Ngân hàng

Từ nền tảng đang có, nhìn về tham vọng lớn của MB

(VNF) - Hoạt động kinh doanh truyền thống của ngân hàng mẹ cùng với mảng bảo hiểm vẫn sẽ là những lực đẩy lợi nhuận quan trọng của MB không chỉ trong năm nay mà trong cả giai đoạn 2019 - 2024. Trường hợp cần thiết, dư địa giảm trích lập dự phòng cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể. Nhưng như vậy có thể là chưa đủ.

Từ nền tảng đang có, nhìn về tham vọng lớn của MB

Mặc dù đến nay, MB đã là ngân hàng phục vụ đại chúng nhưng "cái lõi quân đội" vẫn có tầm quan trọng chiến lược.

Ngày 4/11 vừa qua, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã chính thức đổi nhận diện thương hiệu và ngay lập tức "gây bão" dư luận. Khen có, nhưng chê cũng nhiều. Một sự kiện đặc biệt cho dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập ngân hàng đã ghi dấu trong lòng khách hàng cũng như công chúng theo chiều hướng cũng thật đặc biệt.

MB được ra đời và đi vào hoạt động kể từ ngày 4/11/1994 với mục tiêu ban đầu là phục vụ các tổ chức, cá nhân trong lực lượng quân đội. Mặc dù đến nay, MB đã là ngân hàng phục vụ đại chúng nhưng "cái lõi quân đội" vẫn có tầm quan trọng chiến lược.

Một trong những lợi ích rõ rệt, có thể thấy được là khi nhìn vào tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi khách hàng (tỷ lệ CASA). Tính đến hết tháng 9/2019, tỷ lệ này ở MB đạt mức 28%, thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Tỷ lệ CASA càng lớn, ngân hàng càng có lợi thế về chi phí vốn so với các đối thủ, bởi tiền gửi không kỳ hạn có lãi suất rất thấp.

Có được điều này là nhờ các chi tiêu cho quốc phòng, từ doanh nghiệp cho đến cá nhân, đa phần đều được thực hiện qua MB. Đây là một lợi thế cực kỳ đặc thù và có tính bền vững cao.

Từ nền tảng cốt lõi này, MB đã xây dựng được một ngân hàng có quy mô tổng tài sản trên 397.000 tỷ đồng, vốn tự có trên 37.000 tỷ đồng, từ quy mô khởi điểm chỉ 32,7 tỷ đồng tổng tài sản và 20 tỷ đồng vốn tự có.

Dịp kỷ niệm 25 năm này, MB đang hướng đến mốc lợi nhuận trước thuế hợp nhất 10.000 tỷ đồng, cao hơn kế hoạch cả năm (9.560 tỷ đồng), tăng 29% so với năm 2018.

Đây là một mục tiêu tham vọng với một ngân hàng quy mô lớn như MB, trong bối cảnh đa phần các đối thủ cùng nhóm top trên chỉ duy trì mức tăng trưởng lợi nhuận khoảng dưới 20% trong năm nay, nhiều trường hợp còn thấp hơn nhiều.

Ở một khía cạnh khác, mục tiêu này thực sự tham vọng khi nhìn vào nền lợi nhuận cao của năm 2018. Tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm vừa qua của MB lên đến trên 68%.

9 tháng năm 2019, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MB ở mức 26,6%. Tính toán cho thấy, để đạt được mức lợi nhuận 10.000 tỷ đồng cho cả năm nay, quý IV, MB sẽ phải đạt tăng trưởng lợi nhuận tới 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù tham vọng, nhưng nếu mục tiêu trên là một nhiệm vụ nhân một sự kiện kỷ niệm đặc biệt, thì không khó để ngân hàng này đạt được.

Cùng với việc đổi nhận diện thương hiệu, dịp kỷ niệm 25 năm ngày thành lập, MB còn hướng đến mốc lợi nhuận hợp nhất 10.000 tỷ đồng

Thứ nhất, ngân hàng mẹ của MB với những mảng kinh doanh truyền thống như tín dụng, dịch vụ thanh toán, ngoại hối... vẫn đang tăng trưởng ổn định với tốc độ cao.

9 tháng năm 2019, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ MB đạt gần 29%, lên 7.086 tỷ đồng. Số liệu 10 tháng còn khả quan hơn khi lợi nhuận đạt hơn 8.000 tỷ đồng, nghĩa là tăng tới khoảng 1.000 tỷ đồng chỉ trong vòng một tháng, giúp ngân hàng mẹ MB hoàn thành tới 96% kế hoạch năm và việc vượt kế hoạch riêng lẻ cả năm gần như chắc chắn.

Bên cạnh sự ổn định với tốc độ tăng trưởng cao của ngân hàng mẹ, mảng bảo hiểm cũng là điểm sáng khi đem về tới 793 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng năm 2019, khác xa mức lỗ trước thuế 209 tỷ đồng của năm 2018 (riêng MB Ageas lỗ 319 tỷ đồng).

MB là ngân hàng hiếm hoi sở hữu 2 doanh nghiệp bảo hiểm ở cả mảng phi nhân thọ (MIC) và bảo hiểm nhân thọ (MB Ageas). Với tệp khách hàng khổng lồ từ ngân hàng mẹ, thông qua bán chéo sản phẩm, triển vọng tăng trưởng mảng bảo hiểm của MB là rất sáng.

Thứ ba, MB còn nhiều dư địa để giảm trích lập dự phòng. Thống kê cho thấy, nhiều năm qua, MB luôn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng, thường xuyên ở mức khoảng 100% (Xem thêm: Các ngân hàng đang bật 'chế độ phòng thủ nợ xấu' ở mức bao nhiêu?). Tính đến hết tháng 9/2019, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng này là 103%.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao cho thấy MB đang để dành ra nhiều nguồn lực để xử lý nợ xấu khi cần. Việc bền bỉ giữ tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao, khoảng 100% (tỷ lệ này cuối các năm 2015, 2016, 2017 và 2018 lần lượt ở mức 101%, 103%, 96% và 112%) cũng cho thấy ngân hàng này có truyền thống đề cao sự an toàn.

Trong quý IV/2019, nếu MB có trích lập dự phòng ít hơn thông thường vì mục tiêu lợi nhuận 10.000 tỷ đồng cho cả năm nay thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng vẫn ở mức cao so với mặt bằng chung. Và năm 2020, ngân hàng này hoàn toàn có thể bù đắp lại để giữ tỷ lệ này ở mức khoảng 100% như truyền thống.

MB bộc lộ rõ tham vọng lớn dưới thời CEO Lưu Trung Thái

Nhìn xa hơn, giai đoạn 2019 - 2024, mục tiêu của MB là đạt tăng trưởng lợi nhuận trước thuế bình quân 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm, quy mô lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng gấp khoảng 3 lần. Con số này thực sự tham vọng và chắc chắn là một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất hệ thống ngân hàng.

Hoạt động kinh doanh truyền thống của ngân hàng mẹ cùng với mảng bảo hiểm vẫn sẽ là những lực đẩy lợi nhuận quan trọng của MB không chỉ trong năm nay mà trong cả giai đoạn 2019 - 2024. Trường hợp cần thiết, dư địa giảm trích lập dự phòng cũng là yếu tố hỗ trợ đáng kể.

Nhưng như vậy có thể là chưa đủ.

Vài năm gần đây, MB đang đẩy mạnh phát triển mảng tín dụng tiêu dùng với đại diện là Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MB nắm 50% vốn điều lệ), thường được biết đến với thương hiệu MCredit.

Đây được xem là một trong những điểm nhấn và được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy lợi nhuận toàn ngân hàng MB.

Kết quả ban đầu là rất ấn tượng. Theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, nếu như năm 2017, MCredit sở hữu 1,7% thị phần tín dụng tiêu dùng thì năm 2018, thị phần đã tăng vọt lên 5,2%, lọt top 5 công ty tài chính có thị phần tín dụng tiêu dùng lớn nhất (xếp sau FE Credit: 47,3%, Home Credit: 16,9%, HD Saison: 10,1%, Shinhan Finance - tiền thân là Prudential Finance: 5,3%).

Đáng chú ý, theo tiết lộ của Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái, năm 2018, MCredit ghi nhận lợi nhuận trước thuế lên đến 320 tỷ đồng.

Trên thực tế, mức lợi nhuận ấn tượng của doanh nghiệp này trong năm 2018 là một tất yếu trong bối cảnh thị phần tăng vọt, bởi theo các hợp đồng cho vay tiêu dùng, lợi nhuận phát sinh rất nhanh sau khi bắt đầu cho vay (kể cả chưa thu được vẫn ghi nhận dự thu, song song với đó là ghi nhận vào kết quả kinh doanh), do đó quy mô cho vay tăng vọt thì lợi nhuận cũng tăng vọt.

Tuy nhiên, nguyên tắc là: lợi nhuận đến trước, nợ xấu đến sau.

9 tháng năm 2019, chi phí dự phòng hợp nhất của MB ở mức 3.676 tỷ đồng, cao hơn khá nhiều chi phí dự phòng riêng lẻ của ngân hàng mẹ là 2.547 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất mảng tài chính - ngân hàng (bao gồm ngân hàng mẹ và MCredit) 9 tháng ở mức 6.539 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 6.747 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của ngân hàng mẹ (đã loại trừ thu nhập từ công ty con).

Những số liệu trên hàm ý rằng MB đã phải tăng mạnh trích lập dự phòng cho MCredit và đây là nguyên nhân quan trọng khiến kết quả lợi nhuận 9 tháng của MCredit cũng không mấy khả quan.

Thông tin này dù thiếu tích cực nhưng có thể lường trước vì như đã đề cập, "lợi nhuận đến trước, nợ xấu đến sau". Nếu muốn duy trì lợi nhuận dương hay tham vọng hơn là duy trì tăng trưởng lợi nhuận, MB buộc phải duy trì tốc độ mở rộng thị phần cực nhanh như năm 2018 và điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Thực tế thì có trường hợp vì công ty tài chính là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngân hàng nên trước áp lực tăng trưởng, công ty tài chính không có đủ thời gian chậm lại để điều chỉnh khi gặp vấn đề. Điều này tiềm ẩn rủi ro bởi những cú sốc nhỏ nếu không được xử lý rốt ráo thì nguy cơ hình thành cú sốc lớn sẽ ngày càng cao.

MCredit hiện chưa phải là động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngân hàng nên cần ưu tiên thị phần bền vững hơn là lợi nhuận trước mắt. Số dư dự phòng rủi ro ở mức cao sẽ là "tấm đệm" hỗ trợ trong trường hợp cần thiết.

Thống kê mới nhất cho thấy, kết thúc nửa đầu năm 2019, MCredit đã vượt Shinhan Finance để lọt top 4 thị phần, tuy nhiên, quy mô thị phần mở rộng chậm hơn khá nhiều so với năm 2018, phần vì chủ động chậm lại sau một năm tăng "nóng", phần vì sự bành trướng thị phần của "cánh chim đầu đàn" FE Credit (tăng 2,2 điểm% thị phần), cùng với đó là sự cạnh tranh từ các tân binh, trong đó nổi bật lên là SHB Finance và Viet Credit.

Dù vậy, điều này lại đặt ra một bài toán: bao giờ MCredit mới đóng góp lợi nhuận đáng kể vào lợi nhuận hợp nhất của MB?

Nếu sự đóng góp này chậm hơn kế hoạch thì sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế đầy tham vọng 20%/năm giai đoạn 2019 - 2024 mà ban lãnh đạo MB đặt ra.

Trong một diễn biến mới đây, hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thân cận cho biết MB đang kỳ vọng thu về 240 triệu USD (tương đương khoảng 5.500 tỷ đồng) từ việc bán lượng cổ phần tương đương 7,5% vốn điều lệ sau phát hành. Thương vụ dự kiến hoàn tất vào cuối tháng này.

5.500 tỷ đồng vốn tự có tăng thêm sẽ giúp MB duy trì tăng trưởng tín dụng tối đa theo hạn mức cho phép trong nhiều năm tới mà vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn trên mức quy định, đồng thời cung cấp nguồn vốn giá rẻ phục vụ cho nhu cầu phát triển nói chung và hỗ trợ MCredit nói riêng.

Tin mới lên