VBF 2017: Sẽ thảo luận các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân

Bảo Duy - 11/12/2017 20:59 (GMT+7)

(VNF) - TS. Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã chủ trì buổi họp báo trao đổi về các nội dung của Diễn đàn sẽ được tổ chức vào sáng 12/12.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Diễn đàn, Diễn đàn kỳ này sẽ đưa ra các vấn đề nổi lên mà doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, trong đó bao gồm nâng cao năng suất lao động, tăng cường nền tảng tài chính, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân.

Theo đánh giá của VCCI, từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đến nay, đặc biệt là từ đầu năm 2017, môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đã được cải thiện rõ rệt. Những quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được ban hành, tạo nên đường hướng phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh.

Cùng với sự quyết tâm từ Chính phủ, các bộ ngành địa phương cũng có những chuyển biến rõ rệt về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh. Bộ Công Thương đã đưa ra lộ trình cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh, nhiều Bộ ngành cũng đang cố gắng đưa ra các chương trình đột phá như vậy. 

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp cũng chưa bao giờ được các địa phương thực hiện thực chất và sôi nổi như hiện nay, mỗi năm đối thoại với doanh nghiệp ít nhất 2 lần theo yêu cầu của Thủ tướng.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng với khoảng 120.000 doanh nghiệp năm 2017. "Đây là đỉnh cao nhất trong vòng 17 năm chúng ta có Luật doanh nghiệp", ông nói.

TS. Vũ Tiến Lộc phát biểu tại buổi Họp báo.

"APEC là phép thử năng lực và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân"

Chia sẻ tại cuộc họp báo, TS. Vũ Tiến Lộc cũng nhận định: "APEC Việt Nam 2017 là phép thử năng lực và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân". 

TS. Vũ Tiến Lộc cho hay, trước đây, khi Việt Nam đăng cai tổ chức APEC vào năm 2006, Chính phủ Việt Nam phải bỏ hoàn toàn chi phí trong việc đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, mua xe cho sự kiện. Tuy nhiên, tại APEC Việt Nam 2017, doanh nghiệp tư nhân tự đầu tư xây dựng trung tâm hội nghị, mua xe về và Chính phủ thuê lại. 

Điều này đã cho thấy một minh chứng thành công cho quá trình xã hội hoá dịch vụ công đã được khu vực tư nhân thực hiện tốt, chỉ cần trao cho họ cơ hội và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Bên cạnh đó, TS. Vũ Tiến Lộc khẳng định, khi Việt Nam tổ chức thành công APEC là lúc các nhà kinh doanh, đầu tư nước ngoài đang rất quan tâm tới Việt Nam.

TS. Vũ Tiến Lộc cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam là 1 trong 4 nền kinh tế có sức hấp dẫn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh Hoa Kỳ, Indonesia và Trung Quốc.

Có được điều này, ngoài những tác động từ thể chế, thủ tục hành chính phải kể đến các hoạt động M&A. Tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thông qua hoạt động M&A.

Tuy nhiên, nhiều vấn đề nổi lên hiện nay khiến doanh nghiệp quan tâm như chi phí kinh doanh đang ở mức rất cao, thậm chí còn tăng nhanh; mức lương tối thiểu tăng cao hơn tăng năng suất, kéo theo các quỹ BHXH, công đoàn... chi phí logistics cao và kém cạnh tranh so với nhiều nước…

Chính phủ đã đưa ra nhiều cải cách nhưng các bộ ngành chưa chuyển động được như mong muốn, trong khi nhiều bộ ngành còn chần chừ trong cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. 

Một hạn chế nữa là liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và FDI chưa hiệu quả. Năng lực của khu vực kinh doanh trong nước còn yếu; sự cộng tác giữa doanh nghiệp trong nước về công nghiệp hỗ trợ còn thấp. TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng đây là trách nhiệm của doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp địa phương.

"Trong lịch sử VBF có nhiều vấn đề chúng ta đã kiên trì kiến nghị, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ được cải thiện nhanh hơn thì sẽ thuận lợi hơn cho doanh nghiệp...", TS. Vũ Tiến Lộc nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác