Ván bài ‘Sức mạnh Siberia 2’ có giúp Nga bù đắp nguồn thu đã mất?
Mộc An -
31/10/2023 16:41 (GMT+7)
(VNF) - Trong nỗ lực nhằm bù đắp cho doanh số bán khí đốt bị mất ở châu Âu, Nga đang trông cậy vào một đường ống mới nhằm tăng cường vận chuyển khí đốt sang Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng có nhiều rủi ro quanh dự án này và đặt câu hỏi liệu nó có bù đắp được chi phí khổng lồ đã mất hay không.
Kế hoạch cấp bách
Nga đã đàm phán trong nhiều năm về việc xây dựng Power of Siberia 2 (Sức mạnh Siberia 2) để vận chuyển 50 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm từ khu vực Yamal ở miền bắc nước Nga đến Trung Quốc qua Mông Cổ. Con số này tương đương với công suất 55 tỷ mét khối của đường ống Nord Stream 1 (Dòng chảy phương Bắc 1) sang Đức đã bị hư hỏng năm ngoái.
Kế hoạch này ngày càng trở nên cấp bách khi Moscow đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc sau khi năng lượng nước này bị các nước phương Tây quay lưng. Nhưng thỏa thuận về các vấn đề chính, bao gồm giá cả, cho tới nay dường như vẫn khá mơ hồ.
Theo Moscow Times, đường ống này sẽ lần đầu tiên cung cấp khí đốt chuyển hướng khỏi châu Âu từ các mỏ ở phía tây Siberia tới Trung Quốc, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2030.
Trong cuộc hội đàm bên lề Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” (BRI) lần thứ 3 vừa được tổ chức tại Bắc Kinh mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng ông hy vọng đường ống dẫn khí đốt Trung Quốc-Mông Cổ-Nga sẽ đạt được tiến bộ đáng kể càng sớm càng tốt, tuy nhiên giữa hai nước vẫn chưa có thỏa thuận chính thức nào.
Nga hiện xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1. Đường ống này bắt đầu hoạt động vào năm 2019 và chạy qua phía đông Siberia đến tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc Trung Quốc.
Hiện Moscow chưa cho biết chi phí xây dựng 2.600km của Power of Siberia 2 là bao nhiêu hoặc nó sẽ được tài trợ như thế nào. Một số nhà phân tích ước tính chi phí lên tới 13,6 tỷ USD.
Quá nhiều rủi ro
Có nhiều chuyên gia nhận định rằng “ván bài” này của Nga có quá nhiều rủi ro, đặc biệt là rủi ro chính trị.
“Thật quá nguy hiểm khi phụ thuộc vào một người mua duy nhất có thể thay đổi quyết định mua sản phẩm của bạn bất cứ lúc nào”, chuyên gia này cho hay.
Nga đặt mục tiêu tăng nguồn cung cấp thông qua Power of Siberia 1 lên 38bcm hàng năm vào năm 2025. Nếu Power of Siberia 2 đi vào vận hành, xuất khẩu khí đốt qua đường ống của Nga sang Trung Quốc sẽ tăng lên gần 100 bcm mỗi năm vào năm 2030.
Con số này tương ứng khoảng một nửa lượng xuất khẩu hàng năm của Nga sang châu Âu vào thời điểm cao điểm vào năm 2018 và bằng tổng công suất 110bcm của Nord Stream 1 và 2.
Tuy nhiên, theo một tài liệu của chính phủ, Nga dự kiến giá khí đốt qua đường ống bán cho Trung Quốc sẽ giảm dần trong vài năm tới và thấp hơn nhiều so với giá bán sang châu Âu. Tại thời điểm trước khi chiến sự Ukraine nổ ra, lượng khí xuất khẩu sang châu Âu chiếm 80% tổng giá trị xuất khẩu khí đốt của Nga.
Tài liệu được công bố vào tháng trước cho thấy giá khí đốt qua đường ống của Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu giảm xuống mức trung bình 501,60 USD/1.000 m3 trong năm nay và xuống còn 481,70 USD vào năm 2024 từ mức 983,80 USD vào năm 2022.
Đối với Trung Quốc, dự kiến giá sẽ trung bình là 297,30 USD/1.000 m3 vào năm 2023 và 271,60 USD vào năm 2024.
Vào tháng 3, Nga cho biết công ty khí đốt nhà nước Gazprom, công ty sẽ vận hành Power of Siberia 2, đang hoàn tất các điều khoản hợp đồng với công ty dầu khí lớn nhất Trung Quốc CNPC.
Gazprom đã bắt đầu nghiên cứu tính khả thi của dự án vào năm 2020 và cho biết họ đặt mục tiêu bắt đầu cung cấp khí đốt vào năm 2030. Tuy nhiên, Gazprom không tiết lộ về chi phí của dự án.
“Chi phí vận chuyển phía Trung Quốc sẽ vào khoảng 270 USD/1.000 m3, do đó, nếu phía Nga không giảm giá thì triển vọng xây dựng đường ống dẫn khí này cho đến năm 2030 vẫn khá bi quan”, ông Dmitry Kondratov từ Viện Kinh tế thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho hya.
Theo ông Kondratov, thực tế này sẽ yêu cầu CNPC phải tự mình xây dựng tất cả cơ sở hạ tầng vận chuyển khí đốt cần thiết ở Trung Quốc.
Ông Sergey Vakulenko, thành viên không thường trú tại Tổ chức Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho biết dự án có thể "khiến Gazprom lâm vào cảnh thua lỗ do chi phí vận chuyển".
Ông Vakulenko, người có kinh nghiệm làm việc cho các công ty của Gazprom, thì cho rằng: “Nó cũng sẽ khiến Gazprom phụ thuộc một cách nguy hiểm vào một người mua, người không chỉ có thể đưa ra các điều khoản của hợp đồng mà còn yêu cầu thay đổi các điều khoản đó trong tương lai”.
Các chuyên gia cho rằng Nga hiện cũng đang phải cạnh tranh với nhiều đối thủ khác để bán khí đốt cho Trung Quốc, bao gồm Turkmenistan và các nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng bằng đường biển từ Mỹ, Qatar và Úc, điều này càng củng cố thêm sức mạnh thương lượng của Bắc Kinh.
Các chuyên gia cho rằng vì Trung Quốc dự kiến sẽ không cần thêm nguồn cung cấp khí đốt cho đến sau năm 2030 nên Bắc Kinh có thể sẽ mặc cả về giá khí đốt đi qua đường ống Power of Siberia 2.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.