Viettel và PYN không còn là cổ đông lớn tại Vinaconex

Hoàng Lan - 04/01/2019 10:16 (GMT+7)

(VNF) - Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Quỹ đầu tư Phần Lan PYN Elite Fund đồng loạt công bố công còn là cổ đông lớn tại Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) từ cuối tháng 12/2018.

VNF
Viettel và PYN công bố không còn là cổ đông lớn tại Vinaconex từ cuối tháng 12/2018

Theo đó, Viettel đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ hơn 94 triệu cổ phiếu VCG, tương ứng 21,28% vốn tại Vinaconex vào ngày 27/12/2018.

Trước đó, vào ngày 22/11, Viettel đã bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phiếu VCG, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002 tỷ đồng đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phiếu.

Hai nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá lượng cổ phần Vinaconex do Viettel sở hữu gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển Nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam của ông Trịnh Cần Chính, con trai nhà tư sản Trịnh Văn Bô và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, một công ty mới thành lập tháng 11/2017.

Kết quả, một nhà đầu tư đã trúng giá với số tiền bỏ ra tổng cộng là 2.002.416.800.000 đồng, chỉ nhỉnh hơn vỏn vẹn 72.000 đồng so với nhà đầu tư còn lại.

Trong khi đó, Quỹ đầu tư Phần Lan, PYN Elite Fund thông báo đã chuyển nhượng toàn bộ 33,455 triệu cổ phiếu VCG, tương đương 7,575% vốn tại Vinaconex và không còn là cổ đông lớn tại đây từ ngày 26/12/2018. Đây không phải là điều bất ngờ vì trước đó đã có chủ trương Vinaconex phải khóa room ngoại về 0% khi thực hiện thoái vốn nhà nước. 

Trước khi PYN Elite Fund công bố không còn là cổ đông lớn tại Vinaconex, ngày 24/12, trên thị trường, khối ngoại đã bán khoảng 34 triệu cổ phiếu VCG và phần lớn được thực hiện tại mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu, thông qua giao dịch thỏa thuận, tương ứng tổng giá trị 836,4 tỷ đồng. Cùng ngày, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest đã thực hiện mua vào với khối lượng gần bằng khối ngoại bán ra, nâng sở hữu tại Vinaconex từ 0 cổ phiếu lên 33.455.400 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 7,57%. 

Hiện, Công ty TNHH An Quý Hưng là cổ đông lớn nhất, nắm 57,71% cổ phần tại Vinaconex. Sau khi Vinaconex chính thức trở thành công ty con của Công ty TNHH An Quý Hưng hậu thoái vốn nhà nước, HĐQT Vinaconex đã phê duyệt đơn xin từ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc của ông Đỗ Trọng Quỳnh.

Đồng thời, HĐQT Vinaconex quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Đông làm Tổng giám đốc Vinaconex. Cùng với đó là thay đổi người đại diện theo pháp luật của Vinaconex từ ông Đỗ Trọng Quỳnh sang ông Nguyễn Xuân Đông. 

Ngày 11/1 tới đây, tại hội trường tầng 21, trụ sở Vinaconex - 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội sẽ diễn ra đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019. 

Theo chương trình đại hội, HĐQT Vinaconex sẽ trình cổ đông ít nhất 4 tờ trình. Thứ nhất là tờ trình về việc bầu thay thế thành viên HĐQT và ban kiểm soát.

Các cổ đông/nhóm cổ đông đủ điều kiện đều được đề cử theo quy định. Dự kiến các thành viên HĐQT liên quan đến 2 cổ đông lớn cũ đã thoái toàn bộ vốn là SCIC và Viettel sẽ rút lui. An Quý Hưng sẽ giữ nhiều ghế nhất trong HĐQT. Tuy nhiên,vì An Quý Hưng mới sở hữu 57,71% vốn điều lệ Vinaconex nên chưa đủ quyền quyết định toàn bộ vấn đề.

Bên cạnh tờ trình bầu thay thế thành viên HĐQT và ban kiểm soát, HĐQT Vinaconex cũng sẽ trình cổ đông tờ trình về việc sửa đổi điều lệ và quy chế nội bộ về quản trị công ty; tờ trình về việc thay đổi ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty; tờ trình về việc bãi bỏ hiệu lực của một số quy chế quản trị của Tổng công ty do HĐQT đã ban hành trước đây (cho phù hợp với cơ cấu cổ đông mới).

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.