Tài chính

Vingroup: Quý IV/2021 lỗ trước thuế 6.370 tỷ, kéo lãi trước thuế cả năm giảm 76%

(VNF) – Quý IV/2021, lợi nhuận gộp của Vingroup (HoSE: VIC) tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước, song do doanh thu tài chính sụt giảm mạnh và chi phí quản lý tăng cao, công ty lỗ trước thuế tới 6.369 tỷ đồng. Kết quả này kéo lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 giảm 76% so với năm trước, chỉ đạt 3.345 tỷ đồng.

Vingroup: Quý IV/2021 lỗ trước thuế 6.370 tỷ, kéo lãi trước thuế cả năm giảm 76%

Vingroup: Quý IV/2021 lỗ trước thuế 6.370 tỷ, kéo lãi trước thuế cả năm giảm 76%

Kinh doanh kém sắc

Quý IV/2021, doanh thu thuần của VIC đạt 34.458 tỷ đồng, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ giá vốn được cải thiện, lợi nhuận gộp tăng 47%, đạt 8.240 tỷ đồng.

Trong quý, doanh thu tài chính giảm 70%, đạt 3.212 tỷ đồng. Nguyên nhân là lãi từ thanh lý các khoản đầu tư tài chính và chuyển nhượng công ty con sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, công ty cũng chịu lỗ khác tới 3.492 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 100 tỷ đồng).

Về mặt chi phí, quý IV/2021, chi phí tài chính giảm 20% (đạt 2.788 tỷ đồng), chi phí bán hàng giảm 16% (đạt 2.019 tỷ đồng), riêng chi phí quản lý tăng 52% (đạt 9.515 tỷ đồng).

Như vậy, có thể thấy, do sự tăng cao của chi phí quản lý, chịu lỗ khác rất đậm và sự suy giảm của doanh thu tài chính, kết quả kinh doanh quý IV/2021 của VIC rất u ám. Kết thúc quý, công ty lỗ trước thuế 6.369 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 4.212 tỷ đồng), lỗ sau thuế 9.249 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.708 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của VIC đạt 125.306 tỷ đồng, tăng 13% so với năm trước; lợi nhuận gộp tăng mạnh hơn (tăng 94%) đạt 33.679 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do doanh thu tài chính giảm tới 49% (đạt 15.794 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng tới 80% (đạt 24.177 tỷ đồng), lợi nhuận của VIC bị bào mòn dữ dội. Kết thúc năm, công ty có lãi trước thuế chỉ 3.345 tỷ đồng, giảm tới 76% so với năm trước. Khấu trừ thuế, công ty chịu lỗ tới 7.522 tỷ đồng (trong khi cùng kỳ có lãi 4.545 tỷ đồng).

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh

Về tài sản, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của VIC đạt 427.324 tỷ đồng, “nhích” 1% so với đầu kỳ. Trong đó tài sản ngắn hạn là 163.351 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 263.973 tỷ đồng.

Cơ cấu tài sản có điểm đáng chú ý là sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 43% lên 74.343 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn tăng 18% lên 80.304 tỷ đồng gồm: dự án VinFast 8.923 tỷ đồng, dự án Vinhomes Long Beach Cần Giờ 12.730 tỷ đồng...

Hàng tồn kho suy giảm 18% so với đầu kỳ, xuống 50.910 tỷ đồng, trong đó gần 39.000 tỷ đồng là bất động sản bán đang xây dựng, chỉ 1.994 tỷ đồng là thành phẩm hàng hóa.

Các khoản phải thu dài hạn giảm rất mạnh từ 7.379 tỷ đồng đầu kỳ xuống chỉ còn 599 tỷ đồng cuối kỳ, tương đương giảm 92%.

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2021 là 268.177 tỷ đồng, giảm 6% so với đầu năm. Cơ cấu nguồn vốn nổi bật là: khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn giảm 40%, còn 22.352 tỷ đồng; vay ngắn hạn giảm 23% xuống 20.035 tỷ đồng trong khi vay dài hạn tăng 4% lên 102.180 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm là 159.146 tỷ đồng, tăng 17% so với đầu năm. Như vậy có thể thấy hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của VIC là ở mức an toàn.

Về dòng tiền, năm 2021, dòng tiền kinh doanh của VIC âm 8.596 tỷ đồng (cùng kỳ 15.955 tỷ đồng), do tăng các khoản phải thu (12.153 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (15.633 tỷ đồng).

Trong năm, VIC tăng chi mua sắm tài sản cố định (40.938 tỷ đồng), tăng chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác (11.775 tỷ đồng). Hệ quả là công ty phải tăng thu từ đi vay tới 75.447 tỷ đồng (cao hơn năm trước khoảng 34.000 tỷ đồng), tiền chi trả nợ gốc vay cũng tăng thêm 29.000 tỷ đồng, lên 68.070 tỷ đồng. Lưu chuyển tiền thuần âm 9.750 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền sụt giảm 33% còn 19.653 tỷ đồng.

Tin mới lên