Tỷ phú Peter Cancro: Hành trình ‘nuốt chửng’ thị trường nhượng quyền thương mại Mỹ

Quốc Anh - 03/08/2024 13:00 (GMT+7)

(VNF) - Jersey Mike's dưới sự dẫn dắt của Peter Cancro đã trở thành một trong những chuỗi cửa hàng nhượng quyền phát triển nhanh nhất tại Mỹ nhờ chiến lược định vị các cửa hàng của mình như những cửa hàng bán đồ ăn nhẹ nhỏ lẻ.

Kiếm 3,3 tỷ USD/năm với gần 3.000 cửa hàng nhượng quyền

Nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jersey Mike's, ông Peter Cancro đã đích thân làm ra một chiếc bánh mì một cách nhanh gọn và thành thạo để khẳng định triết lí hàng đầu của chuỗi cửa hàng: “Mỗi chiếc bánh mì kẹp thịt tại Jersey Mike's đều được làm theo cách này: tươi, trước mặt khách hàng, thịt chất lượng cao được thái lát hoặc nướng theo yêu cầu”.

Tại Jersey Mike's, mỗi chiếc bánh đều được làm tươi trước mặt khách

Ông Cancro đã làm bánh sandwich kể từ năm 1971, khi ông 14 tuổi tại một cửa hàng bánh mì kẹp nằm bên bờ biển Jersey. Đây được coi là cơ sở Jersey Mike's đầu tiên, nằm khuất trên một con phố nhỏ với mặt tiền bằng gạch nâu khiêm tốn.

Cửa hàng được mở cửa vào năm 1956, hiện đã trở thành trung tâm đào tạo, nơi Cancro và nhóm của ông dạy những người mới được nhượng quyền cách vận hành cửa hàng.

Theo nhận định của ông Cancro, cách tiếp cận tận tình của mình chính là bí quyết giúp biến Jersey Mike's trở thành một trong những thương hiệu thức ăn nhanh phát triển nhanh nhất cả nước, đang trên đà đạt doanh thu toàn hệ thống gần 4 tỷ USD trong năm nay với 3.000 địa điểm (99% trong số đó là cửa hàng nhượng quyền).

Trong 5 năm qua, Jersey Mike's đã đạt mức tăng trưởng doanh số trung bình hàng năm là 20,2%, doanh thu ghi nhận tăng vọt từ 1,3 tỷ USD vào năm 2019 lên 3,3 tỷ USD vào năm 2023, theo số liệu của Công ty tư vấn dịch vụ Thực phẩm Technomic.

Ông Jim Salera, một nhà phân tích thực phẩm và đồ uống cho biết Jersey Mike's và một số chuỗi cửa hàng khác đều được hưởng lợi từ xu hướng gia tăng của thức ăn nhanh cao cấp. Theo ông, điều khách hàng đang tìm kiếm là sự giao thoa giữa chất lượng và giá cả.

Ông nói thêm rằng khách hàng điển hình của Jersey Mike's có thể có thu nhập cao hơn những người đến McDonald's và Burger King. Đó là lý do tại sao các cửa hàng của Jersey Mike có thể tính phí lên tới 19 USD cho chiếc bánh mì kẹp thịt lớn nhất của họ mà vẫn mang lại trung bình gần 160.000 USD lợi nhuận ròng một năm, theo ước tính của Forbes.

Tận dụng đà phát triển này, ông Cancro đang lên kế hoạch mở thêm 5.000 cửa hàng trong 5 năm tiếp theo và 300 cửa hàng tại Canada trong thập kỷ tới. Mục tiêu của ông Cancro là có hơn 10.000 cửa hàng.

Nhà sáng lập Jersey Mike's, ông Peter Cancro

Với sự phát triển như vũ bão của Jersey Mike's, ông Cancro là người được hưởng lợi nhiều nhất khi thu về cho mình một gia tài khổng lồ. Giá trị doanh nghiệp ngày một tăng cùng phần cổ tức được chia đều qua nhiều năm, chủ sở hữu duy nhất của Jersey Mike’s đang sở hữu khoảng 5,6 tỷ USD.

Con số này cao hơn cả tài sản của doanh nhân Mark Cuban hay đạo diễn lừng danh Steven Spielberg, thậm chí gấp đôi so với người sáng lập Jimmy John's là Jimmy John Liautaud. "Thương hiệu Jersey Mike's của Peter Cancro thật ngoạn mục. Ông ấy đã vượt qua tôi", tỷ phú bánh sandwich đối thủ, Jimmy John Liautaud cho biết.

Gạt hết ước mơ để… bán bánh mì kẹp thịt

Là con út trong gia đình có ba người con, ông Cancro lớn lên trong một ngôi nhà dành cho tầng lớp lao động ở Point Pleasant, New Jersey. Cha ông là thợ sửa ô tô, mẹ ông thì chỉ tập trung chăm sóc con cái.

Từ khi còn học phổ thông, ông Cancro đã được rất nhiều người yêu mến nhờ tính cách năng động và thông minh. Ông được bổ nhiệm làm chủ tịch lớp cuối cấp tại Trường trung học Point Pleasant và là hậu vệ trong đội bóng bầu dục của trường.

Năm 1975, khi bước vào năm cuối cấp, ông đã vạch ra một tương lai tươi sáng cho mình, rời xa New Jersey và chơi bóng bầu dục tại Đại học North Carolina ở Chapel Hill trước khi trở thành luật sư.

Nhưng sau đó, Mike’s Subs, cửa hàng bánh sandwich nơi ông làm việc bán thời gian từ năm 14 tuổi, đã được rao bán. Thời điểm này, mẹ Cancro đã gợi ý ông mua lại cổ phần từ ông chủ của mình.

Lúc bấy giờ, ông Cancro không hề có ý định gắn liền cuộc đời mình với bánh mì kẹp thịt. “Tôi không đời nào mua cửa hàng. Tôi không muốn làm bánh mì kẹp thịt trong suốt quãng đời còn lại của mình”, là những suy nghĩ ban đầu của ông Cancro.

Vậy mà những suy nghĩ đó lại được thay đổi sau một đêm, khi ông Cancro kể với anh trai mình về cơ hội này. Ông Cancro, người thậm chí còn chưa đủ tuổi để cắt thịt nguội (theo luật lao động quốc gia, người lao động phải đủ 18 tuổi), đã trốn học vào tuần sau, điên cuồng tìm kiếm nguồn hỗ trợ tài chính.

Sau khi liên lạc với bạn bè gia đình, cuối cùng ông đã thuyết phục được một trong những huấn luyện viên bóng đá cũ của mình là ông Rod Smith, Phó chủ tịch tại Ngân hàng Quốc gia quận Ocean, cho vay 125.000 USD với lãi suất 10%.

Từ đó, ông gần như bỏ qua bốn tháng cuối của trường phổ thông và bắt đầu làm việc "như một kẻ điên" với sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình. "Ngay sau khi ra trường, tôi đã dành toàn bộ thời gian làm việc tại cửa hàng", ông nói.

Chẳng bao lâu sau, tình hình buôn bán của cửa hàng ngày càng thuận lợi, Mike's Subs đã bán được gần 1 triệu USD tiền bánh sandwich mỗi năm. Nhờ đó, ông Cancro nhanh chóng trả hết khoản vay ban đầu.

Cửa hàng bán đồ ăn nhẹ thứ 2 được mở thêm vào năm 1980, nhưng ông Cancro đã quyết định bán nó trong vòng 18 tháng. Năm 1987, ông nảy ra ý tưởng bắt đầu nhượng quyền thương hiệu sau khi nhận thấy các khách hàng của mình đa phần có nhu cầu đem chiếc bánh đi xa, bay về California hoặc thậm chí là London.

Jersey Mike's liên tục khai trương những cửa hàng nhượng quyền mới

Ông Cancro lấy một cuốn sổ tay ra và bắt đầu động não nghĩ ra những cái tên mới cho doanh nghiệp, tiêu chí hàng đầu là phải giữ được nguồn gốc Jersey của mình. Jersey Mike’s là cái tên được chọn.

Hầu hết các chuỗi thức ăn nhanh lớn đều hoạt động theo mô hình nhượng quyền, cho phép họ mở rộng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí. Các nhà điều hành địa phương sẽ phải trả một khoản phí ban đầu và một khoản tiền bản quyền lớn để cấp phép. Đổi lại, họ nhận được một thương hiệu có tiếng và sự hỗ trợ, đào tạo để thành công.

“Đó là lúc chúng tôi thực sự bắt đầu phát triển”, ông Cancro cho biết Jersey Mike’s đã mở thêm khoảng 30 cửa hàng trong 4 năm tiếp theo.

Có lời ngay trong thời điểm khó khăn

Sau đó, như bao doanh nghiệp khác, Jersey Mike’s cũng phải trải qua giai đoạn bất lợi khi một cuộc suy thoái và khủng hoảng cho vay ập đến vào năm 1991, khiến công ty điêu đứng vì sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức tài trợ cho việc mở rộng trước đó.

Đến năm 1994, nhờ tăng gấp đôi nỗ lực công việc, ông Cancro đã từng bước đưa Jersey Mike’s thoát khỏi khó khăn. Cuối thập kỷ, công ty mở rộng được hơn 100 địa điểm. Chuỗi cửa hàng đã vượt qua 1 tỷ USD doanh số bán hàng trên toàn hệ thống (tổng doanh thu của tất cả các cửa hàng nhượng quyền và công ty) vào năm 2018.

Hai năm sau, đại dịch Covid-19 ập đến nhưng vẫn không khiến ông Cancro nản lòng. Ông thậm chí còn mua một chiếc máy bay phản lực riêng để có thể bay khắp đất nước, ghé thăm các cửa hàng vào thời điểm du lịch gần như đình trệ.

Covid-19 không thể đánh gục Jersey Mike’s. Trong giai đoạn này, chuỗi Jersey Mike’s ghi nhận doanh số tăng 65%, lên mức 2,2 tỷ USD trên toàn hệ thống vào năm 2021 so với 1,3 tỷ USD vào năm 2019.

Jersey Mike’s đặt mục tiêu mở thêm 5.000 cửa hàng trong 5 năm tiếp theo

Giờ đây, thách thức lớn nhất đối với Cancro là liệu rằng ông có thể duy trì màu sắc quê hương tại Jersey Mike’s trong bao lâu? Chuỗi cửa hàng đang ngày một nở rộ trên khắp cả nước và chắc chắn rằng những đề nghị thâu tóm đầy hấp dẫn sẽ xuất hiện ngày một nhiều.

Ba đối thủ lớn nhất của công ty là Subway, Jimmy John’s và Firehouse Subs đều đã bán mình cho các công ty tài chính lớn trong 5 năm qua. Đầu năm nay, có tin đồn rằng Blackstone đã đề nghị mua lại chuỗi cửa hàng của Cancro với giá 8 tỷ USD, nhưng không đạt được thoả thuận.

“Liệu có bán không? Có thể, nhưng không ai thực sự biết khi nào, có thể là khi cậu ấy đã cảm thấy đủ vui vẻ. Cho đến lúc đó, cậu ấy sẽ không dừng lại”, anh trai ông, John Cancro bày tỏ.

Theo Forbes
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.