VAMC đòi được bao nhiêu nợ trong năm 2018?

An Thơ - 07/02/2019 12:54 (GMT+7)

(VNF) - Năm 2018, dù lặng lẽ nhưng VAMC đã xử lý một núi nợ, trong đó có những hạng mục đạt 226% kế hoạch Ngân hàng Nhà nước giao.

VNF
VAMC đã làm vợi bớt đáng kể các khoản nợ xấu trong năm 2018

Trao đổi với VietnamFinance, lãnh đạo Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, điểm nhấn hoạt động đáng chú ý nhất trong năm 2018 là mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

Thắng lợi ở 3 hạng mục

Theo đó, mua bằng trái phiếu đặc biệt đối với 761 khoản nợ của 13 tổ chức tín dụng, đạt 30.917 tỷ đồng dư nợ gốc nội bảng với giá mua 29.812 tỷ đồng. Luỹ kế từ khi bắt đầu hoạt động đến 31/12/2018, VAMC đã mua tổng dư nợ gốc nội bảng là 338.849 tỷ đồng, giá mua nợ là 307.567 tỷ đồng.

Thứ hai là mua nợ theo giá thị trường. Mặc dù vốn điều lệ chưa cấp đủ theo lộ trình như quy định tại Quyết định 1058/QĐ-TTg của Thủ tướng trong năm 2018, tuy nhiên, định chế này đã mua được 40 khoản, với tổng giá trị 2.818,70 tỷ đồng. Nhờ đó, đã giúp xử lý hơn 5.200 tỷ đồng dư nợ xấu cho các đơn vị trong hệ thống, tăng 1.684 tỷ đồng so với 2017.

Song song, VAMC cũng ký nhiều hợp đồng nguyên tắc mua nợ theo giá thị trường với các định chế khác, giá mua dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Những khoản này sẽ thực hiện trong năm 2019.

Thứ ba là công tác xử lý nợ. Theo lãnh đạo VAMC, năm 2018, VAMC đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng xử lý được 78.000 tỷ đồng dư nợ gốc (đạt 226% kế hoạch NHNN phê duyệt) với giá trị thu hồi nợ đạt 37.250 tỷ đồng.

Để ra được con số này, đối với các khoản nợ đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, VAMC phối hợp với các tổ chức tín dụng xử lý nợ đạt hơn 74.452 tỷ đồng dư nợ gốc, thu hồi nợ được 33.702 tỷ đồng, thông qua các biện pháp bán nợ, bán tài sản bảo đảm, bán lại nợ cho các đối tác.

Đặc biệt, đối với những khoản nợ đã được mua theo giá thị trường, định chế này triển khai ngay các biện pháp xử lý thu hồi nợ, từ việc trực tiếp thu giữ và xử lý đến phối hợp với chính quyền địa phương hỗ trợ khách hàng hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với tài sản đã mua, nhất là bất động sản.

Riêng ở khoản mục này, trong năm 2018, đã thu hồi được 3.547,94 tỷ đồng, đưa lũy kế con số này từ khi thành lập đến 31/12/2018 là 119.118 tỷ đồng.

Cùng đó, VAMC cũng thực hiện cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho khách hàng, dĩ nhiên là chỉ áp dụng với các doanh nghiệp có dòng tiền vận hành tốt, sản xuất hồi phục rõ ràng.

Chỉ tiêu Luỹ kế đến 31/12/2017 Năm 2018 Luỹ kế đến 31/12/2018
Số tiền miễn giảm lãi 2.230 1.150 3.380
Dư nợ gốc được điều chỉnh giảm lãi suất 2.230 6 2.236
Dư nợ gốc được cơ cấu lại thời hạn trả nợ 1.138 0 1.138

Nguồn: VAMC, đơn vị: tỷ đồng

Những rào cản gây khó cho VAMC

Trong 5 năm hoạt động, VAMC gặp hết vướng mắc này đến khó khăn khác. Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đã tháo gỡ một phần lớn thông qua Nghị quyết 42 nhưng hiện tại, định chế này đối mặt với không ít trở ngại.

Trước hết, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ để hoạt động mua bán nợ xấu được thực hiện thông suốt. Thậm chí, có không ít văn bản quy định chồng chéo, mâu thuẫn và “hình sự hoá”, khiến VAMC không dám mạnh dạn hoạt động.

Tiếp đó, nguồn lực tài chính của VAMC còn hạn chế và chưa phù hợp với yêu cầu xử lý nợ theo chức năng, nhiệm vụ; nhất là vấn đề mua nợ theo giá thị trường. “Việc xử lý nợ xấu của VAMC không thể triệt để và hiệu quả nếu không có dòng tiền thực sự để hỗ trợ các TCTD, khách hàng”, đại diện VAMC cho biết.

Hiện tại, VAMC đã được Nhà nước cấp 2.000 tỷ đồng vốn điều lệ nhưng theo lộ trình tăng vốn điều lệ đã được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chấp thuận: đến năm 2018 vốn điều lệ là 5.000 tỷ đồng, đến 2020 vốn điều lệ của VAMC dự kiến tăng lên 10.000 tỷ đồng thì số vốn điều lệ hiện tại của VAMC còn hạn chế so với yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng đó, theo lãnh đạo VAMC, về cơ bản, Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội là cơ sở pháp lý quan trọng để xử lý những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong xử lý nợ xấu thời gian qua. Nhưng, trong quá trình triển khai thực hiện, đã bộc lộ một số quy định pháp lý cần tiếp tục được nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát sinh, chẳng hạn: quyền thu giữ tài sản bảo đảm, áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp theo Điều 8 Nghị quyết 42 …

Chưa kể, nghiệp vụ định giá nợ xấu (đặc biệt liên quan đến doanh nghiệp nhà nước) phức tạp và chưa có cơ chế xử lý phần chênh lệch (giữa giá mua về và giá bán theo thị trường).

Các chuyên gia luật cho rằng, đây là điểm cực kỳ nhạy cảm, bởi khi các quy định pháp lý chưa rõ ràng, không có cơ chế để bảo vệ cán bộ VAMC và tổ chức định giá khi xử lý nợ xấu theo giá trị thị trường bị lỗ từ nguyên nhân khách quan.

Một yếu tố nữa là chính sách thuế chưa hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý tài sản bảo đảm thu nợ xấu; chưa có chính sách khuyến khích khách hàng vay/bên bảo đảm tự nguyện bàn giao tài sản cho VAMC và/hoặc tổ chức tín dụng xử lý thu hồi nợ.

Mục tiêu xử lý nợ xấu của VAMC trong năm 2019. Nguồn: VAMC. Biểu đồ: An Thơ

Cùng chuyên mục
Tin khác