Tại buổi công bố, GS.TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch VAFIE, đồng thời là Chủ biên Báo cáo – nhận định Việt Nam tiếp tục là "ngoại lệ tích cực" trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bất chấp những biến động địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Theo báo cáo, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 22 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến tăng lên 25 tỷ USD trong năm 2024. Những con số này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nền kinh tế đang chịu sức ép từ lạm phát và bất ổn thương mại.
Báo cáo của VAFIE chỉ rõ, các lĩnh vực như công nghiệp bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và đào tạo nhân lực đang nổi lên như những ưu tiên hàng đầu của dòng vốn FDI mới. Các tập đoàn đến từ Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc và Đài Loan đặc biệt quan tâm tới tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Trong khi đó, Nhật Bản thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến năng lượng sạch, còn Hàn Quốc đẩy mạnh đầu tư vào AI, Big Data và bán dẫn.
Nhìn về năm 2025, GS. Mại dự báo tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục biến động khó lường, gây ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư. Tuy nhiên, với lợi thế về ổn định chính trị, môi trường đầu tư cải thiện và tiềm năng tăng trưởng cao, Việt Nam vẫn có sức hút đặc biệt với các nhà đầu tư quốc tế.
Báo cáo khuyến nghị, để tiếp tục nâng cao chất lượng FDI, Việt Nam cần tập trung vào bốn nhóm giải pháp lớn: Tăng đầu tư cho R&D; thu hút đầu tư công nghệ cao; đào tạo công dân số và chính sách thu hút chuyên gia.
Bên cạnh những con số tích cực, tại sự kiện, có chuyên ra cũng đưa ra cảnh báo Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu, nhưng giá trị gia tăng mang lại vẫn chưa tương xứng.
Một số ý kiến cho rằng báo cáo cần có đánh giá thực chất hơn về hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực FDI trong bối cảnh hiện tại. “Giá như có thêm các phân tích sâu về giá trị gia tăng, năng suất, đóng góp thực tế vào tăng trưởng thì báo cáo sẽ thuyết phục và hữu ích hơn cho nhà hoạch định chính sách,” một chuyên gia phát biểu.
Đồng tình với góp ý này, GS. Nguyễn Mại cho biết, trong thời gian tới, VAFIE mong muốn xây dựng một bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả FDI mang tính hệ thống, phục vụ cho việc hoạch định chính sách dài hạn, từ đó giúp Việt Nam chuyển sang giai đoạn "nâng chất" thay vì chỉ "nâng lượng" trong thu hút đầu tư nước ngoài.