Ngân hàng

Từ số hoá ngân hàng đến ngân hàng số

(VNF) - Số hoá dịch vụ ngân hàng hay xây dựng ngân hàng số hiện vẫn là những cách gọi chưa phân định rõ trong lộ trình chuyển đổi số hiện nay. Các ngân hàng đang đổ ra hàng nghìn tỷ và nỗ lực tìm hướng đi tối ưu cho mình trên lộ trình mới. Những gì các ngân hàng thể hiện cho thấy về cơ bản vẫn đang tối ưu hóa dựa trên ứng dụng công nghệ số đối với mảng dịch vụ ngân hàng truyền thống. Trong khi đó, những mô hình ngân hàng số tương lai đang ở những bước thử nghiệm đầu tiên.

Từ số hoá ngân hàng đến ngân hàng số

Từ số hoá ngân hàng đến ngân hàng số

Khởi đầu cho tương lai lớn

Tổng giám đốc Techcombank Jens Lottner cho biết, sau nhiều năm liền với những khoản đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin lên đến hàng trăm triệu USD và sẽ tiếp tục đầu tư thêm cỡ nửa tỷ USD tới năm 2025, Techcombank đã tận hưởng những thành quả khá lớn. Theo đó, nhờ các giải pháp đẩy mạnh số hóa, trong năm 2021, Techcombank đã thu hút thêm khoảng 1,2 triệu khách hàng mới, nâng tổng số khách hàng lên 9,6 triệu. Khối lượng và giá trị giao dịch qua kênh điện tử của khách hàng cá nhân năm 2021 lần lượt đạt 652 triệu giao dịch (tăng 70% so với năm 2020) và 9,1 triệu tỷ đồng (tăng 80,5%).

Tại VPBank, lợi thế từ hoạt động số hóa cũng giúp ngân hàng tạo ra được sự bứt phá trong thu hút lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) năm 2021 chiếm tới 23% tổng huy động của toàn ngân hàng so với mức 13,5% trong năm 2019 và 15,8% trong năm 2020. Được biết, CASA cao được nhìn nhận là một trong những yếu tố hỗ trợ ngân hàng giảm chi phí vốn và tăng trưởng hiệu quả.

Theo báo cáo thường niên năm 2021, VIB có tổng số lượng giao dịch qua ứng dụng ngân hàng di động MyVIB tăng tới 177%. Để có được con số ấn tượng này, ngân hàng đã đưa ra nhiều sản phẩm số hóa toàn diện, chẳng hạn như đăng ký và phát hành thẻ hoàn toàn trực tuyến với công nghệ eKYC và eSignature, liên kết với các đối tác bên ngoài để phát triển hệ sinh thái, giúp người dùng có thể sử dụng dịch vụ ngân hàng thuận tiện hơn…

Câu chuyện tương tự tại OCB. Với việc số hóa toàn diện, kiểm soát tốt chi phí hoạt động, trong năm 2021, OCB đã duy trì hiệu quả kinh doanh tích cực. Chỉ riêng ứng dụng OCB OMNI trong năm 2021 ghi nhận số người dùng tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với 2020. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tập trung đẩy mạnh số hóa các hoạt động nội bộ với hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80%, giúp ngân hàng tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động hiệu quả với tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) năm 2021 ở mức 26,9%, nằm trong top 3 thấp nhất ngành ngân hàng.

Theo TPBank, các ngân hàng thường sẽ mất từ 5 đến 7 ngày để xử lý một giao dịch chuyển tiền của khách hàng bị lỗi nhưng ngân hàng này chỉ 2 đến 3 ngày là giải quyết xong bởi quy trình đã được số hóa.

Thông tin của các ngân hàng đưa ra cũng như nhận định của lãnh đạo các định chế tài chính lớn “khớp” với số liệu của Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước vừa công bố. Theo cơ quan này, các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; internet banking tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; mobile banking tăng tương ứng 98,3% và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021).

Bao giờ có ngân hàng số?

Bà Nguyễn Thuỳ Dương, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn EY Việt Nam (EY Consulting Việt Nam) kiêm lãnh đạo phụ trách Chiến lược dịch vụ tài chính - ngân hàng của EY Asean, chia sẻ chuyển đổi số ở bất kỳ đâu cũng phải trải qua 3 giai đoạn: thứ nhất, tối ưu hóa về số đối với mảng dịch vụ ngân hàng truyền thống; thứ hai, tạo nền tảng số trong một ngân hàng; thứ ba, một ngân hàng số mới toàn diện.

Các ứng dụng thanh toán onlien ngày càng phát triển.

 

Cũng theo bà Dương, chuyển đổi số trong hệ thống ngân hàng Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu tiên, ví dụ như các hoạt động tối ưu hóa, số hóa dịch vụ internet banking, mobile banking.... Nếu như trước đây các quy trình đó “chạy bằng cơm” thì bây giờ chạy bằng máy hay nói cách khác, các hoạt động do con người thực hiện nay được triển khai trên nền tảng số.

Xung quanh vấn đề này, ông Tim Evans, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, cho biết: “Theo quan sát của chúng tôi, nhiều ngân hàng ở Việt Nam cũng đã chủ động triển khai số hóa quy trình nội bộ như hệ thống giao dịch thời gian thực và các kênh đầu cuối như định danh khách hàng trực tuyến, thanh toán bằng mã QR… Một số ngân hàng cũng đã đưa vào kế hoạch ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn, API mở, chuỗi khối hay trí tuệ nhân tạo”.

“Phần lớn các ngân hàng Việt Nam đã và đang triển khai ngân hàng số ở mức độ một là số hoá thông tin hay nói một cách khác là chuyển dữ liệu từ dạng vật lý sang kỹ thuật số. Mức độ hai, số hoá quy trình, là rất hiếm và với mức độ ba, chuyển đổi số, nghĩa là số hoá toàn diện vẫn chưa có ngân hàng được gọi tên”, một chuyên gia về công nghệ nói.

Cũng trong diễn biến có liên quan, theo McKensey, 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động. Một báo cáo của EY cho biết, 42% ngân hàng Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số, 28% đã triển khai chiến lược số hóa trong hoạt động kinh doanh.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tại sự kiện “Chuyển đổi số ngành ngân hàng” diễn ra vào đầu tháng 8, ngành ngân hàng đã đặt ra các mục tiêu rất “vừa sức” đến năm 2025. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng cho biết: đó là 50% các nghiệp vụ ngân hàng được số hóa; 50% khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng khách hàng cá nhân được số hóa, tự động; 70% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; 70% hồ sơ công việc được lưu trữ / xử lý trên môi trường số …

Chủ tịch EY Consulting Vietnam nhấn mạnh: “Nếu ngân hàng nào tuyên bố rằng đang làm ngân hàng số thì các anh chị cần hiểu ngân hàng số là khái niệm rất rộng. Chuyển đối số nên được nhìn nhận là con đường đi hơn là đích đến”.

Khảo sát của McKinsey (giai đoạn 2015 – 2021) đã báo hiệu xu hướng số đang bùng nổ tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2021, 82% khách hàng cá nhân Việt Nam tích cực sử dụng ngân hàng số, tỷ lệ này tăng 41 điểm %. Đồng thời, 75% khách hàng cá nhân Việt Nam sử dụng kết hợp dịch vụ ngân hàng số và chi nhánh giao dịch vật lý. Đó chính là điểm thuận lợi trên con đường đi tới ngân hàng số thực sự của các ngân hàng Việt Nam.

Tin mới lên