Thị trường

Vietjet mua máy bay thân rộng phục vụ đường bay thẳng đến Mỹ

(VNF) - Chiến lược của Vietjet khi mở rộng các đường bay quốc tế bắt đầu từ châu Á, với hơn 400 chuyến bay hàng tuần sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, tăng 270 chuyến so với cùng kỳ năm 2016.

Vietjet mua máy bay thân rộng phục vụ đường bay thẳng đến Mỹ

Hãng hàng không Vietjet Air dự kiến sẽ mua thêm một loạt máy bay thân rộng để mở rộng đội bay của mình phục vụ cho kế hoạch phát triển mạng đường bay quốc tế. Vietjet dự kiến sẽ có đường bay thẳng tới California, điểm đến đầu tiên tới Mỹ bắt đầu từ năm 2019. 

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, hãng hàng không này sẽ sử dụng máy bay có sức chứa lớn hơn để phục vụ đường bay thẳng tới Mỹ sau khi Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA) cho phép các hãng hàng không Việt Nam được bay thẳng tới Mỹ. Họ sẽ cân nhắc lựa chọn máy bay Boeing 787 hoặc Airbus A350 cho kế hoạch này.

Những chuyến bay đầu tiên sẽ bay thẳng từ Việt Nam tới sân bay quốc tế Norman Y. Mineta San Jose, gần với khu vực sinh sống của cộng đồng người Việt, đồng thời có thể phục vụ được hành khách ở San Francisco.

Chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn mới đây, CEO Vietjet cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng sẽ mở rộng mạng bay quốc tế trong vài năm tới. Các chuyến bay quốc tế sẽ chiếm khoảng 60% trong tổng số các chuyến bay của chúng thôi. Vietjet cũng đang nghiên cứu sử dụng những tàu bay thân rộng cho những chuyến bay dài nếu điều kiện thị trường thuận lợi".

Vietjet đã có những bước tiến đáng kinh ngạc và là đối thủ cạnh tranh đáng gờm với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines). Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ là một trong 5 thị trường hàng không phát triển nhanh nhất trên thế giới.

Tổng giám đốc Vietnam Airlines, ông Dương Trí Thành cũng cho biết trong tuần này Vietnam Airlines đã xem xét tới việc mở một đường bay đến Los Angeles vào cuối năm 2019 hoặc đầu năm 2020.

Trong hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 và chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Donal Trump, Vietjet và Pratt&Whitney đã ký một thỏa thuận trị giá 600 triệu USD. Đây là đơn hàng tiếp theo của hợp đồng cung cấp động cơ GTF cho 63 máy bay trị giá 3,1 tỷ USD được ký kết vào tháng 2/2016.

Trước đó, ngày 31/5/2017, tại Washington D.C, Công ty cổ phần hàng không Vietjet và Công ty CFM International – một liên doanh giữa GE và Safran đã ký hợp đồng cung cấp 215 động cơ máy bay kèm theo dịch vụ kỹ thuật, bảo dưỡng. Hợp đồng này trị giá 3.6 tỷ USD và được thực hiện trong vòng 12 năm.

"Năng lực quốc tế của hãng hàng không giá rẻ này đã tăng hơn 150% trong năm qua", ông Brendan Sobie, một chuyên gia hàng không của trung tâm CAPA, tổ chức quốc tế chuyên nghiên cứu về thị trường hàng không nhận xét.

Năm 2014, Vietjet đã đặt hàng tổng cộng 230 chiếc máy bay trị giá lên tới gần 23 tỷ USD với hai hãng Airbus và Boeing.

Tính đến cuối năm 2016, thị phần hàng không trong nước của Vietjet và Vietnam Airline ngang nhau, khoảng 42% mỗi hãng. Tuy nhiên, trong năm 2017, con số này của Vietjet đã giảm nhẹ vì Vietjet đang tập trung vào phát triển các chuyến bay quốc tế.

Khi đã khai thác tối đa thị trường nội địa, thị phần trong nước của Vietjet sẽ dần về điểm bão hòa. Vì vậy, bên cạnh việc mở rộng và tăng tần suất các đường bay nội địa, Vietjet còn tập trung phát triển cả mạng đường bay quốc tế để duy trì tăng trưởng

Tháng 5/2016, Vietjet Air có hợp đồng mua 100 máy bay Boeing 737 MAX 200 trị giá 11,3 tỷ USD. Thời điểm đó, lễ ký kết này đã gây tiếng vang lớn.

Trước đó, ngày 10/11/2015, lãnh đạo hãng hàng không Vietjet Air và tập đoàn Airbus đã ký bản hợp đồng đặt mua thêm 30 máy bay A321 (21 chiếc A321neo và 9 chiếc A321ceo) thế hệ mới, với tổng giá trị công bố 3,6 tỷ USD.

Được thành lập năm 2007 và chính thức khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào tháng 12/2011, Vietjet dự kiến sẽ phục vụ 17 triệu hành khách trong năm nay, tăng 2 triệu hành khách so với năm 2016.

Theo bà Thảo, hãng hàng không này hy vọng lợi nhuận năm 2017 sẽ tăng 10% so với kế hoạch đề ra.

Chiến lược của Vietjet khi mở rộng các đường bay quốc tế bắt đầu từ châu Á, với hơn 400 chuyến bay hàng tuần sẽ được đưa vào hoạt động vào cuối năm nay, tăng 270 chuyến so với cùng kỳ năm 2016.

Mở đường bay thẳng đến Hoa Kỳ là một thách thức không nhỏ đối với Vietjet khi phải cạnh tranh với những hãng hàng không kỳ cựu khác, ông Sobie cho hay.

"Sự cạnh tranh quả là khốc liệt. Với những chuyến bay kéo dài hơn 12 tiếng, nó sẽ cần thêm những chi phí đắt đỏ. Để có được lợi nhuận ở những chuyến bay này chẳng dễ dàng gì", ông nói thêm.

Ngoài ra, khi tiến ra sân chơi khu vực, đối thủ của Vietjet không còn là Vietnam Airlines hay Jetstar, mà là rất nhiều hãng hàng không trong khu vực, trong đó cũng có rất nhiều hãng bay theo chiến lược giá rẻ.

"Vietjet sẽ khai thác những dịch vụ thích hợp để vượt qua những khó khăn ban đầu. Chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ ở các sân bay khu vực ở San Jose và Hạt Orange, California, những nơi có nhiều người Việt sinh sống. Chúng tôi đang tìm kiếm các sân bay nơi có nhu cầu cao nhưng chưa có nhiều hãng hàng không bay đến đó", bà Thảo cho hay.

Ngày 5/12/2003, Hiệp định hàng không Việt - Mỹ chính thức được ký kết, cho phép các hãng hàng không 2 nước cung cấp dịch vụ trực tiếp lẫn nhau không hạn chế. Theo đó, sau 2 năm từ ngày ký hiệp định, mỗi nước có quyền chỉ định tối đa 2 hãng hàng không thực hiện bay thẳng, góp phần rút ngắn lộ trình, tiết kiệm thời gian cho hành khách và vận chuyển hàng hóa.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này chưa được chứng nhận đạt CAT1 (chuẩn mức 1 trong quy chế an toàn của Cục Hàng không liên bang Mỹ) nên các hãng hàng không Việt Nam chưa thể mở đường bay đến Mỹ.

Lê Anh 

Tin mới lên