Vì sao loạt ‘ông lớn’ dầu mỏ vùng Vịnh tích cực gom dầu giá rẻ của Nga?

Quang Đăng - 19/04/2023 11:59 (GMT+7)

(VNF) - Các nước vùng Vịnh, khu vực có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, hiện đang tích cực gom dầu thô và nhiên liệu giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước. Thay vào đó, họ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tự sản xuất với giá thị trường để tăng lợi nhuận, theo WSJ.

VNF
Giá cả là nhân tố chính khiến các nước Vùng Vịnh hào hứng mua dầu Nga.

Giá cả là nhân tố chính khiến các nước Vùng Vịnh hào hứng mua dầu Nga. Do phương Tây áp giá trần và các biện pháp trừng phạt khác, dầu thô Urals của Nga thường được giao dịch ở mức chiết khấu hơn 30% so với giá dầu Brent chuẩn quốc tế trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, các nước vùng Vịnh cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như naphtha và dầu diesel của Nga.

Ông Elshan Aliyev, Trưởng bộ phận sản phẩm vùng Vịnh Trung Đông tại Argus, cho biết naphtha và dầu diesel của Nga lần lượt bán thấp hơn 60 USD và 25 USD mỗi tấn so với sản phẩm tương đương được sản xuất ở Vùng Vịnh.

Các công ty nhà nước ở Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hai nhà sản xuất dầu hàng đầu ở vùng Vịnh Ba Tư, hiện đang đẩy mạnh mua dầu thô và nhiên liệu với giá chiết khấu sâu của Nga. Đây được xem như một bằng chứng về những hệ quả bất ngờ của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, cũng như ảnh hưởng suy yếu của Mỹ đối với Trung Đông.

Các quốc gia vùng Vịnh, đặc biệt là UAE, đã trở thành trung tâm lưu trữ và giao dịch chủ chốt đối với các sản phẩm năng lượng của Nga, vốn không dễ dàng được vận chuyển trên toàn cầu ở thời điểm này do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Các công ty tư nhân vận chuyển các lô hàng dầu và nhiên liệu của Nga đến UAE, sau đó, xuất khẩu sang Pakistan, Sri Lanka hoặc Đông Phi. Một số công ty nhà nước của UAE cũng tranh thủ mua các lô hàng dầu thô và nhiên liệu giá rẻ của Nga.

Theo dữ liệu của nhà cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler, xuất khẩu dầu thô và nhiên liệu của Nga sang UAE tăng hơn 3 lần, lên mức kỷ lục 60 triệu thùng vào năm ngoái. Còn theo Argus Media, nhà cung cấp dữ liệu thị trường dầu mỏ, Nga hiện chiếm hơn 10% số thùng dầu được lưu trữ tại Fujairah, trung tâm lưu trữ dầu chính của UAE.

Bên cạnh đó, Nga đang xuất khẩu dầu và nhiên liệu trung bình 100.000 thùng/ngày đến Saudi Arabia. Tốc độ xuất khẩu này tương đương 36 triệu thùng/năm.

Ông Viktor Katona, nhà phân tích của Kpler, cho biết Moscow đang đáp ứng phần lớn nhu cầu diesel nội địa của Saudi Arabia, giúp nước này dành phần lớn dầu diesel tự sản xuất để bán sang các thị trường khác.

Dữ liệu của Kpler cho thấy trong năm qua, Saudi Arabia đã tăng tốc xuất khẩu dầu diesel sang Pháp và Ý, hai nước trước đây chủ yếu dựa vào dầu diesel nhập khẩu từ Nga.

Tháng trước, tập đoàn dầu khí quốc gia Saudi Aramco của Saudi Arabia, báo cáo lợi nhuận kỷ lục là 161 tỷ USD trong năm 2022. Riêng lợi nhuận từ đơn vị lọc dầu của Saudi Aramco tăng 27%.

Việc Nga xuất khẩu dầu sang Arab Saudi và UAE đã thu hút sự chú ý của giới chức Mỹ. Họ lo ngại điều này làm suy yếu các nỗ lực của phương Tây nhằm siết chặt các nguồn thu nhập từ xuất khẩu năng lượng của Điện Kremlin.

Hồi tháng 2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ  Brian Nelson đã thăm Trung Đông để cố gắng thuyết phục Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước vùng Vịnh cắt giảm nhập khẩu dầu và nhiên liệu của Nga.

Xem thêm >> 5 nước G7 lập liên minh nhằm ‘hất’ Nga khỏi thị trường năng lượng hạt nhân

Theo WSJ
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.