M&A

VinaCapital muốn thoái vốn tại Y khoa Tâm Trí với giá 100 triệu USD

(VNF) - Theo DealStreetAsia, quỹ VOF thuộc VinaCapital đang muốn bán toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty cổ phần Y khoa Tâm Trí với mức định giá 100 triệu USD.

VinaCapital muốn thoái vốn tại Y khoa Tâm Trí với giá 100 triệu USD

Bệnh viện Tâm Trí tại Đà Nẵng.

Theo nguồn tin của DealStreetAsia, kế hoạch bán cổ phần đã được quỹ này đưa ra từ năm 2019 và đã có đối tác tìm hiểu, thảo luận nhưng cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào được đưa ra.

Hiện, VinaCapital từ chối đưa ra bình luận về thông tin thoái vốn này.

VinaCapital đầu tư 25 triệu USD vào Y Khoa Tâm Trí hồi tháng 8 năm 2018, thông qua quỹ VOF.

Tại thời điểm VinaCapital rót vốn, Y khoa Tâm Trí hiện sở hữu chuỗi 4 bệnh viện tư nhân tại Đà Nẵng, Nha Trang, TP.HCM và Đồng Tháp, với trên 500 giường bệnh và hơn 700 nhân viên y tế. Công ty có mức tăng trưởng trên 30%/năm.

Đây là lần thứ 2, VinaCapital hợp tác đầu tư với bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc và là cổ đông sáng lập Y khoa Tâm Trí.

Năm 2009, VOF đầu tư 30 triệu USD vào Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, cũng do bác sỹ Nguyễn Hữu Tùng thành lập và 2 bên cùng thoái vốn cho Tập đoàn Fortis Healthcare vào năm 2013, với giá 100 triệu USD để sở hữu 65% cổ phần. Một thời gian sau, Fortis Healthcare bán cho Richard Chandler với giá 120 triệu USD. Hiện giới đầu tư đồn đoán, Hoàn Mỹ được định giá khoảng 300 triệu USD.

Sau khi bán Hoàn Mỹ, ông Tùng thiết lập chuỗi bệnh viện mới mang tên Tâm Trí ở TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Đồng Tháp.

Sau khi được VinaCapital rót vốn, Y Khoa Tâm Trí chia sẻ sẽ dùng tiền mua thêm trang thiết bị hiện đại, mở rộng các cơ sở hiện có, tăng công suất và chất lượng khám chữa bệnh...

Báo cáo Việt Nam 2035 do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo cho thấy, dư địa phát triển của dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh tổng chi tiêu cho y tế đang chiếm đến 5,8% GDP, cao nhất so với các nước trong khu vực và dự báo duy trì ổn định trong vòng 20 năm tới nhờ lộ trình xã hội hoá y tế.

Dù dư địa phát triển dịch vụ y tế tư nhân còn rất lớn nhưng đây được đánh giá là lĩnh vực “khó nhằn”.

Tin mới lên