Từ 'sóng' DBC nhìn về chu kỳ cổ phiếu chăn nuôi

Bằng Lai - 28/09/2023 09:29 (GMT+7)

(VNF) - Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Hà Thu Hiền, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo là đại diện rõ nhất cho các cổ phiếu ngành chăn nuôi. “Giá cổ phiếu ngành chăn nuôi heo khá nhạy cảm với giá heo hơi trên thị trường hàng hóa, do đó có thể quan sát giá heo hơi để đưa ra những quyết định đầu tư vào các cổ phiếu ngành chăn nuôi heo”, bà Hiền cho hay.

VNF
Từ 'sóng' DBC nhìn về chu kỳ cổ phiếu chăn nuôi

“Sóng” DBC

Giai đoạn 2020 - 2023, một trong những cổ phiếu đem lại nhiều cảm xúc nhất cho nhà đầu tư phải kể đến DBC của Tập đoàn Dabaco. Điểm đặc trưng và dễ thấy nhất là giá cổ phiếu DBC trong một số khoảng thời gian khá dài diễn biến gần như đồng pha với giá heo hơi trên thị trường, nhưng khác nhau về biên độ dao động.

Nhìn lại, năm 2020, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, dịch tả heo châu Phi (ASF), bão, lũ lịch sử tại các tỉnh khu vực miền Trung, biến đổi cực đoan của thời tiết, khí hậu gây ra, ảnh hưởng đến nguồn cung thịt heo. Dù vậy, đến hết năm 2020, tổng đàn heo nái đã hồi phục về xấp xỉ 3 triệu con, tổng đàn heo cả nước đạt trên 26 triệu con, bằng 85% tổng đầu heo so với lúc trước khi xảy ra dịch ASF.

Giá heo hơi lao dốc đầu năm 2020 nhưng tăng trở lại vào tháng 4 và chạm đỉnh kỷ lục 100.000 đồng/kg vào tháng 5 do nguồn cung bị thắt chặt. Trong thời gian này, giá cổ phiếu DBC đã tăng rất mạnh, từ mức khoảng 6.600 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh) mở phiên đầu tháng 4/2020 lên mức 16.750 đồng/cổ phiếu kết phiên cuối tháng 5/2020, thậm chí tăng đến mức 22.950 đồng/cổ phiếu cuối phiên 8/6/2020, tức là tăng gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng hơn 2 tháng. Sau đó, giá cổ phiếu DBC hạ nhiệt và chững lại cho tới cuối tháng 11/2020 trong bối cảnh giá heo hơi suy giảm trong cùng khoảng thời gian.

Mặc dù mức độ đồng pha không cao như năm 2020 do ảnh hưởng bởi diễn biến thị trường chung, nhưng năm 2022 cũng ghi nhận một số khoảng thời gian có sự đồng pha khá rõ nét giữa diễn biến giá cổ phiếu DBC và giá heo hơi. Tiêu biểu là giá heo hơi đã tăng mạnh từ cuối tháng 6, đạt đỉnh trong tháng 7, sau đó hạ nhiệt trong tháng 8 nhưng vẫn giữ ở mức cao so với mặt bằng chung trước đó. Giá cổ phiếu DBC cũng tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8. Sau giai đoạn này, giá heo hơi và giá cổ phiếu DBC cùng lao dốc nhanh chóng.

Sang đến năm 2023, khi giá heo hơi phục hồi thì giá cổ phiếu DBC cũng tăng mạnh từ tháng 5 tới nay.

Tất nhiên, không phải lúc nào giá heo hơi và giá cổ phiếu DBC cũng diễn biến đồng pha, bởi giá cổ phiếu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt là dòng tiền. Điển hình là trong năm 2021, mặc dù giá heo hơi lao dốc gần như từ đầu năm tới cuối năm nhưng giá cổ phiếu DBC vẫn đi lên mạnh mẽ, trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường chứng khoán liên tục đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

Trao đổi với Tạp chí Đầu tư Tài chính, bà Hà Thu Hiền, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, nhấn mạnh thêm rằng cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi heo là đại diện rõ nhất cho các cổ phiếu ngành chăn nuôi.

“Giá cổ phiếu ngành chăn nuôi heo khá nhạy cảm với giá heo hơi trên thị trường hàng hóa, do đó có thể quan sát giá heo hơi để đưa ra những quyết định đầu tư vào các cổ phiếu ngành chăn nuôi heo. Khi giá heo hơi có dấu hiệu tăng liên tục trong nhiều ngày sau một giai đoạn dài dao động ở mức thấp có thể là tín hiệu có thấy ngành chăn nuôi heo đang bước vào chu kỳ tăng giá. Đây là thời điểm thích hợp để đầu tư vào các cổ phiếu chăn nuôi heo nhờ triển vọng tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi heo tăng. Ngược lại, trong trường hợp giá heo hơi đã tăng nóng trong một thời gian và có xu hướng giảm trong một tháng liên tiếp, đây là dấu hiệu cho thấy ngành chăn nuôi heo có thể bước vào chu kỳ giảm giá. Đây là giai đoạn nhà đầu tư nên thận trọng trong quyết định đầu tư vào cổ phiếu ngành chăn nuôi heo do giá heo hơi giảm sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi heo”, bà Hiền khuyến nghị.

Để ý chi phí thức ăn chăn nuôi đầu vào và giá bán đầu ra

Theo bà Hà Thu Hiền, chăn nuôi là một ngành có chu kỳ. Trong đó, mỗi loại chăn nuôi có đặc trưng riêng và có thể có những yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chu kỳ. Nhìn chung, chu kỳ chăn nuôi thường được biểu hiện thông qua một số dấu hiệu như giá cả, năng suất, yếu tố cung - cầu.

Dấu hiệu đầu tiên thể hiện tính chu kỳ của ngành chăn nuôi là giá cả. Khi nguồn cung vượt quá nhu cầu, giá thị trường thường giảm; và ngược lại, khi nhu cầu vượt quá nguồn cung, giá cả tăng cao.

Dấu hiệu thứ hai là thay đổi về năng suất. Trong giai đoạn thịnh vượng của chu kỳ, năng suất của đàn vật nuôi có thể tăng cao do những người chăn nuôi thường đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của họ để tận dụng cơ hội thuận lợi. Trong khi đó, trong giai đoạn suy thoái, năng suất có thể giảm do việc đầu tư và mở rộng thường giảm khi rủi ro kinh doanh cao hơn và giảm lợi nhuận.

Dấu hiệu thứ ba là sự biến động của nguồn cung. Khi giá cả cao, nguồn cung tăng do người chăn nuôi có xu hướng tăng sản lượng để tận dụng cơ hội kinh doanh. Tuy nhiên, khi giá cả thấp, nguồn cung có thể giảm do người chăn nuôi cắt giảm quy mô hoạt động hoặc chuyển đổi sang các ngành khác.

“Một số yếu tố khác như biến động giá nguyên liệu thức ăn, biện pháp quản lý môi trường và sức khỏe động vật, thay đổi chính sách thương mại và quy định cũng có thể tác động mạnh mẽ tới ngành chăn nuôi. Nhưng cung - cầu thị trường là yếu tố cơ bản tạo ra sự biến đổi và chu kỳ trong ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, không phải tất cả các loại chăn nuôi đều có chu kỳ rõ ràng và không phải tất cả các yếu tố tác động đến ngành chăn nuôi đều tạo ra chu kỳ. Sự biến đổi và tác động của các yếu tố này cũng có thể khác nhau theo thời gian và từng loại chăn nuôi cụ thể”, chuyên gia của VNDIRECT lưu ý.

Đối với cổ phiếu chăn nuôi, bà Hiền cho rằng có thể có tính chất chu kỳ, nhưng điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm tình hình kinh doanh cụ thể của từng doanh nghiệp và các sự kiện kinh tế tác động đến thị trường chứng khoán chung. Do đó cần nghiên cứu và đánh giá cẩn thận các yếu tố này khi xem xét cổ phiếu chăn nuôi.

Trong quá trình đầu tư cổ phiếu ngành chăn nuôi, chuyên gia của VNDIRECT cho rằng nhà đầu tư nên chú ý đến những yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm chi phí sản xuất đầu vào và giá bán đầu ra sản phẩm.

Chi phí đầu vào của ngành chăn nuôi bao gồm con giống, trang trại, chi phí thức ăn chăn nuôi, chi phí thú y... Trong đó, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất trong chăn nuôi. Hiện nay, Việt Nam chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi và phụ thuộc 70% vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, do đó giá thức ăn chăn nuôi trong nước có xu hướng biến động cùng chiều với giá nông sản trên thế giới. Giá nông sản biến động tăng sẽ ảnh hưởng tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước kéo theo chi phí đầu vào tăng làm ảnh hưởng tới lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi.

Trong khi đó, đầu ra bao gồm giá bán các sản phẩm chăn nuôi được quyết định bởi yếu tố cung – cầu trên thị trường. Giá bán các sản phẩm chăn nuôi tăng sẽ có tác động tích cực lên kết quả kinh doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên thận trọng trong trường hợp giá cổ phiếu tăng quá tích cực so với triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.

Nêu nhận định về triển vọng ngành chăn nuôi hiện nay, phía VNDIRECT kỳ vọng giá heo hơi sẽ tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm 2023 nhờ nhu cầu tiêu thụ phục hồi trong khi nguồn cung sẽ tiếp tục hạn chế trong nửa cuối năm.

Trong năm 2023, VNDIRECT kỳ vọng giá heo hơi bình quân tăng 5% lên mức 59.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng giá nông sản toàn cầu duy trì xu hướng giảm trong năm 2023 nhờ nguồn cung của hầu hết các mặt hàng lương thực tăng do sản lượng được cải thiện và chi phí vận chuyển giảm. Trong đó, giá ngô và khô đậu tương được dự báo giảm 7,9% và 1,8% vào năm 2023. Do giá thức ăn chăn nuôi trong nước có độ trễ so với giá nông sản thế giới, VNDIRECT kỳ vọng chi phí thức ăn chăn nuôi sẽ giảm dần từ quý II/2023. Do đó, ước tính các doanh nghiệp sản xuất thịt sẽ ghi nhận biên lợi nhuận gộp cải thiện ở mức trung bình 2 điểm % trong năm 2023.

“Chúng tôi cho rằng giá đầu ra tăng trong khi chi phí sản xuất có xu hướng giảm sẽ có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp chăn nuôi cũng như triển vọng của cổ phiếu chăn nuôi”, chuyên gia của VNDIRECT nhấn mạnh.

Cùng chuyên mục
Tin khác