DN vào vụ tết: Lo đứt hàng, tăng giá vì... tắc đường

Trần Lê - 15/01/2025 07:30 (GMT+7)

(VNF) - Doanh nghiệp ở TP.HCM chuẩn bị nguồn hàng khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, trong đó có khoảng 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.

TP. HCM vào vụ bán hàng tết (ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. HCM, chương trình bình ổn thị trường Tết Ất Tỵ 2025 có sự tham gia của 69 đầu mối chuỗi cung ứng; trong đó phần lớn là các doanh nghiệp quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao.

Sản lượng hàng hoá thiết yếu được chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần. Theo đó, bình quân tháng trước, trong và sau Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả, 200 tấn thủy hải sản…

Các hệ thống siêu thị, cửa hàng cũng đã có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ Mùng 1 Tết. Riêng hệ thống Family Mart, GS25, Kingfood Mart... mở cửa xuyên Tết. Các doanh nghiệp cũng đã lên sẵn phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ nếu có.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, để kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào, năm nay là năm đầu tiên TP. HCM triển khai chương trình hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (chương trình Tick xanh trách nhiệm).

Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi các đơn vị bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: Saigon Co.op, Satra, WinCommerce, Central Retail, AEON, MM Mega Market, Lotte, Kingfood Market...

Theo đại diện hệ thống Satra, năm nay đơn vị cung ứng ra thị trường khoảng 3.600 tấn hàng hóa, trị giá khoảng 500 tỷ đồng, tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.

Hệ thống AEON Mall đã tăng lượng hàng lên 150% so với ngày thường để phục vụ người mua.

Theo đại diện hệ thống MM Mega Market, sức mua hàng tết tăng đáng kể, với nhiều ưu đãi giá tốt, đồng thời lượng hàng cung ứng cho thị trường mùa cao điểm này cũng tăng gấp đôi so với ngày thường.

Công ty Vissan đảm bảo cung ứng hàng hóa, với sản lượng dự trữ thịt 'nóng' khoảng 1.000 tấn, cùng 1.000 tấn thịt đông lạnh… Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường các chương trình khuyến mãi, giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng.

Công ty cổ phẩn thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đã mở rộng bán hàng đến các chợ truyền thống, điểm bán lẻ, để người tiêu dùng dễ mua hàng. Giá trứng các loại bán trên thị trường vẫn được công ty duy trì ổn định, không lo thiếu hàng, sốt giá…

Tuy vậy, các đơn vị cũng lo ngại tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ ảnh hưởng tới quá trình giao nhận hàng hóa, gây khó khăn cho doanh nghiệp cũng như người mua hàng.

Theo ông Lê Hoàng Phong - Phó Giám đốc Chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, chợ cung ứng hơn 50% cho toàn thị trường TP. HCM mặt hàng thịt heo nóng. Nếu vận chuyển thông suốt từ cơ sở giết mổ về chợ thì giá thịt heo sẽ bình ổn, còn kẹt xe hàng không về kịp, giá sẽ bị đẩy lên.

Ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết với hàng thực phẩm công nghệ, các siêu thị đã có trữ tại chỗ nhưng với hàng tươi sống, rau củ quả phải đưa về hằng ngày có nguy cơ bị đứt hàng cục bộ vì tình hình giao thông hiện nay.

TP.HCM tinh gọn bộ máy, giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính

TP.HCM tinh gọn bộ máy, giảm 8 sở, 5 cơ quan hành chính

Tiêu điểm
(VNF) - Sau khi thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, TP. HCM dự kiến sẽ cắt giảm 8 sở và 5 cơ quan hành chính trực thuộc UBND TP. HCM.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm

(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.