Tài chính

VN-Index chưa thể thoát nhịp điều chỉnh

(VNF) - Giới phân tích chung quan điểm rằng chỉ số VN-Index vẫn đang trong nhịp điều chỉnh, kiểm định lại các ngưỡng kháng cự trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm.

VN-Index chưa thể thoát nhịp điều chỉnh

VN-Index chưa thể thoát nhịp điều chỉnh

Phiên cuối tuần qua, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ nhờ nỗ lực tích cực của cổ phiếu ACB và MBB. Cụ thể, chỉ số sàn HoSE mất đi 0,88 điểm (tương đương 0,07%), đóng cửa tại 1.173,5 điểm. Sàn HNX khác biệt hơn khi tăng nhẹ 0,22 điểm (tương đương 0,1%), giá đóng cửa là 231,18 điểm. Cùng hòa nhịp với sàn HNX là sàn UPCoM với mức tăng 0,78 điểm (tương đương 1,04%), chốt phiên tại 76,13 điểm.

Chỉ số VN30 có mức giảm nhiều nhất với 7,35 điểm (tương đương 0,62%), đóng cửa tại 1.180,59 điểm. Hầu hết các cổ phiếu trong nhóm này đều giảm giá, điển hình là SBT (-2,1%), FPT (-2,0%), REE (-1,7%), VPB (-1,7%)… Chỉ phần ít cổ phiếu tăng giá đỡ cho chỉ số VN30 không giảm sâu như MBB (+2,5%), BID (+1,6%), CTG (+0,5%), STB (+0,5%)…

Mặc dù sàn HoSE giảm điểm nhưng đã xuất hiện nhiều cổ phiếu Midcap có mức giá đóng cửa tích cực như RIC (+7,0%), SFI (+7,0%), ILB (+6,9%), PAN (+6,9%)… Sàn HNX ghi nhận nhiều cổ phiếu tăng giá hơn như CSC (+9,7%), VHE (+10,0%), VGS (+9,4%), L14 (+9,0%)… Ở sàn UPCoM cũng xuất hiện các cổ phiếu có thanh khoản và mức tăng tốt như LTG (+6,7%), G36 (+6,8%), SGP (+6,3%)…

Giao dịch của khối ngoại trong phiên không thực sự nổi bật với mức bán ròng nhẹ gần 12 tỷ. Sàn HoSE bị bán 12,85 tỷ, tập trung ở VNM (-116,2 tỷ), CTG (-96,3 tỷ), HSG (-54,4 tỷ), NVL (-44,3 tỷ)… Sàn HNX có mức bán ròng thấp, chỉ 0,61 tỷ, tập trung ở IDV (-2,88 tỷ), PVS (-1,95 tỷ), CSC (-1,7 tỷ) … Chỉ duy nhất sàn UPCoM được khối ngoại mua ròng 1,54 tỷ, tập trung ở ACV (+1,7 tỷ), MCH (+1,58 tỷ), LTG (+1,57 tỷ)…

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), mức độ điều chỉnh của thị trường  sau hai phiên hưng phấn đầu Xuân không mạnh, đồng thời xuất hiện sự phân hóa dòng tiền rõ nét. Công ty chứng khoán này khuyến nghị các nhà đầu tư có thể chờ các cổ phiếu bluechip hoàn thành nhịp điều chỉnh hoặc có thể tham gia vào nhóm cổ phiếu phân hóa tích cực trên thị trường trong hoàn cảnh này.

Trên quan điểm phân tích kỹ thuật, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho hay tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn vẫn tiếp tục được duy trì ở mức Tích cực đối với tất cả các chỉ số chứng khoán. Mặc dù vậy, mức đỉnh cũ trong tháng 1 tại 1.188 điểm của VN30 và tại 1.420 điểm của VNMidcap tiếp tục là kháng cự mạnh đối với thị trường.

VCSC dự báo trong phiên giao dịch đầu tuần, việc các chỉ số chứng khoán duy trì đóng cửa trên đường MA3 ngày có thể sẽ thúc đẩy một nhịp tăng điểm để VN30 kiểm định lại kháng cự tại 1.188 điểm, còn VN-Index kiểm định kháng cự gần 1.200 điểm.

"Trong kịch bản này, sự giằng co có thể sẽ tiếp tục diễn ra ở vùng giá cao và tạo ra sự rung lắc, phân hóa và thậm chí là điều chỉnh tại các chỉ số. Khi đó, VN-Index sẽ kiểm định hỗ trợ gần nhất là đường MA3 ngày tại 1.168 điểm; nếu rơi xuống dưới hỗ trợ này, bên bán sẽ chiếm ưu thế trở lại và làm gia tăng áp lực điều chỉnh cho thị trường. Các ngưỡng hỗ trợ mạnh hơn tạo bởi MA5, MA10 của VN-Index hiện đang nằm tại 1.125-1.145 điểm", công ty chứng khoán này nêu quan điểm.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) dự báo VN-Index có thể diễn biến điều chỉnh tích lũy trong những phiên đầu tuần và tăng điểm trở lại về cuối tuần. Các nhóm cổ phiếu sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn trong những phiên kế tiếp. Đồng thời, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo các bộ chỉ số của MSCI tại thị trường cận biên sẽ tạo ra ảnh hưởng rõ nét hơn đối với diễn biến thị trường trong tuần cuối tháng 2.

Theo chuyên gia của BVSC, nhà đầu tư nên nâng tỷ trọng nắm giữ cổ phiếu trong danh mục lên mức 50 - 70% cổ phiếu, ưu tiên nắm giữ các vị thế trung - dài hạn. Các nhịp rung lắc, điều chỉnh mạnh của thị trường vẫn được xem là cơ hội để các nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong danh mục.

Tin mới lên