Tài chính quốc tế

Từng được định giá 47 tỷ USD, kỳ lân công nghệ WeWork nộp đơn xin phá sản

(VNF) - Từng là một kỳ lân công nghệ nổi tiếng hứa hẹn sẽ "cách mạng hóa" tương lai của công việc văn phòng, việc WeWork nộp đơn xin phá sản là minh chứng rõ nhất cho thấy thị trường bất động sản thương mại tại Mỹ và nền kinh tế đang đối mặt với tình trạng ảm đạm ra sao.

Từng được định giá 47 tỷ USD, kỳ lân công nghệ WeWork nộp đơn xin phá sản

WeWork nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11.

WeWork, startup cung cấp không gian làm việc do SoftBank hậu thuẫn và từng được định giá cao nhất tại Mỹ lên tới 47 tỷ USD, đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11.

Mặc dù WeWork tự nhận mình là một công ty công nghệ, một số nhà phê bình lưu ý rằng hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ không phải là công nghệ mà thực sự là bất động sản bởi mô hình kinh doanh của WeWork là thuê dài hạn các tòa nhà văn phòng (hoặc các tầng riêng lẻ) sau đó trang hoàng lại để cho thuê. 

Theo hồ sơ phá sản, tổng tài sản và nợ phải trả của WeWork ước tính từ 10-50 tỷ USD. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành WeWork David Tolley cho biết khoảng 90% chủ nợ của công ty đã đồng ý chuyển nợ của họ thành vốn chủ sở hữu, qua đó xóa sạch khoản nợ khoảng 3 tỷ USD.

Sự sụp đổ của WeWork chủ yếu đến từ việc dòng tiền lưu thông không hiệu quả khi công ty chi nhiều tiền để nắm giữ các bất động sản thương mại đắt đỏ nhưng không thu lại đủ tiền do bất động sản thương mại xuống giá, cũng như việc nhiều công ty chưa hoàn toàn quay trở lại làm việc trực tiếp sau đại dịch Covid-19. Theo đó, việc trả tiền cho các không gian chiếm 74% doanh thu của WeWork trong quý II/2023.

Động thái này cũng thể hiện sự thừa nhận của SoftBank rằng công ty không thể tồn tại trừ khi đàm phán lại các hợp đồng thuê đắt đỏ. Tập đoàn công nghệ Nhật Bản sở hữu khoảng 60% WeWork và đã đầu tư hàng tỷ USD vào quá trình quay vòng vốn.

Ông David Tolley, Giám đốc điều hành WeWork, cho biết trong một thông cáo báo chí: “Bây giờ là lúc để chúng tôi hướng tới tương lai bằng cách tích cực giải quyết các hợp đồng thuê cũ và cải thiện đáng kể bảng cân đối kế toán của mình. Chúng tôi vẫn cam kết đầu tư vào các sản phẩm, dịch vụ và đội ngũ nhân viên đẳng cấp thế giới để hỗ trợ cộng đồng của chúng tôi”.

Ở thời điểm đỉnh cao, WeWork từng được định giá lên tới 47 tỷ USD, nhưng từ năm 2019, khi nỗ lực IPO thất bại, công ty dần đi xuống. Vào thời điểm đó, giấy tờ IPO tiết lộ khoản lỗ lớn hơn dự kiến ​​và tiềm ẩn xung đột lợi ích với người đồng sáng lập công ty và Giám đốc điều hành lúc đó là Adam Neumann. 

WeWork cuối cùng đã lên sàn chứng khoán khoảng 2 năm sau đó với mức định giá thấp hơn nhiều, khoảng 9 tỷ USD. 

WeWork phải đối mặt với thời kỳ khó khăn trong lĩnh vực bất động sản thương mại sau khi đại dịch dẫn đến sự gia tăng làm việc tại nhà – đe dọa nền văn hóa văn phòng mà WeWork đã xây dựng. Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng tăng trong không gian làm việc chung, lãi suất cao hơn và sự không chắc chắn về kinh tế vĩ mô cũng phủ bóng đen lên những nỗ lực của WeWork trong vài năm qua.

Cổ phiếu của WeWork đã giảm khoảng 98% chỉ trong năm 2023. Vào tháng 5, WeWork đã công bố một cuộc cải tổ lãnh đạo với sự ra đi của chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Sandeep Mathrani, một giám đốc điều hành bất động sản mà các nhà đầu tư hy vọng sẽ cứu công ty. 

Ông David Tolley, thành viên hội đồng quản trị WeWork, đã lên làm giám đốc điều hành tạm thời và chính thức được bổ nhiệm làm CEO vào tháng 10. Trong khi đó, vào tháng 8, công ty cho biết họ “nghi ngờ đáng kể”  về khả năng duy trì hoạt động kinh doanh trong năm tới khi thua lỗ và nợ tiếp tục gia tăng.

Xem thêm >> Startup kỳ lân 1,2 tỷ USD sụp đổ: Bị khởi kiện vì thổi phồng số liệu người dùng

Tin mới lên