Diễn đàn VNF

VAFI: 'Phương pháp tính thuế hỗn hợp không có lợi cho ngành bia'

(VNF) - Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng phương pháp tính thuế hỗn hợp hoàn toàn không khả thi, không có lợi cho ngành sản xuất bia Việt Nam, nhất là các thương hiệu Việt, không có lợi cho thu ngân sách nhà nước cũng như tiêu dùng xã hội.

VAFI: 'Phương pháp tính thuế hỗn hợp không có lợi cho ngành bia'

VAFI cho rằng phương pháp tính thuế hỗn hợp không khả thi, không có lợi cho ngành sản xuất bia Việt Nam. Ảnh minh họa

Mới đây, Bộ Tài chính có Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và có đưa ra định hướng điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình với 2 phương án:

Phương án 1, điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB (thuế tỷ lệ phần trăm) đối với mặt hàng rượu, bia theo lộ trình để tăng giá bán rươụ, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Phương án 2, điều chỉnh tăng thuế TTĐB theo phương pháp tính thuế hỗn hợp (thuế tỷ lệ phần trăm và mức thuế tuyệt đối) đối với mặt hàng rươụ, bia để tăng giá bán rươụ, bia ít nhất 10%  theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.

Với 2 phương án này, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Tài chính đề xuất lựa chọn phương án 1 với lý do để đảm bảo yếu tố cạnh tranh trong bối cảnh chất lượng và giá bán đồ uống có cồn có sự khác biệt và cũng để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Đóng góp ý kiến về tờ trình này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng tờ trình của Bộ Tài chính nói về phương pháp tính thuế hỗn hợp, chưa nêu ra các nguyên tắc về cách thức xác định mức thuế tuyệt đối.

VAFI cho rằng cách xác định mức thuế tuyệt đối cần tuân thủ các nguyên tắc, trong đó, xác định mức thuế tuyệt đối theo phương pháp nào cũng phải dựa trên giá bán các loại bia chưa có thuế. Ngoài ra, việc xác định mức thuế tuyệt đối cũng phải bảo đảm nguyên tắc thu đủ thuế TTĐB như phương pháp tương đối đồng thời phải đảm bảo tính công bằng cho mọi doanh nghiệp đối với nghĩa vụ nộp thuế TTĐB.

Do đó, VAFI đưa ra 3 mức thuế tuyệt đối từ cao đến thấp để phân tích trên sở lấy 3 giá bán bình quân. Cụ thể, VAFI lấy giá bình quân của Heineken đang là giá cao nhất trong ngành, đại diện cho bia cao cấp và cận cao cấp. Tiếp đến lấy giá bán bình quân của 4 công ty (Heineken, Sabeco, Habeco, Carslbeg) đang chiếm 92% thị phần tương ứng trên 92% tổng thu thuế TTĐB; và cuối cùng là lấy giá bán bình quân của bia bình dân thuộc các doanh nghiệp nhỏ và vừa – đang đáp ứng nhu cầu cao của người dân thu nhập thấp và người dân tại các địa phương

VAFI cũng đưa ra 6 kịch bản, trong 6 kịch bản đưa ra, VAFI cho rằng Heineken Việt Nam là doanh nghiệp sẽ luôn có thuế % thực tế thấp nhất vì giá bán của Heineken cao hơn nhiều so với tất cả hãng khác.

Cũng theo tính toán của VAFI, Heineken cũng là doanh nghiệp hưởng lợi lớn nhất từ việc bổ sung mức thuế tuyệt đối. Việc Heineken hưởng lợi bao nhiêu thì các doanh nghiệp khác trong ngành sẽ thiệt hại bấy nhiêu, thậm chí tiến tới phá sản.

Theo VAFI, việc đưa ra 6 mức thuế tuyệt đối để tính toán phân tích, bao trùm hết các phương án tình huống mà Bộ Tài chính có thể đưa ra nhưng không có phương án nào khả thi, tạo sự bình đẳng công bằng giữa các doanh nghiệp, mà tất cả phương án chỉ tạo ưu đãi về thuế và nhiều lợi thế cạnh tranh hơn cho Heineken trong khi tất cả doanh nghiệp ngành bia phải đóng thuế TTĐB nhiều hơn so với Heineken (về mặt tương đối) và nhiều hơn so vơi cách tính thuế tương đối. 

"Từ các phân thích, có thể thấy rằng phương pháp tính thuế hỗn hợp hoàn toàn không khả thi, không có lợi cho ngành sản xuất bia Việt Nam, nhất là các thương hiệu Việt, không có lợi cho thu ngân sách nhà nước cũng như tiêu dùng xã hội”, VAFI cho hay.

Xem thêm: Sửa Luật thuế tiêu thụ đặc biệt: Băn khoăn cách tính thuế mới với ngành rượu, bia

Tin mới lên