Diễn đàn VNF

VNF cuối tuần: Ứng xử mùa dịch, từ Pfizer đến Bách Hóa Xanh

(VNF) - Hai câu chuyện ứng xử trong mùa dịch dưới đây gợi nhắc đến vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong những hoàn cảnh đặc biệt của thị trường.

VNF cuối tuần: Ứng xử mùa dịch, từ Pfizer đến Bách Hóa Xanh

Bách Hóa Xanh đang phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng

Những ngày qua, chuỗi siêu thị lớn Bách Hóa Xanh đang trở thành tâm điểm bởi hàng loạt bài "tố" tăng giá sản phẩm giữa dịch Covid-19. Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt với “làn sóng” tẩy chay của người tiêu dùng. Bởi lẽ, nhiều ý kiến cho rằng việc “ngược dòng” tăng giá bán giữa lúc các hệ thống siêu thị khác đang nỗ lực bình ổn giá cho người dân đã thể hiện sự vô trách nhiệm với cộng đồng của doanh nghiệp này.

Cũng liên quan đến việc tăng giá giữa mùa dịch, trong một diễn biến khác, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) vừa đồng ý trả 345 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của người tiêu dùng về việc họ phải trả nhiều tiền hơn để mua EpiPen - thiết bị tiêm thuốc epinephrine dùng để điều trị khẩn cấp sốc phản vệ do công ty áp dụng biện pháp độc quyền.

Trước đó, một nhóm người tiêu dùng Mỹ đã đệ đơn kiện Pfizer, nhà sản xuất EpiPen và hãng dược phẩm Mylan, công ty sở hữu quyền tiếp thị và phân phối EpiPen. Họ cáo buộc các công ty áp dụng những biện pháp nhằm giữ thế độc quyền trên thị trường thiết bị y tế và duy trì lợi nhuận.

Hồi năm 2017, Mylan cũng đã đồng ý trả 465 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ về việc công ty đã tính giá EpiPen quá cao trong các hợp đồng với chính phủ.

Trở lại với Bách Hóa Xanh, khi làm việc với Cục Quản lý Thị trường TP. HCM ngày 16/7, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc hệ thống Bách Hóa Xanh thừa nhận việc hệ thống Bách Hóa Xanh đã tăng giá bán một số mặt hàng nhưng “không phải vì mục đích lợi nhuận”.

Tuy nhiên, ông Trần Kinh Doanh khẳng định, đơn vị không thể giữ giá bán như trước đợt dịch đối với một số mặt hàng do nhiều nguyên nhân khách quan liên quan đến việc giãn cách xã hội.

Các lý do được đưa ra bao gồm chi phí vận chuyển tăng do thời gian vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm soát liên tỉnh và tình trạng ùn ứ kéo dài trên các quốc lộ, kéo theo đó là tỷ lệ hư hao hàng tươi sống tăng cao; chi phí nhân công tăng do nhân viên phải tăng ca hoặc nhân viên phải đi cách ly; chi phí lấy giấy xét nghiệm… Ngoài ra, giá tăng từ phía nhà cung cấp do tăng chi phí vận chuyển, phí nhân công, tài xế, hư hỏng do kéo dài thời gian lưu thông...

Quản lý thị trường kiểm tra việc tăng giá hàng hóa ở cửa hàng Bách Hóa Xanh TP. HCM

Mặc dù đã lên tiếng khẳng định việc tăng giá bán hàng hóa không nhằm mục đích vụ lợi, nhưng Bách Hóa Xanh vẫn phải đối mặt với làn sóng tẩy chay của người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến phản đối đã được đưa ra dưới bài viết của fanpage facebook của Bách Hóa Xanh. Việc khách hàng phản ứng trước chuyện tăng giá của Bách Hóa Xanh cũng là điều dễ hiểu bởi đơn vị này “kêu than” muôn vàn lý do tăng giá, trong khi một số siêu thị khác tuyên bố vẫn giữ nguyên giá để hỗ trợ khách hàng trong mùa dịch.

Cụ thể, hệ thống siêu thị Co.op Food thông báo luôn giữ bình ổn giá, kết nối đi chợ cho khách hàng trong mùa dịch. “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Co.op Food ngày đêm cố gắng phục vụ hết công suất để đảm bảo đầy đủ các thực phẩm thiết yếu và chủ động giữ bình ổn giá tại thị trường TP. HCM...”, Co.op Food thông báo.

Một số đơn vị khác như VinMart/VinMart+, BigC, AEON … cũng có những động thái tương tự, khẳng định sẽ không tăng giá bán trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Hai sự kiện diễn ra ở hai thị trường khác nhau những trong cùng một bối cảnh dịch giã đã thể hiện cách ứng xử rất khác nhau. Không phải ngẫu nhiên mà trách nhiệm xã hội là khái niệm được giới kinh doanh đề cập đến rất nhiều trong thời gian gần đây. Giữa lúc cả nước đang gồng mình chống dịch, những hành vi "vụ lợi" từ dịch là hoàn toàn không thể chấp nhận được!

Tin mới lên