Tài chính

Vinaconex báo lãi cao nhất lịch sử, hơn 2.155 tỷ đồng trong 'năm Covid'

(VNF) - Kết thúc "năm Covid", bất chấp những khó khăn mà đại dịch gây ra cho toàn bộ nền kinh tế trong và ngoài nước, Vinaconex vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng gần 125%, báo lãi kỷ lục 2.155 tỷ đồng.

Vinaconex báo lãi cao nhất lịch sử, hơn 2.155 tỷ đồng trong 'năm Covid'

Vinaconex báo lãi cao nhất lịch sử, hơn 2.155 tỷ đồng trong 'năm Covid'

Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 với doanh thu đạt 1.692 tỷ đồng, báo lãi trước thuế 261 tỷ đồng - tăng 18% so với cùng kỳ.

Trong quý, Vinaconex đã tiết giảm tốt các chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp về mức 50 tỷ đồng, 10 tỷ đồng và 93 tỷ đồng, tức giảm lần lượt 40%, 45% và 22%. Mặt khác, doanh thu tài chính của Vinaconex cũng được cải thiện ấn tượng, tăng 58% lên mức 140 tỷ đồng, qua đó góp phần vào kết quả tích cực ba tháng cuối năm vừa qua.

Lũy kế năm 2020, "ông lớn" ngành xây dựng, đầu tư bất động sản này ghi nhận doanh thu đạt gần 5.500 tỷ đồng, báo lãi trước thuế 2.155 tỷ đồng, cao nhất lịch sử khi vượt qua mức đỉnh hồi năm 2017 (1.951 tỷ đồng). Với kết quả này, lợi nhuận của Vinaconex tăng gấp hơn hai lần so với năm trước và vượt 108% mục tiêu năm 2020.

Trong "năm Covid", doanh thu tài chính của Vinaconex tăng đột biến nhờ đẩy mạnh hoạt động tái cấu trúc vốn đầu tư, thêm vào đó, các gánh nặng về chi phí tài chính, vận hành cũng được doanh nghiệp giảm tải.

Tại ngày 31/12/2020, tổng tài sản của Vinaconex đạt 19.659 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chiếm 12.965 tỷ đồng, trong đó tiền nhãn rỗi là 2.035 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn: 1.518 tỷ đồng, hàng tồn kho: 1.879 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn: 7.363 tỷ đồng...

Doanh nghiệp có 12.471 tỷ đồng nợ phải trả, tổng nợ vay chiếm hơn 4.400 tỷ đồng, giảm gần 260 tỷ đồng so với cuối năm 2019. Vốn chủ sở hữu đứng ở mức 7.187 tỷ đồng, trong đó Vinaconex đang lãi lũy kế hơn 2.190 tỷ đồng.

Một điểm sáng trong bức tranh tài chính năm vừa qua, đó là dòng tiền thuần kinh doanh của Vinaconex đã đảo chiều âm 1.493 tỷ đồng lên thặng dư hơn 570 tỷ đồng do lợi nhuận tăng mạnh và các khoản phải thu tụt giảm.

Cùng với đó, dòng tiền thuần đầu tư thăng dư 2.163 tỷ đồng, chủ yếu từ tái cấu trúc vốn đầu tư đã giúp doanh nghiệp giảm dư nợ vay 256 tỷ đồng. Các khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng và trái phiếu ngắn hạn qua đó cũng tăng mạnh, đạt trên 3.553 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tài sản và tăng 1.252 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Năm vừa qua, Vinaconex đã mua lại hơn 39 triệu cổ phiếu quỹ khiến số lượng cổ phiếu lưu hành và vốn chủ sở hữu đều giảm, tuy nhiên với khoản lợi nhuận tăng mạnh, lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) của VCG nhờ đó được cải thiện lên 3.743 đồng, tăng hơn hai lần so với 2019.

Theo tìm hiểu, hiện nay Vinaconex đang sở hữu một số dự án có giá trị tương đối lớn trong mảng xây lắp, đơn cử như các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông (gói XL03 Phan Thiết - Dầu Giây, XL04 Vĩnh Hảo - Phan Thiết, XL14 Mai Sơn - QL45); dự án tổ nghỉ dưỡng Mikazuki Spa & Hotel Resort - Đà Nẵng; dự án tổ hợp Lọc hóa dầu Long Sơn...

Đối với mảng bất động sản, Vinaconex đang hoàn thiện thủ tục đầu tư một số dự án trọng điểm, với kì vọng có thể triển khai ngay và thu về dòng tiền vào cuối năm như dự án khu đô thị đại lộ Hòa Bình kéo dài tại Móng Cái; dự án Cái Giá - Cát Bà; dự án khu trung cư cao cấp 93 Láng Hạ...

Trên thị trường, kết phiên sáng 1/2, cổ phiếu VCG đứng ở mức 47.100 đồng/cổ phiếu, tăng gần 13% so với phiên chào sàn HoSE ngày 29/12/2020.

Tin mới lên