Tài chính

Mở 'xa lộ' cho trái phiếu doanh nghiệp

(VNF) - “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp èo uột một cách thảm hại, quy định về phát hành khắt khe, phi thực tế”, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nói với VietnamFinance.

Mở 'xa lộ' cho trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường trái phiếu chính là "thuốc" cho "bệnh" vốn mỏng của doanh nghiệp

Thị trường vốn: Chân cao chân thấp

Là một chuyên gia kinh tế nhưng cũng đồng thời là doanh nhân có nhiều năm lăn lộn trên thương trường, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa nhận định: “Nền tảng tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam rất yếu. Các doanh nghiệp, cách này hay cách khác đều đang ở trạng thái khởi nghiệp, hiểu theo lối 'tay không bắt giặc', nền tảng tài sản thấp nên thiếu vốn trung và dài hạn là căn bệnh kinh niên”.

Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, một nền kinh tế lành mạnh phải bao gồm 3 kênh dẫn vốn chính là ngân hàng, bảo hiểm và thị trường chứng khoán, trong đó chú trọng đặc biệt tới trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán tại Việt Nam cũng là thị trường mới, số lượng doanh nghiệp niêm yết chưa nhiều, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Ngay cả những doanh nghiệp đã niêm yết, rất nhiều doanh nghiệp không thu hút được nhà đầu tư.

"Chính vì vậy, họ phải dựa vào ngân hàng là chính. Mà điều kiện vay vốn của ngân hàng, đặc biệt là vốn dài hạn ở Việt Nam khá khắt khe. Vốn dài hạn đang chảy vào trái phiếu chính phủ, đầu tư bất động sản, chứng khoán…Phần vốn dài hạn dành cho khu vực sản xuất kinh doanh rất ít”, ông Nghĩa phân tích về những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa

Một khảo sát về thực trạng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp mới đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng phản ảnh thực tế này với 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Tuy vậy, dư nợ tín dụng của mô hình doanh nghiệp này ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước. Trong khi đó, khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác cũng rất hạn chế.

Trong nhiều năm liên tiếp, hệ thống ngân hàng thương mại phải thực hiện vai trò cung ứng vốn cho cả nền kinh tế trong khi sự tham gia của các định chế phi ngân hàng còn rất hạn chế. Sự mất cân bằng về cơ bản đè nặng áp lực lên cho lĩnh vực ngân hàng.

Ông Fiachra MacCanna – Giám đốc Điều Hành Công ty cổ phần Chứng Khoán TP.Hồ Chí Minh (HSC) cho biết áp lực cung ứng vốn dồn cả nên ngân hàng dẫn tới việc nhiều ngân hàng thương mại hiện nay đang thiếu – khó khăn trong việc áp dụng Basel 2.

Nguồn: Ông Fiachra MacCanna – Giám đốc Điều Hành HSC

“Trái phiếu doanh nghiệp là một nguồn vô cùng quan trọng để giải quyết bài toán thiếu vốn trung, dài hạn, phải tăng thị trường này lên. Đặc biệt là với công ty khởi nghiệp, người ta cần vốn để làm ăn, không thể chỉ trông chờ ngân hàng”, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa “bốc thuốc” cho căn bệnh vốn mỏng của doanh nghiệp.

Thế nhưng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại “èo uột một cách thảm hại”, theo lời ông Lê Xuân Nghĩa.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đồng quan điểm với ông Lê Xuân Nghĩa.

Ông Cấn Văn Lực nói với VietnamFinance: “Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thực tế đã được hình thành từ năm 2005 – 2006 nhưng phát triển rất chậm, quy mô nhỏ bé, tương đương xấp xỉ 1,5% GDP”.

Ông Ketut Kusuma Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam có quy mô nhỏ bé so với các nước khác trong khu vực.

Tại các thị trường như Singapore, Phillipines, Thái Lan, đối tượng nhà đầu tư phi ngân hàng thương mại chiếm 30 - 50% thị phần đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.

Về kỳ hạn phát hành, tại thị trường Việt Nam, do nhà đầu tư chính trên thị trường vẫn là các ngân hàng thương mại nên kỳ hạn chủ yếu tập trung từ 3 - 5 năm. Các loại trái phiếu doanh nghiệp kỳ hạn dài trên 5 năm còn khá khiêm tốn (ước tính chiếm khoảng 10 - 15% giá trị phát hành) và chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng, hoặc trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh thanh toán của các tổ chức quốc tế.

Nguồn: Ông Ketut Kusuma, Chuyên gia cao cấp về Thị trường vốn của WB

Dỡ bỏ rào cản

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa “bắt bệnh”  thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Quy định pháp luật về phát hành trái phiếu là khắt khe, phi thực tế.  Ví dụ như bắt doanh nghiệp phải 3 năm liên tiếp có lãi, mà doanh nghiệp khởi nghiệp thì lấy đâu ra? Doanh nghiệp khởi nghiệp lấy đâu ra lịch sử tài chính. Nhưng người ta phải có quyền chào bán trái phiếu vì có nhiều nhà đầu tư mạo hiểm người ta thấy triển vọng người ta vẫn đầu tư. Đầu tư nhìn vào tương lai chứ đâu phải nhìn vào quá khứ”.

Từ năm ngoái, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 90 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng “cả năm trời không thấy tăm hơi đâu”, ông Nghĩa thở dài.

Một số quy định của Dự thảo đưa ra sẽ làm giảm tính hấp dẫn từ kênh huy động vốn này như: khống chế các giao dịch trái phiếu thứ cấp ở mức dưới 100 nhà đầu tư; không cho phép sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet để giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, việc cần kíp bây giờ là hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn, tạo điều kiện cho cung - cầu vốn gặp nhau, “chứ không nên tạo ra nhiều hàng rào kỹ thuật can thiệp vào tính thị trường trên thị trường vốn".

Ở góc độ khác, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng trở ngại lớn nhất cho trái phiếu doanh nghiệp hiện nay là sự minh bạch.

Theo ông Lực, sự thiếu minh bạch của các doanh nghiệp Việt là yếu tố khiến các nhà đầu tư còn e dè khi lựa chọn trái phiếu doanh nghiệp: “Bản thân doanh nghiệp chưa muốn minh bạch. Cơ quan quản lý nhà nước thiếu cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp. Thông tin về doanh nghiệp rất thiếu và yếu. Nhà đầu tư muốn tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp thường không có, hoặc nếu có thì nó không cập nhật”.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực, Giám đốc trường đào tạo BIDV

Về dài hạn, ông Cấn Văn Lực đề nghị “sớm cho phép thành lập tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, để tổ chức này xếp hạng tín nhiệm cho các doanh nghiệp trong nước khi họ muốn phát hành trái phiếu”.

Cũng theo ông Lực, hàng hóa tại thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa nhiều nên thanh khoản thấp, vì vậy khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu muốn bán đi cũng khó khăn và chi phí tốn kém.

“Cần đa dạng hóa sản phẩm trái phiếu: trái phiếu bình thường/trái phiếu dự án, trái phiếu công trình, trái phiếu bất động sản…”, ông Lực nói.

Tin mới lên