Tiêu điểm

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Hà Nội năm 2020

(VNF) - 2020 là năm đánh dấu nhiều sự kiện đáng chú ý của thành phố Hà Nội. Nổi bật trong đó là việc thay đổi ở vị trí lãnh đạo cao nhất của thành phố. Ngoài ra, trong năm 2020, hạ tầng giao thông của Hà Nội cũng có nhiều chuyển biến tích cực bởi nhiều dự án giao thông lớn được hoàn thiện.

VietnamFinance bình chọn 10 sự kiện tiêu biểu của Hà Nội năm 2020

2020 là năm đánh dấu nhiều sự kiện đáng chú ý của thành phố Hà Nội.

Kiện toàn bộ máy chính quyền 

Sau khi ông Hoàng Trung Hải được phân công làm Phó trưởng Tiểu ban văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 7/2/2020, Bộ Chính trị đã quyết định bổ nhiệm ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị giữ chức bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ông Vương Đình Huệ sinh ngày 15/3/1957, quê quán tại xã Nghi Xuân, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Ông chính thức vào Đảng cộng sản Việt Nam ngày 9/9/1985. Ông có trình độ giáo sư, tiến sỹ kinh tế và cao cấp lý luận chính trị.

Trong quá trình công tác, ông Vương Đình Huệ từng giữ chức vụ phó tổng Kiểm toán Nhà nước vào năm 2001. Đến năm 2006, ông được bổ nhiệm làm tổng Kiểm toán Nhà nước.

Từ năm 2011 đến 2016, ông từng đảm nhiệm các chức vụ như bộ trưởng Bộ Tài chính, trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Trước khi được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Huệ là phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam.

Người tiếp theo là ông Chu Ngọc Anh. Ông được Bộ Chính trị quyết định bổ nhiệm làm phó bí thư Thành ủy Hà Nội vào tháng 9/2020.

Tiếp đó, tại phiên họp ngày 25/9, HĐND TP. Hà Nội đã thống nhất bầu ông Chu Ngọc Anh, Phó bí thư Thành ủy Hà Nội, vào chức danh chủ tịch UBND TP Hà Nội với hình thức bỏ phiếu kín.

Được biết, ông Chu Ngọc Anh sinh năm 1965, quê quán tại xã Thái Hòa, Ba Vì, Hà Nội. Ông có trình độ tiến sỹ vật lý. Trong quá trình công tác, ông từng giữ các chức vụ quan trọng như: thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ. Từ tháng 4/2016 đến nay, ông là bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cũng giữ một chức vụ chủ chốt Hà Nội là ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội. Trước khi được bầu làm chủ tịch HĐND TP Hà Nội vào 9/12, ông Tuấn đang là phó bí thư Thành ủy Hà Nội.

Trước đó, ông Tuấn từng có thời gian công tác tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội. Giai đoạn từ tháng 4/2014 - 10/2020, ông từng đảm nhiệm các chức vụ như phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, phó bí thư Đảng đoàn, phó chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội.

Lên kế hoạch xây dựng tuyến metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc 65.000 tỷ

Để triển khai dự án, tháng 9/2020, Hà Nội đã có tờ trình số 151/TTr-UBND kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp cuối năm 2020.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng thống nhất phương án trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư toàn tuyến trong một giai đoạn và điều chỉnh số lượng ga trên tuyến từ 17 lên 21 ga.

Đồng thời, Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách thành phố và áp dụng thí điểm thực hiện theo hình thức đối tác thực hiện dự án PDP (học tập theo mô hình của Malaysia).

Sau khi thành phố Hà Nội có tờ trình, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1699/QĐ-TTG về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt đô thị (metro) tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc.

Được biết, dự án có tổng chiều dài hơn 37km, trong đó có 6,5km đi ngầm, 2km đi trên cao và 29,93km đi trên mặt đất. Dự án đi qua địa phận các quận Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, dự án sẽ được khởi công vào năm 2022 và đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2026.

Tuyến metro số 5 sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, điện khí hóa, toàn tuyến có 21 ga (6 ga ngầm, 14 ga trên mặt đất, 1 ga trên cao). Dự kiến, tuyến sẽ khai thác khoảng 25 - 40 đoàn tàu gồm 4 - 6 toa, vận tốc thiết kế 120km/h và 90km/h đối với các đoạn đi ngầm; thời gian chờ tàu vào khoảng 3,3 phút.

Dự án có tổng mức đầu tư ước khoảng 65.404 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 24.844 tỷ đồng, chi phí thiết bị 16.629 tỷ đồng này dự kiến được sẽ đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.

Dự án được đề xuất đầu tư bằng ngân sách thành phố, gồm vốn đầu tư công và tiết kiệm chi giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng; nguồn cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước (18.000 - 20.000 tỷ đồng); vốn phát hành trái phiếu dự kiến 10.000 tỷ đồng; vay tổ chức tài chính trong và ngoài nước.

Trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD

Tại hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác đầu tư và phát triển” được tổ chức vào ngày 27/6/2020, TP Hà Nội đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 116 dự án với tổng vốn đầu tư 339.670 tỷ đồng (tương đương 15,5 tỷ USD).

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố đã ký 36 biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng giá trị 26,079 tỷ USD, trong đó có 23 MOU của các doanh nghiệp trong nước (17,855 tỷ USD) và 13 MOU của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (8,224 tỷ USD).

UBND TP cũng công bố tại hội nghị danh mục 282 dự án xúc tiến, kêu gọi đầu tư với tổng số vốn 483,1 nghìn tỷ đồng (tương ứng 21,66 tỷ USD) trong 8 lĩnh vực đầu tư.

Hoàn thiện một số công trình hạ tầng giao thông lớn

Sáng 11/10/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức kễ khánh thành dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường Vành đai 3 TP. Hà Nội.

Dự án cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long có tổng vốn đầu tư hơn 5.343 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn vốn vay ODA của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản ( JICA) là 4.525 tỷ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam 817 tỷ đồng.

Công trình có tổng chiều dài 5,367km, trong đó chiều dài cầu cạn là 4,831km, được thiết kế bốn làn xe theo tiêu chuẩn cao tốc, mỗi làn xe rộng 3,75m; hai làn dừng khẩn cấp, hai dải an toàn bên trong, dải phân cách giữa... bảo đảm cho xe chạy với vận tốc 100km/h.

Trong thời gian đưa vào khai thác, sử dụng, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án Thăng Long tiếp tục triển khai, tổ chức thi công hoàn chỉnh 6 nhánh lên xuống tại các nút giao Hoàng Quốc Việt, Nam Thăng Long và dự kiến hoàn thành vào quý II/2021; tiếp tục xây dựng 2 cầu kẹp song song với cầu Mai Dịch hiện tại.

Sau khi thông xe cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đến ngày 9/11/2020, thành phố Hà Nội cũng đã cho thông xe đường vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã Tư Vọng - Ngã Tư Sở.

Trước đó, vào tháng 4/2018, UBND TP Hà Nội khởi công dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng.

Đây là dự án theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án được xây mới hoàn toàn tuyến đường bộ trên cao bằng cầu cạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, có chiều dài 5,1km, rộng 19m.

Dự án có phạm vi đi qua 4 quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Đống Đa với tổng mức đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 4.194 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là 2018-2020. Giai đoạn 1 từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở có thể thi công trong vòng 15 tháng với điều kiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được lấy từ ngân sách TP.

Riêng đoạn từ ngã tư Vọng tới cầu Vĩnh Tuy hiện vẫn chưa thể đưa vào khai thác bởi vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Ông Nguyễn Đức Chung bị bắt do liên quan đến vụ Nhật Cường

Ngày 28/8/2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND Hà Nội, để điều tra về hành vi Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước.

Trước đó, ngày 11/8/2020, ông Nguyễn Đức Chung đã bị đình chỉ công tác 90 ngày để xác minh, điều tra vai trò liên quan đến 3 vụ án gồm: Nhật Cường Mobile, Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Vừa qua, tại phiên tòa ngày 11/12, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Nguyễn Đức Chung (53 tuổi, cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội) và 3 đồng phạm về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", quy định tại điều 337 Bộ luật Hình sự.

Theo đó, tòa sơ thẩm tuyên ông Nguyễn Đức Chung 5 năm tù về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước". Trước đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã hoàn tất cáo trạng, truy tố Nguyễn Đức Chung về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", theo quy định tại khoản 3, Điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt 10-15 năm tù.

Tiếp đó, đến ngày 17/12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật khai trừ ông Nguyễn Đức Chung ra khỏi Đảng.

Xử lý tốt ổ dịch Bạch Mai

Trước đó, ngày 20/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh COVID-19 số 86 và 87 là nữ nhân viên điều dưỡng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới thuộc bệnh viện Bạch Mai. Sau đó, bệnh viện Bạch Mai liên tiếp ghi nhận thêm một số ca mắc mới.

Do đó, từ ngày 28/3, Hà Nội đã phong tỏa cơ sở y tế lớn nhất cả nước này nhằm không để Covid-19 lây lan ra cộng đồng.

Bệnh viện đã thực hiện cách ly toàn bộ khu vực khuôn viên, thực hiện “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, không tiếp nhận các bệnh nhân mới; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên, người lao động và áp dụng nhanh chóng các biện pháp cách ly khác. Ngoài ra, bệnh viện đã báo cáo cấp trên đề nghị Bộ Quốc phòng cử các lực lượng, phương tiện chuyên dụng đến triển khai các biện pháp hỗ trợ phòng, chống dịch.

Để giúp bệnh viện Bạch Mai ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, Bộ Quốc phòng đã cử các đơn vị mang theo phương tiện, trang bị, máy móc nhanh chóng triển khai lực lượng đến hỗ trợ.

Chiều 1/4, UBND TP Hà Nội cho biết đã điều tra được 15.749 trường hợp là bệnh nhân khám ngoại trú, người đến chăm sóc, thăm người bệnh, học viên đi học… tại bệnh viện Bạch Mai, qua đó, đã thực hiện cách ly 13.225 trường hợp chưa qua 14 ngày.

Riêng tại bệnh viện Bạch Mai, hơn 4.000 nhân viên y tế cũng được xét nghiệm và đều có kết quả âm tính với Covid-19.

Tính đến 7h ngày 11/4, quận đã lấy 462 mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ vùng dịch, liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai... Kết quả, có 2 mẫu dương tính với Covid-19 là bệnh nhân 148 và 215 (bệnh nhân 148 đã khỏi và ra viện, bệnh nhân 215 đã âm tính lần 1); 395 mẫu âm tính; số còn lại đang chờ kết quả. Riêng trong hai ngày 9 và 10/4, Trung tâm Y tế quận tiếp tục lấy 518 mẫu dịch hầu họng gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội để xét nghiệm RT-PCR.

Số người đã cách ly, theo dõi sức khỏe trên địa bàn quận Đống Đa là 4.588 người; trong đó, 4.124 trường hợp đã hết thời gian cách ly hoặc xét nghiệm âm tính, 464 trường hợp đang tiếp tục cách ly và theo dõi sức khỏe.

Với việc thực hiện tốt các biện pháp cách ly, đến chiều 11/4, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đã ký ban hành Quyết định số 1052/QĐ-UBND về việc kết thúc vùng cách ly y tế đối với Bệnh viện Bạch Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa). Việc kết thúc cách ly này có hiệu lực kể từ 0h ngày 12/4.

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, tính từ ngày phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Bạch Mai đến ngày kết thúc phong tỏa (ngày 12/4), đã có 48 ca mắc bệnh Covid-19 liên quan đến bệnh viện Bạch Mai.

Tranh cãi vụ Khu đô thị Mỹ Hưng

Ngày 23/11/2020, Văn phòng UBND TP. Hà Nội phát đi thông báo số 554/TB-VP về kết luận của Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 tại Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Chỉ sau 2 ngày có thông báo kết luận trên, ngày 25/11/2020 ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 5269/QĐ-UBND.

Tại điều 1, quyết định này ghi rõ: “Điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/07/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi 1.820.433 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP”.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được Quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc điều chỉnh tên người sử dụng đất tại dự án khu đô thị Mỹ Hưng-Cienco 5, Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đã có đơn khiếu nại gửi lên Chủ tịch UBND TP. Hà Nội.

Trong đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Đỗ Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5, nêu rõ ngày 18/4/2008, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã ký Hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) thực hiện dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây với Tổng công ty công trình giao thông 5 và Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (gọi là bên B).

Để hoàn vốn của dự án đường trục phía Nam, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) đã giao cho bên B thực hiện dự án khác, gồm 3 dự án bất động sản là dự án khu đô thị Thanh Hà A - Cienco 5, dự án khu đô thị Thanh Hà B-Cienco 5 và dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Căn cứ Hợp đồng BT, ngày 30/7/2008, UBND tỉnh Hà Tây đã ban hành các Quyết định thu hồi đất và giao cho Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 để thực hiện dự án hoàn vốn của dự án đầu tư (bao gồm Quyết định số 3128/QĐ-UBND thu hồi 1.829.433m2 đất để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng; Quyết định 3129/QĐ- UBND thu hồi 2.789.912,8m2 đất trên địa bàn huyện Thanh Oai để thực hiện dự án khu đô thị Thanh Hà A và dự án khu đô thị Thanh Hà B; Quyết định 3130/QĐ-UBND thu hồi 1.080.255,6m2 để thực hiện dự án khu đô thị Thanh Hà A và dự án khu đô thị Thanh Hà B).

Hủy chặng đua công thức 1

Giải đua xe Công thức 1 (F1) diễn ra tại Hà Nội là một trong những sự kiện được đón chờ nhất trong năm 2020. Theo đúng lịch trình, các tay đua chính thức tranh tài trong Viet Nam Grand Prix 2020 - Giải đua xe công thức 1 Việt Nam 2020 từ ngày 3 đến 5/4 tại Hà Nội.

Để phục vụ cho giải đua này, trước đó, ngày 20/3/2019, UBND TP. Hà Nội và Công ty Việt Nam Grand Prix đã tổ chức lễ khởi công xây dựng đường đua F1 tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Đường đua F1 tại Hà Nội và các khu chức năng được triển khai trên tổng diện tích 88ha, gồm phần thuộc khuôn viên của Khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và một phần trên đường giao thông công cộng hiện tại.

Đường đua có chiều dài 5,607 km, gồm 23 góc cua kinh điển được kế thừa và lấy cảm hứng từ những đường đua hấp dẫn nhất thế giới.

Sau hơn 11 tháng thi công, đến cuối tháng 2/2020, đường đua F1 Hà Nội đã chính thức hoàn thành. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, tối 13/3/2020, Ban Tổ chức Giải đua xe F1 Vietnam Grand Prix thông báo tạm hoãn chặng đua tại Hà Nội.

Đến ngày 16/10, chặng đua F1 Việt Nam chính thức bị hủy để bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.

Khởi động cây cầu Tứ Liên

Ngày 10/6/2020, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã công bố kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Tứ Liên. Theo đó, UBND TP Hà Nội đã quyết định chọn phương án thiết kế cầu Tứ Liên do Tập đoàn Sun Group và Công ty TNHH quốc tế T.Y.Lin Việt Nam nghiên cứu.

Theo phương án thiết kế, địa điểm xây dựng cầu sẽ nằm giữa cầu Nhật Tân và cầu Long Biên, nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh; kết nối từ tuyến đường trục chính đô thị quy hoạch dọc đê Hữu Hồng với Quốc lộ 5 kéo dài, thuộc địa bàn quận Tây Hồ, quận Long Biên và huyện Đông Anh.

Phạm vi dự kiến có điểm đầu giao với đường Nghi Tàm, điểm cuối qua nút giao Quốc lộ 5, có tổng chiều dài theo tuyến thẳng khoảng 4.84km. Với 5 nút giao trong đoạn tuyến gồm: nút giao Nghi Tàm; nút giao Hữu Hồng; nút giao kết nối bãi giữa; nút giao Tả Hồng; nút giao Quốc lộ 5 kéo dài.

Cầu Tứ Liên được các chuyên gia của Tập đoàn T.Y.Lin đến từ Mỹ đưa ra ý tưởng về phương án kiến trúc là cầu dây văng, kết hợp văng xoắn, tạo ra các nhịp lớn với hệ khung kết cấu thép nhẹ, hai hệ trụ cầu chính được tạo hình.

Hình dáng cây cầu dây văng mang đậm nét về lịch sử và văn hóa Thủ đô Hà Nội, thiết kế ý tưởng có tính biểu tượng của Thành phố vì Hòa Bình gắn với chiều dài lịch sử, ngàn năm văn hiến của Thủ đô, hài hòa với cảnh quan đô thị xung quanh; kết hợp giữa yếu tố lịch sử, văn hóa truyền thống của Hà Nội với phong cách kiến trúc hiện đại và trở thành điểm nhấn cảnh quan về đô thị, điểm đến về du lịch của Thủ đô Hà Nội.

Samsung xây trung tâm R&D 220 triệu USD tại khu Tây Hồ Tây

Ngày 2/3/2020, Samsung Việt Nam chính thức công bố về việc bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, thủ đô Hà Nội.

Samsung cho biết việc xây dựng trung tâm R&D đã được triển khai nhanh chóng sau 2 cuộc họp quan trọng giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong vào năm 2018 tại Hà Nội và năm 2019 tại Seoul.

Trung tâm R&D của Samsung có quy mô đầu tư khoảng 220 triệu USD với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511m2. Tòa nhà được thiết kế với 16 tầng nổi, 3 tầng hầm và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2022. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người lên 3.000 người.

Được biết, trung tâm này là tòa nhà đầu tiên được Samsung xây dựng ở nước ngoài nhằm phục vụ công tác nghiên cứu và phát triển của tập đoàn. Ngoài ra, đây cũng là trung tâm nghiên cứu và phát triển được xây dựng với quy mô lớn nhất trong số các trung tâm của khối doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.

Hiện tại, tổng số vốn đầu tư của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam là hơn 17 tỷ USD, trong đó Samsung Điện tử chiếm 9,5 tỷ USD với sự hiện diện đầu tiên là nhà máy sản xuất điện thoại tại tỉnh Bắc Ninh vào năm 2008, tiếp theo đó là nhà máy sản xuất điện thoại thứ hai tại tỉnh Thái Nguyên; khu tổ hợp sản xuất hàng gia dụng và tivi tại TP. HCM và trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nội thành Hà Nội.

"Việc xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển mới là một bước tiến vượt bậc trong hành trình đầu tư 12 năm qua của Samsung tại Việt Nam. Thông qua dự án này, Việt Nam sẽ không chỉ là cứ điểm sản xuất lớn nhất của Samsung mà còn là trung tâm chiến lược về nghiên cứu và phát triển của tập đoàn", đại diện Samsung nói.

Tin mới lên