cổ phiếu có thay thế được phần nào vốn ngân hàng không? Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể thay thế chút nào cho hoạt động tín dụng không? Huy động trái phiếu chính phủ ở mức độ nào? Nếu huy động trái phiếu chính phủ quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến lãi suất cho vay trên thị trường”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa phân tích.

Theo "Báo cáo Giám sát Trái phiếu Châu Á" của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), thị trường trái phiếu Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 5% mỗi quý và 15,7% cả năm, lên tới 53 tỷ USD vào cuối tháng 9. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ đạt quy mô 3 tỷ USD.

Các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính ở nước ta hiện nay đang "lệch chân". Trong nhiều năm liên tiếp, hệ thống ngân hàng thương mại phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn rất hạn chế. Sự mất cân bằng về cơ bản đè nặng áp lực lên cho lĩnh vực ngân hàng.

Mặc dù có nhiều diễn biến khó lường trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2019 nhưng Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia duy trì dự báo lạc quan rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 7% trong năm tới.

Tuy nhiên, để đạt kết quả này, chính phủ cần cải cách thể chế và môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nhằm gia tăng đầu tư tư nhân; tái cơ cấu kinh tế cần phải thực hiện triệt để; chuyển đổi sâu và rõ nét hơn mô hình tăng trưởng nhằm tận dụng được những cơ hội đến từ yếu tố quốc tế. Đó là xu hướng dịch chuyển sản xuất do tác động của chiến tranh thương  mại; triển  vọng  tích  cực  từ  các  hiệp  định  thương  mại  thế  hệ  mới  như CPTPP, EVFTA và một số các FTAs... 

Lạm phát có thể kiểm soát ở mức khoảng 4% nếu việc điều chỉnh giá dịch vụ công được kiểm soát chặt chẽ.

Tin mới lên