Thị trường

Tuần biến động chưa từng có của vàng: Bối rối 'găm hàng' hay 'chốt lời'?

(VNF) - Thị trường vàng trong nước đã có một tuần chưa từng có trong lịch sử khi giá vàng liên tiếp xô đổ các kỷ lục trước đó. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại đau đầu vì không biết nên bán ra hay giữ lại khi thị trường liên tục có những biến động khó lường.

Tuần biến động chưa từng có của vàng: Bối rối 'găm hàng' hay 'chốt lời'?

Ảnh minh họa.

Giá vàng phá đỉnh lịch sử

Giá vàng SJC bắt đầu tuần giao dịch từ 26/2 – 3/3 ở mức 76,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 79,02 triệu đồng/lượng chiều bán ra. Trong những ngày sau đó, giá vàng SJC liên tục đi lên và chạm mốc cao nhất từ trước đến nay vào ngày 2/3.

Trong phiên giao dịch sáng 2/3, giá vàng SJC đã vượt mốc 81 triệu đồng/lượng.

Mặc dù sau khi phá đỉnh ít giờ, giá vàng miếng có hạ nhiệt nhưng vẫn neo ở mức cao. Kết thúc phiên giao dịch tuần này, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 77,8 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 80,3 triệu đồng/lượng chiều bán ra, xô đổ mức đỉnh cũ 80 triệu đồng được ghi nhận vào tháng 12/2023. Chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới cũng được nới rộng lên 18,7 triệu đồng/lượng.

Giá vàng SJC liên tục lập đỉnh mới.

Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 cũng có kịch bản tương tự. Giá vàng nhẫn đã tăng từ mức 65,7 triệu đồng/lượng lên mức cao nhất là 67,98 triệu đồng/lượng trong ngày cuối tuần. Chênh lệch giữa chiều mua vào – bán ra của giá vàng nhẫn là 1,2 triệu đồng/lượng.

Tuần qua, thị trường vàng cũng có nhiều diễn biến đáng chú ý khác, trong đó phải kể đến việc vàng nhẫn “cháy hàng” tại nhiều đơn vị kinh doanh vàng khiến người mua “có tiền cũng không mua được nổi 1 chỉ vàng”.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình trạng khan hiếm của vàng nhẫn là điều thường xảy ra sau dịp vía Thần Tài khi sức mua người dân tăng cao. Bên cạnh đó, việc thiếu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn, vàng nữ trang cũng khiến số lượng vàng nhẫn giảm.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã có động thái mới nhất liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng. Theo đó, đại diện của NHNN cho biết chưa sửa đổi được Nghị định 24 nhưng phía NHNN đã có tờ trình đề xuất lên Thủ tướng Chính Phủ.

Ngoài ra, NHNN cũng sẽ phối hợp với Bộ Công an để thanh kiểm tra, đánh giá thị trường vàng, đặc biệt là thị trường vàng miếng. từ đó thống nhất các giải pháp quản lý thị trường vàng trong Quý I/2024 và sớm hoàn thiện báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện Nghị định 24 để trình Chính phủ.

“Tăng bán, giảm mua” liệu có đúng?

Trước cơn sốt giá vàng, nhiều nhà đầu tư chưa kịp vui đã phải đau đầu trước hai sự lựa chọn, là nên “găm hàng” hay “bán chốt lời”.

Anh Vũ Tuấn (Hà Nội) đã phải tìm đến lời khuyên của những nhà đầu tư vàng khác khi đang giữ trong tay 1 cây vàng nhẫn 9999 mua đợt vía Thần Tài năm nay.

“Chỉ trong một buổi sáng, giá vàng liên tục nhảy múa, tăng vọt ở cả hai chiều khiến tôi khá bối rối. Không bán luôn thì sợ lỡ mất cơ hội chốt lời, mà bán thì sợ giá vàng vẫn còn tăng nữa”, anh Tuấn phân trần.

Nên giữ hay bán vàng trong lúc giá lên cao?

Bên dưới bài đăng của anh Tuấn, không ít người khuyên anh nên tranh thủ bán ra để kiếm lời. “Sắp tới, Nghị định 24 được sửa đổi, giá vàng có thể sẽ giảm. Nếu bán thì nên bán luôn, tránh đêm dài lắm mộng”, một tài khoản khuyên.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng “phải bình tĩnh, giữ cái đầu lạnh” trước những biến động hiện nay của giá vàng. “Đặc thù của giá vàng trong nước là chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cao. Nếu tính từ ngày vía Thần Tài đến nay, người mua vàng nhẫn cũng mới chỉ lãi 300 – 650 nghìn đồng/lượng. Với mức lãi thấp như vậy thì không nên bán vội”, một người khác phân tích.

Một chuyên gia hoạch định tài chính cá nhân cho rằng người mua nên cẩn trọng trước sự “thất thường” của thị trường vàng trong nước.

“Giá vàng trong nước đang được ủng hộ bởi nhiều yếu tố, như môi trường lãi suất thấp hay giá vàng thế giới tăng. Tuy nhiên, trước những biến động khó lượng, nhà đầu tư nên giữ vàng trong trung hoặc dài hạn và tránh tuyệt đối không “lướt sóng”, “đu đỉnh” ở thời điểm hiện tại vì sẽ “mất nhiều hơn được”, anh nói.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, vàng nên được xem là kênh tích trữ an toàn thay vì kênh đầu tư sinh lợi nhuận cao. Chính vì thế, “trong bối cảnh nền kinh tế dần phục hồi, nhà đầu tư nên cân nhắc các kênh đầu tư có lợi nhuận cao khác như chứng khoán, tránh bỏ trứng vào một giỏ”.

Tin mới lên