Tiêu điểm

VNF cuối tuần: Để chất vấn luôn là hình thức giám sát hiệu quả, thực chất

(VNF) - Quốc hội đã khép lại tuần làm việc sôi động với chương trình chất vấn trực tiếp Thủ tướng và bốn bộ trưởng. Cảm nhận chung là chương trình chất vấn tại Kỳ họp này đã đi thẳng được vào các vấn đề quan trọng nhất của đời sống và dấu ấn điều hành chất vấn của Chủ tịch Quốc hội khá rõ nét.

VNF cuối tuần: Để chất vấn luôn là hình thức giám sát hiệu quả, thực chất

Hoạt động chất vấn tại Quốc hội ngày càng đi vào thực chất hơn. Ảnh: TTXVN

Chuyện cũ chép lại

Ngày 20/12/1991, tại kỳ họp thứ X Quốc hội khóa VIII ghi nhận một câu chuyện thú vị trong lịch sử Quốc hội: Sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoàng Quy đọc xong một báo cáo về tài chính, thay vì trở về chỗ ngồi như thường lệ, ông đã được Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo mời đứng lại để trả lời chất vấn.

16 năm sau ngày thống nhất, sự kiện Bộ trưởng Hoàng Quy bị chất vấn ngay tại Quốc hội thực sự đã là một điểm nhấn rất đáng chú ý, cho dù đó không phải là phiên chất vấn đầu tiên ở Quốc hội. Phiên chất vấn đặc biệt đầu tiên đã có từ năm 1946. Sử chép đó là một phiên chất vấn “sôi nổi, kéo dài từ chiều 31/10 cho đến 1 giờ sáng ngày hôm sau 01/11/1946” tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I. Thông qua những người đại biểu đại diện cho mình, cử tri Việt Nam lần đầu tiên có quyền đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về các công việc mà Chính phủ đã làm.

Trong diễn văn bế mạc kỳ họp đó, Trưởng đoàn chủ tịch quốc hội Tôn Đức Thắng đánh giá: “Nhân dân trong nước bằng miệng các ngài (đại biểu Quốc hội) thay mặt đã tự do đứng trên diễn đàn này lên tiếng đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về công việc nội chính và ngoại giao đã làm. Cái quyền tự do ấy, dân tộc chúng ta đã phải mua đắt bằng xương máu của bao nhiêu cuộc tranh đấu, nên chúng ta nhất định thi hành nó một cách nghiêm minh”.

Chất vấn giờ đây đã là một nội dung hiến định. Điều 80 Hiến pháp 2013 quy định, ĐBQH có quyền chất vấn Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Đồng thời, người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội tại kỳ họp hoặc tại phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; trong trường hợp cần thiết, Quốc hội, UBTVQH cho trả lời bằng văn bản.

Trước đó, Hiến pháp năm 1980 cũng đã từng quy định tại điều 95 rằng “ĐBQH có quyền chất vấn Hội đồng Bộ trưởng và các thành viên của Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC. Cơ quan hoặc người bị chất vấn phải trả lời trước Quốc hội trong kỳ họp của Quốc hội”. Tuy nhiên, trong nhiều năm liền, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động này đã không xuất hiện tại Quốc hội.

Một phiên họp tại Quốc hội khóa VIII. Ảnh tư liệu

Sau “sự kiện” chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, chất vấn đã được đưa vào Hiến pháp năm 1992, cũng là một sản phẩm lập pháp của Quốc hội khóa VIII. Theo Hiến pháp năm 1992 thì Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội cũng thuộc diện phải trả lời chất vấn. Tiếp đến là người đứng đầu các tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang cũng phải trả lời những vấn đề mà ĐBQH yêu cầu.

Theo tinh thần này, hoạt động chất vấn bắt đầu được tăng cường, với dấu ấn quan trọng vào năm 2003, khi chất vấn được truyền hình trực tiếp. Cũng trong năm 2003, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội đã quy định 5 hình thức giám sát của Quốc hội, trong đó chất vấn là hình thức thứ 4.

Theo dõi 4 khóa Quốc hội gần đây, dễ dàng nhận thấy hoạt động chất vấn ngày càng sôi nổi, đi thẳng vào những vấn đề nóng mà người dân quan tâm, cho dù lúc này lúc khác, chất vấn vẫn còn đó những “hạt sạn”. Vẫn còn những câu hỏi lê thê, những câu trả lời vòng vo, không đi thẳng vào vấn đề chính. Những người theo dõi Quốc hội vẫn còn nhớ, năm 2013, đại biểu Quốc hội Trần Văn Minh từng nhận xét về phần trả lời của một Bộ trưởng là “Tôi không hiểu Bộ trưởng nói gì”.

Điều phối là rất quan trọng

Nhận xét về chương trình chất vấn tại Quốc hội kỳ này, TS. Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN, nguyên ĐBQH khóa XIV cho rằng câu hỏi mà đại biểu Quốc hội đưa ra đã bám sát những vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm. Phần trả lời của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long và Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung đã thể hiện việc nắm bắt vấn đề khá toàn diện, sâu sắc.

Trả lời báo chí, TS. Nghiêm Vũ Khải cho rằng sẽ là quá tham vọng nếu chúng ta nghĩ rằng phải giải quyết tận gốc tất cả các vấn đề nêu tại phiên chất vấn trong thời gian tới. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cần lựa chọn vấn đề mang tính cấp bách, có tính chất cốt lõi, lan tỏa để tập trung thực hiện, tạo điều kiện để đất nước có thể đứng vững trước những thách thức hiện nay. Sau chất vấn, Chính phủ cần khẩn trương đánh giá và tổng kết vấn đề để kịp thời điều chỉnh chính sách pháp luật.

“Tôi nghĩ rằng ý nghĩa của các phiên chất vấn không phải để đánh giá Bộ trưởng nào nói hay, nói ‘dở’ mà đó là một hình thức giám sát, giúp điều chỉnh thể chế, hệ thống pháp luật, nguồn lực để làm sao tới đây, đất nước ta bình tĩnh bước vào giai đoạn bình thường mới, cũng như  bảo đảm mục tiêu Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra”. TS. Nghiêm Vũ Khải cho hay. 

Ông Nguyễn Ngọc Phương, (đại biểu Quốc hội khóa XIV, đoàn Quảng Bình) nhận định rằng thành công của chương trình chất vấn kỳ này là việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “dẫn dắt hoạt động chất vấn đi đúng quỹ đạo theo những nhóm vấn đề đã được Quốc hội lựa chọn, cân bằng thời gian hỏi và trả lời để bảo đảm đúng trọng tâm lại tạo không khí tranh luận, đi đến cùng, làm rõ từng vấn đề mà xã hội đang quan tâm”.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn tại Quốc hội. Ảnh: Chinhphu.vn

"Dù nhiệm kỳ này, tôi không là đại biểu Quốc hội nhưng theo dõi trực tiếp qua tivi tôi đánh giá rất cao người điều hành phiên chất vấn. Khoa học và mềm dẻo, kiên quyết và cân bằng là những điều có thể nhận thấy ở người điều hành và điều đó đã làm nên sự sinh động, hiệu ứng tích cực và hiệu quả của phiên chất vấn mà chúng ta có thể thấy 2 ngày qua", nguyên đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương nói.

Đây là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Việc tổ chức chất vấn có những đổi mới so với trước đây nhưng các đại biểu Quốc hội nhìn chung đã thể hiện nắm chắc thực tiễn với tinh thần xây dựng cao, tiến hành chất vấn bằng các câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề.

Trong phát biểu kết luận phần chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, các bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức trách nhiệm cao đã “trả lời nghiêm túc, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình, làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của mình, của ngành mình, lĩnh vực mình; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới”.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá hoạt động chất vấn tại kỳ họp cho thấy những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là đúng và trúng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận cả nước quan tâm, đánh giá cao, trong đó bao trùm hai vấn đề lớn. "Điều đó một lần nữa khẳng định chất vấn là hoạt động giám sát trực tiếp hiệu quả của Quốc hội, góp phần tạo dấu ấn, lan tỏa, cảm hứng hành động sáng tạo trong nỗ lực đổi mới hoạt động giám sát," ông nói.

Để chất vấn ngày càng hiệu quả

Năm 1991, khi Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo thực hiện cuộc chất vấn bất ngờ với Bộ trưởng Hoàng Quy, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hiện nay vừa từ nước ngoài trở về, bắt đầu công việc của mình tại Học viện tài chính. Hành trình 30 năm từ một giảng viên đại học thành một chính khách hàng đầu của ông Vương Đình Huệ cũng là hành trình 30 năm Quốc hội có những bước tiến dài trên con đường xác lập vị thế của mình trong hệ thống chính trị cũng như đời sống chính trị.

Chủ tịch Vương Đình Huệ, trong một bài viết gần đây về nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, đã khẳng định rằng “tinh thần đổi mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII không chỉ thể hiện ở việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội mà còn phản ánh trong cải tiến, đổi mới lề lối, phong cách làm việc của Quốc hội”.

“Hiệu quả hoạt động của Quốc hội ngày càng được nâng lên chủ yếu bắt nguồn từ việc mở rộng dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội. Việc mở rộng dân chủ “trước hết cần công khai các hoạt động của Quốc hội trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân biết, theo dõi và giám sát hoạt động của đại biểu Quốc hội... Theo tinh thần đó, từ Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa VIII (6/1988), các cơ quan thông tấn, báo chí được mời tham dự các phiên họp để chuyển tải đến nhân dân có đầy đủ thông tin cần thiết về hoạt động của cơ quan đại diện mà họ đã bầu ra”, ông Huệ viết.

Trong một bài viết khác, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng về hoạt động giám sát, qua mỗi nhiệm kỳ, Quốc hội luôn cẩn trọng, cân nhắc, lựa chọn các nội dung giám sát quan trọng, từ những vấn đề kinh tế vĩ mô đến các vấn đề dân sinh bức xúc, với nhiều hình thức phong phú, luôn bám sát và hướng vào giải quyết các yêu cầu của thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã điều hành rất tốt chương trình chất vấn tại Quốc hội kỳ này. Ảnh: Chinhphu.vn

“Các nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát ngày càng sát, trúng trọng tâm. Hoạt động chất vấn của Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, chất lượng; tinh thần xây dựng, trách nhiệm, tính dân chủ, công khai, tính tranh luận, đối thoại tăng lên rõ rệt qua từng nhiệm kỳ, kỳ họp”, ông viết.

Còn trong bài phát biểu nhậm chức của mình hồi tháng 7/2021, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh đến việc sẽ “tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội”. Đồng thời, sẽ “tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn…, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu”.

Điều hành đúng với tinh thần đó thì, không chỉ hoạt động chất vấn mà các hoạt động khác của Quốc hội nói chung sẽ ngày càng hiệu quả, đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Khi đó, chất vấn không chỉ là “hỏi – đáp” đơn thuần mà còn thể hiện trách nhiệm, trí tuệ và bản lĩnh của người hỏi, người đáp và người điều hành.

Tin mới lên